Tiền sảnh chính ga Hàng Cỏ - thuộc Bộ sưu tập ảnh KÝ ỨC HÀ NỘI XƯA 1870-1954 do nhà giáo Đoàn Thịnh và KTS Đoàn Bắc tập hợp
Chưa từng có tiền lệ
Theo nguyên tắc cơ bản, một đô thị loại lớn phải được cơ cấu bao gồm các công trình nền tảng như công viên công cộng, quảng trường, nhà ga, … Tại Hà Nội, chưa có công viên dành cho công cộng, hoặc có nhưng không có giá trị (ví dụ như Công viên Thống Nhất, không tính các công viên mang tính thương mại do doanh nghiệp tạo lập trong quần thể dự án của họ). Công viên công cộng là nơi người dân giao lưu hàng ngày, khách du lịch tìm tới/check-in và tìm hiểu về văn hóa lịch sử của Thành phố (kiểu như phố đi bộ quanh Hồ Gươm).
Tương tự, nhà ga đường sắt của Thành phố cũng rất quan trọng. Đây là thành tố mang tính định hình giá trị của Hà Nội. Tất cả các đô thị lớn, thành phố trên thế giới và khu vực đều nỗ lực hết sức để gìn giữ những nhà ga truyền thống theo hướng “càng cổ càng phải giữ”. Kinh nghiệm và định hướng chung của thế giới chỉ theo hướng duy nhất là xây dựng thêm ở địa điểm khác để giảm tải cho nhà ga cũ (thay vì phá nhà ga cũ).
Trong trường hợp hoạt động của nhà ga đó gây ảnh hưởng gia tăng áp lực giao thông trong đô thị thì họ thu nhỏ quy mô nhà ga truyền thống. Những TP lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay đô thị tại châu Âu, châu Mỹ đều chung một kim chỉ nam như vậy. Còn nếu Hà Nội phá bỏ hoàn toàn nhà ga cổ này để thay đổi chức năng thì có lẽ sẽ là tiền lệ đầu tiên trên thế giới.
Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, ga Hà Nội có tuổi đời xấp xỉ với cầu Long Biên. Về giá trị giao thông - lịch sử, ga Hà Nội chịu trách nhiệm là đầu mối các các tuyến đường sắt đi Lạng Sơn (kết nối với các tỉnh miền Nam của Trung Quốc); đi Hải Phòng và vào TP.HCM (tuyến Bắc – Nam).
Cần đặc biệt lưu ý về lý do tại sao ga Hà Nội được đặt tại đó mà không phải chỗ khác tại Thủ đô. Lịch sử cho thấy, tuyến đường từ Hà Nội (hay Thăng Long xưa) đi vào phía Nam được mệnh danh là con đường Thiên lý. Người Pháp đã tính toán rất khoa học về vị trí đặt nhà ga Hà Nội từ thế kỷ trước.
Mất gốc?
Sau khi thiết kế, xây dựng nhà ga (cửa chính quay ra mặt đường Lê Duẩn ngày nay), đất đai xung quanh khu vực này mới được phân chia cho các thương gia trong và ngoài nước để hình thành, phát triển khu phố cổ, phố cũ như hiện tại (từ ga trải dài tới khu vực bệnh viện 108).
Như vậy, không chỉ có giá trị về mặt giao thông, nhà ga Hà Nội còn đóng vai trò lịch sử là định hình cho cả nền tảng của vùng nội đô lịch sử. Chúng ta phải hiểu được tất cả những yếu tố hàm chứa của nhà ga Hà Nội khi đặt trong quy hoạch chung của Thành phố. Nếu đập đi xây mới, ở một góc độ nhất định, Thành phố đã…mất gốc!
Nên nhớ, không phải nhà ga thành phố được đặt vị trí một cách ngẫu nhiên để đảm bảo yếu tố giao thông, chính trị cũng như ổn định tâm lý của người dân sở tại. Còn nhớ, những năm tháng chiến tranh, nhà ga Hà Nội chính là đầu mối huyết mạch tiếp tế cho phía Nam. Khi Hà Nội bị ném bom, ga Hà Nội bị nhắm tới trước tiên (nhưng do lưới lửa phòng không của ta quá chặt chẽ nên “chệch” sang phố chợ Khâm Thiên).
Quỹ đất Hà Nội còn nhiều để xây dựng một nhà ga – trung tâm thương mại tương tự ở địa điểm khác. Phải đặc biệt tránh những điểm nhạy cảm như nhà ga truyền thống, công viên công cộng, quảng trường khi tiến hành xây dựng, phát triển các dự án hiện đại mang tính chất thương mại trong đó. Nghiên cứu lịch sử cho thấy, người Pháp chưa bao giờ có ý tưởng xây dựng, thiết kế một quảng trường trung tâm mang tính văn hóa – chính trị ở Sài Gòn (thay vào đó, họ chỉ đặt mục tiêu phát triển thành một trung tâm về thương mại). Trong khi đó, Hà Nội lại được tập trung ưu tiên hàng đầu xây dựng các công trình (hạ tầng, văn hóa lịch sử) mang tính chất biểu tượng của cả nước.
Cuối cùng, về chiều cao theo đề xuất thiết kế kiến trúc (40-70 tầng), là phụ thuộc vào ý kiến xem xét của Bộ Quốc phòng do liên quan tới độ cao tĩnh không, điểm quan sát mang tính chất chiến lược trong nội đô lịch sử. Chứ như một công trình cao tầng tại phố Thụy Khuê được cấp phép xây dựng cao hàng chục tầng tại vị trí cách không xa trung tâm Ba Đình thì cũng cần xem xét, KTS. Đoàn Bắc băn khoăn.
Theo Thái Bình/ Dân Việt
>> Hà Nội đề xuất xây khu ga Hà Nội cao 40 - 70 tầng: Chỉ lợi cho doanh nghiệp BĐS?