Dân số già hoá, Singapore hướng sự quan tâm sang "nền kinh tế bạc"

Công dân từ 65 tuổi trở lên chiếm gần 1/5 dân số Singapore, tăng 11,7% so với một thập kỷ trước. Và khi độ tuổi dân số trung bình cao lên, cơ hội cho các doanh nghiệp Singapore cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho người cao tuổi cũng tăng theo...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
singapore-silver-economy-20231031002917.jpg

Theo báo cáo năm 2023 của chính phủ Singapore ,công dân từ 65 tuổi trở lên chiếm gần 1/5 dân số, tăng 11,7% so với một thập kỷ trước. Với tốc độ nhanh như hiện nay, đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ vào khoảng 1 trên 4 công dân.

Khi độ tuổi dân số trung bình cao lên, cơ hội cho các doanh nghiệp Singapore cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho người cao tuổi cũng tăng theo.

Từ các công ty khởi nghiệp về chăm sóc sức khỏe sử dụng trí tuệ nhân tạo để điều trị cho bệnh nhân cao tuổi, đến các nền tảng quản lý hàng hóa phục vụ lối sống của người cao niên, nền kinh tế bạc (silver economy - nền kinh tế liên quan tới người cao tuổi) của Singapore đang bùng nổ và rất nhiều công ty địa phương cũng như quốc tế muốn tìm được một chỗ đứng cho mình.

NỀN KINH TẾ BẠC SINGAPORE

Theo Chỉ số nền kinh tế bạc của người cao tuổi ở châu Á năm 2020, Singapore cho thấy tiềm năng trở thành thị trường lớn nhất dành cho dân số già trong số 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Aging Asia, một doanh nghiệp xã hội chuyên kinh doanh các dịch vụ/sản phẩm dành cho người già, nền kinh tế bạc của quốc đảo sư tử dự kiến sẽ đạt giá trị 72,4 tỷ USD vào năm 2025.

Kelvin Tan, người đứng đầu nghiên cứu ứng dụng về lão hóa tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore (SUSS) cho biết, sự thay đổi trong hành vi chi tiêu của người cao tuổi sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu ngày càng tăng trong nền kinh tế lâu dài này.

Thuật ngữ “thế hệ tiên phong” được chính phủ Singapore đưa ra, đề cập đến những người cao tuổi từ 74 tuổi trở lên vào năm 2023.

Chuyên gia lão khoa lưu ý: “So với thế hệ tiên phong trước đây, thế hệ baby boomer (những cá nhân sinh từ năm 1946 đến 1964) của Singapore được giáo dục tốt hơn, có nhiều tiền tiết kiệm hơn và nhận thức rõ hơn về việc tìm kiếm các trải nghiệm và nâng cao lối sống".

Thế hệ baby boomer hiện vẫn là phân khúc thị trường mục tiêu chính của các doanh nghiệp bạc trong một hoặc hai thập kỷ tới, Janice Chia, người sáng lập Aging Asia nhấn mạnh.

"Thái độ và hành vi độc đáo của họ sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của các doanh nghiệp trên thị trường bạc (silver market). Bởi họ đã chu cấp cho con cái nhiều hơn so với các thế hệ trước và sẵn sàng chi tiêu hơn cho bản thân cũng như những trải nghiệm mới", bà Janice Chia giải thích.

Theo báo cáo của Citibank, người tiêu dùng từ 65 tuổi trở lên có tốc độ tăng trưởng chi tiêu nhanh nhất trong số các nhóm tuổi khác ở các nền kinh tế tiên tiến như Singapore.

FOREIGN201810191717000391023336182.jpg

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cũng tạo cơ hội cho các công ty phục vụ phúc lợi của người cao tuổi. Ông Kelvin Tan cho biết, thế hệ lớn tuổi ngày nay có ý thức cao hơn về việc duy trì sức khoẻ cả về mặt thể chất và tinh thần.

Ông Tan nói thêm, những người thuộc thế hệ baby boomer coi sức khỏe là ưu tiên số một vì họ có xu hướng tiếp tục làm việc sau này và vẫn muốn gắn bó, sinh hoạt với cộng đồng của mình khi về già.

Citibank ước tính rằng người tiêu dùng có thể sẽ chi tiêu nhiều hơn để điều trị và hỗ trợ người cao tuổi, thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng về chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ y tế.

Một báo cáo của Research and Markets ước tính rằng thị trường toàn cầu cho lĩnh vực công nghệ phục vụ người lớn tuổi sẽ tăng gấp ba lần trong 7 năm tới, đạt 82 tỷ USD vào năm 2030.

THỊ TRƯỜNG TIÊU DÙNG TIỀM NĂNG

Vanessa Keng, đồng sáng lập của The Golden Concepts, một nền tảng thương mại điện tử chuyên về các sản phẩm chăm sóc người cao tuổi, cho biết thị trường này đang phát triển ổn định khi ngày càng có nhiều công ty cung cấp nhiều sản phẩm hơn và phát triển chiều sâu trong các lĩnh vực chuyên môn.

Bà Keng cho biết, sự gia tăng đa dạng này là điều đáng khích lệ, bởi nó giúp khách hàng lớn tuổi có nhiều khả năng tìm được giải pháp phù hợp hơn để đáp ứng nhu cầu của họ.

Nhiều công ty thiết kế các sản phẩm giúp người cao tuổi sống độc lập. Các thiết bị như bấm móng tay có kính lúp, móc khóa kéo và thìa uốn cong giúp người lớn tuổi tự mặc quần áo và tự ăn.

DNI3ZRnXkAA_MfN.jpg

Chuyên gia Kelvin Tan từ SUSS tiết lộ, nhiều công ty cũng đang phát triển nhiều sản phẩm giúp người lớn tuổi sống một cách thoải mái và tự tin, ví dụ như những chiếc gậy chống trông giống như gậy leo núi hoặc những chiếc tã được thiết kế để trở thành một phần của váy/quần.

Trong những năm qua, Golden Concepts đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể lượng khách hàng mua các thiết bị hỗ trợ di chuyển giai đoạn đầu - chẳng hạn như gậy đi bộ, xe tập đi và xe lăn - thay vì các thiết bị hỗ trợ giai đoạn cuối như xe lăn.

“Sự tự ti đôi khi vẫn là một trong những thách thức tâm lý lớn nhất đối với người lớn tuổi. Họ không muốn bị coi là yếu đuối”, ông Kelvin Tan lưu ý.

silver_economy_is_the_business_of_ageing_a_sunrise_industry_2.jpg

Ngay cả ngành công nghiệp thực phẩm cũng đang phát triển. Các công ty khởi nghiệp sản xuất thực phẩm và thực phẩm bổ sung phục vụ chế độ ăn cho người già liên tục xuất hiện để đáp ứng cho một thị trường đang phát triển. Ví dụ, The Gentle Group là một công ty khởi nghiệp đã phát triển dòng thực phẩm xay nhuyễn được tạo thành các hình thức ăn quen thuộc dành cho những người khó nuốt. Kosmode Health đã tạo ra loại mì không chứa tinh bột cho người lớn tuổi và người mắc bệnh tiểu đường bằng cách sử dụng protein và chất xơ từ hạt lúa mạch.

Song song với sự tiên tiến của công nghệ, một số công ty cũng đang áp dụng AI để cung cấp giải pháp chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi.

Các công ty công nghệ y tế có trụ sở tại Singapore như Jaga-Me và Homage kết nối bệnh nhân lớn tuổi với người chăm sóc thông qua ứng dụng di động, nhắm đến số lượng ngày càng tăng người cao tuổi cần chăm sóc tại nhà. Theo Bộ Y tế Singapore, khoảng 100.000 người cao tuổi sẽ cần được hỗ trợ trong ít nhất một hoạt động sinh hoạt hàng ngày vào năm 2030.

Các công ty khởi nghiệp của Singapore như SmartPeep và SoundEye sử dụng công nghệ để phát hiện khi người cao tuổi bị ngã, đưa ra cảnh báo yêu cầu trợ giúp khi bệnh nhân gặp nguy hiểm.

Một thương hiệu nội địa khác, Tetsuyu, đã phát triển một ứng dụng hỗ trợ AI mà các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc có thể theo dõi vết thương và dấu hiệu bệnh lý của bệnh nhân cao tuổi từ bất kỳ thiết bị internet nào.

63d1b99ea31057c4b4b3db52.jpg

Ng Li Lian, nhà đồng sáng lập và giám đốc của Tetsuyu chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy rất nhiều cơ hội để phát triển các dịch vụ của mình, đặc biệt là trong việc giúp đỡ người cao tuổi sống độc lập… thông qua các công nghệ như giám sát tại nhà và robot xã hội”.

Tuy nhiên, trong khi một số người lớn tuổi có xu hướng thích sử dụng công nghệ để kết nối và tương tác với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc, thì một số khác vẫn chưa có nhiều hiểu biết về công nghệ và cảm thấy khó khăn và lo ngại về quyền riêng tư khi sử dụng các ứng dụng mới, bà Ng Li Lian chỉ ra.

“Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc có thể cần đầu tư thời gian và công sức để phổ biến, hướng dẫn người cao tuổi về lợi ích của việc theo dõi sức khỏe qua công nghệ và dần dần thuyết phục họ sử dụng chúng", nhà sáng lập Tetsuyu lưu ý.

Có thể bạn quan tâm