Đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng/m2 có bất thường không?

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, đấu giá 1m2 đất ở Thủ Thiêm mà 2,4 tỷ đồng là trường hợp "chưa bao giờ xảy ra". Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái này xem có bất thường không.

Tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 4/1, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, đấu giá đất tại Thủ Thiêm với mức trúng đấu giá 2,4 tỷ đồng một m2 là bất thường và đây là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.

Chiều 4/1, bên hành lang Quốc hội, trả lời báo chí về đất Thủ Thiêm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá đất trung bình tại đường Nguyễn Huệ, nơi được ví là trái tim của TP.HCM có giá khoảng 1,5 tỷ đồng một m2.

Quốc hội, Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái trúng đấu giá này xem có bất thường không. (Ảnh: Int)
Quốc hội, Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái trúng đấu giá này xem có bất thường không. (Ảnh: Int)

Trong khi đó, Thủ Thiêm là khu vực mà hạ tầng mới, đang còn xây dựng, hoang vắng thì mức đấu giá lên tới 2,4 tỷ đồng. "Mức giá này là không phù hợp, không thực khi giao dịch đột biến tăng gấp vài lần", Bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói thêm, cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Với trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên Môi trường, kể cả vấn đề giá đất.

Phát biểu thảo luận tại tổ khi nhắc tới việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nói, đấu giá 1m2 đất ở Thủ Thiêm mà 2,4 tỷ đồng là trường hợp "chưa bao giờ xảy ra". Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái này xem có bất thường không, còn nếu bình thường thì không sao.

Liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Phớc cho rằng, thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp huy động gấp đôi, ba lần trước đây, đạt 155.588 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Phớc, việc huy động trái phiếu doanh nghiệp có lỗ hổng nên Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 163 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, với những doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu, không đủ điều kiện phát hành sẽ tăng điều kiện phát hành, tránh làm nhiễu loạn thị trường, chiếm dụng vốn của nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường cảnh báo, kiểm tra, siết lại để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.

"Vì nhiều trường hợp, vốn vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn. Chẳng hạn, đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường", Bộ trưởng Phớc nhận xét.

Có thể bạn quan tâm