Đà hồi phục của VN-Index vẫn mong manh, nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng

Hiện tại, đà hồi phục của VN-Index vẫn mong manh khi thanh khoản đang ở mức rất thấp và chỉ số đang đứng trước ngưỡng kháng cự 1.220 – nơi đã từng bị bán tháo rất mạnh, nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đà hồi phục của VN-Index vẫn mong manh, nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng

Chứng khoán ngày 2/5, sau tuần hồi phục và lấy lại mốc hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm, VN-Index tiếp tục có phiên giao dịch tích cực khi đầu phiên tiếp tục phục hồi tăng điểm, rung lắc nhẹ trong phiên và duy trì tăng điểm đến cuối phiên.

Kết phiên VN-Index tăng 6,84 điểm (+0,57%) lên mức 1.216,36 điểm, vượt lên vùng giá cao nhất năm 2018 tương ứng 1.200 - 1.211 điểm và đang hướng đến vùng giá 1.216,61 - 1.223 điểm tương ứng vùng giá cao và thấp nhất của các phiên giảm điểm mạnh ngày 15-17/4/2024.

HNX-Index tăng 0,67 điểm (0,30%) lên mức 227,49 điểm. Độ rộng thị trường trên 2 sàn giao dịch phục hồi tích cực với 353 mã tăng giá (15 mã tăng trần), trong đó có nhiều mã rất tích cực khi đã vượt lên vùng giá cao nhất của phiên giảm mạnh 15/4/2024, 281 mã giảm giá (10 mã giảm sàn) và 149 mã giữ giá tham chiếu.

Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết chỉ đạt 15.362,28 tỷ đồng, dưới mức trung bình, trong đó khối lượng giao dịch tại HOSE giảm 10,58% so với phiên trước cho thấy mức độ phục hồi không đồng đều, phân hóa mạnh ở các nhóm ngành, các mã phục hồi tốt đa số có kết quả kinh doanh quý 1 khá tích cực.

Khối ngoại tiếp tục gia tăng bán ròng liên tục trên HOSE với giá trị 911,61 tỷ đồng trong phiên hôm nay; bán ròng khá đột biến các cổ phiếu như BWE, nhóm cổ phiếu ngân hàng...; bán ròng trên HNX với giá trị 18,68 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu công nghệ, viễn thông tiếp tục có diễn biến tích cực, dẫn dắt thị trường tiếp tục phục hồi, nhiều mã tiếp tục tăng giá mạnh, thanh khoản gia tăng tích cực như FOX (+5,93%), CMG (+3,36%), FPT (+3,33%), CTR (+2,82%)...

Các cổ phiếu ngành điện sau giai đoạn chịu áp lực giảm giá mạnh đã phục hồi mạnh trước thông tin Bộ Công Thương hoàn thành Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp với PPC (+6,69%), QTP (+5,84%), POW (+5,71%), NT2 (+4,67%), REE (4,22%)...

Các cổ phiếu nhóm phân bón nhiều mã cũng phục hồi mạnh, thanh khoản gia tăng khi kết quả kinh doanh quý 1 nhiều mã tích cực như DDV (+6,12%), DCM (+4,40%), DPM (+3,01%)..

Trong khi đó các cổ phiếu ngân hàng có diễn biến kém tích cực hơn, đa số biến động hẹp, thanh khoản suy giảm dưới mức trung bình với NVB (+2,25%), SHb (+2,18%), VIB (+1,42%)... SGB (-2,86%), STB (-2,13%), LPB (-1,91%)...

Các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán có diễn biến tiêu cực hơn khi thanh khoản thị trường ở mức thấp và hệ thống KRX vẫn chưa chính thức hoạt động, đa số mã chịu áp lực điều chỉnh như BVS (-3,95%), CSI (-3,24%), HCM (-2,59%), AGR (-2,50%)... ngoại trừ TVS (+2,13%), IVS (+1,77%)...

Nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến phân hóa tích cực hơn, nhiều mã phục hồi tốt, thanh khoản cải thiện như AGG (+6,91%), QCG (+5,92%), NBB (+3,82%)... ngoài các mã vẫn chịu áp lực điều chỉnh LGL (-4,67%), DIG (-3,42%), TDH (-2,28%)... Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng phân hóa mạnh, đa số các mã phục hồi tốt đều có kết quả kinh doanh tích cực như IDC (+4,98%), BCM (+3,05%), SIP (+2,96%).

anh-chup-man-hinh-2024-05-02-luc-192219-223.png
Diễn biến VN-Index trong thời gian qua

Đà hồi phục của VN-Index vẫn mong manh

Chứng khoán BIDV (BSC)

Hiện tại, đà hồi phục của VN-Index vẫn mong manh khi thanh khoản đang ở mức rất thấp và chỉ số đang đứng trước ngưỡng kháng cự 1.220 – nơi đã từng bị bán tháo rất mạnh, nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng.

VN-Index thiên về nhịp hồi kỹ thuật

Chứng khoán Kiến Thiết (CSI)

Quán tính tăng điểm được duy trì sau kỳ nghỉ dài. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn là điểm trừ đáng chú ý khi duy trì ở mức thấp, không hỗ trợ cho xu hướng hồi phục. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trên HSX sụt giảm 36,5% so với mức trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy tâm lý của giới đầu tư vẫn rất thận trọng, những phiên tăng điểm thiếu động lượng thiên về nhịp hồi kỹ thuật và chưa thể xác nhận xu hướng đảo chiều tăng điểm.

Điểm tích cực là sắc xanh trải rộng ra nhiều nhóm ngành (19/21 nhóm ngành tăng điểm), tuy nhiên biên độ tăng điểm mạnh chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình mà thiếu vắng các nhóm ngành trụ cột như: hàng không (+5,04%), điện (+4,14%), phân bón (+3,82%)… vì vậy nên động lực tăng điểm không mạnh.

CSI tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng, hạn chế việc mua thêm đồng thời căn bán hạ tỷ trọng khi đà hồi phục đưa VN-Index tiến tới ngưỡng kháng cự 1.225 - 1.247 điểm trong các phiên tới. Ở chiều hướng mua mới, chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng, chờ đợi sự xác nhận của động lượng đến từ khối lượng hoặc kiên nhẫn chờ đợi VN-Index kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1.125 - 1.132 điểm.

Không vội giải ngân khi sức ép đang gia tăng dần

Chứng khoán DSC

Phản ứng thị trường chậm lại là điều khá dễ hiểu khi mà thanh khoản thị trường vẫn lình xình mức thấp. Dòng tiền thiếu động cơ để mua bứt phá, khả năng điều chỉnh retest lực cầu giá thấp là khá cao. Ngưỡng kháng cự 1.220 điểm tiếp tục là vùng cản khó nhằn trong ngắn hạn. Chiến lược mua đuổi, mua giá xanh không được ưu tiên; canh mua chỉnh và vùng mua ưu tiên quanh vùng 1.170 điểm.

Độ rộng thị trường trung lập và phân hóa cao, các nhóm cổ phiếu mang tính thị trường (chứng khoán, bất động sản, ngân hàng) trong xu hướng điều chỉnh. Nhìn chung, cơ hội giải ngân vẫn thu hẹp.

Hiện tại có 5/5 chỉ báo tiêu cực. Các chỉ báo kỹ thuật đồng thuận báo tình trạng nguy hiểm cho xu hướng ngắn hạn. Dòng tiền xác nhận suy yếu, lực cầu kéo dự kiến giảm trong vài phiên tới. Đà kéo không thanh khoản càng nguy hiểm.

Tổng quan, quán tính bán ra vẫn là xu thế áp đảo trong tháng. Quan điểm quá trình phân phối hơn 1 tháng được xác nhận thì nhịp tích lũy lại cần thời gian tính theo vài tháng trở lên. Hiện tại, điểm cân bằng chưa rõ ràng cho vị thế mua trung-dài hạn.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Có thể bạn quan tâm