Cụ thể, ông Nguyễn Đức Mạnh đã đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu TNG nhằm mục đích tăng lượng cổ phần sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 21/6 và kết thúc vào ngày 19/7, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Hiện tại, ông Mạnh đang nắm giữ hơn 8,08 triệu cổ phiếu TNG, tương ứng tỷ lệ 7,69% và là cổ đông lớn thứ 2 của TNG, sau Chủ tịch Nguyễn Văn Thời – người nắm giữ hơn 19,48 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 17,16%.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch sáng ngày 20/6, giá cổ phiếu TNG đang dừng ở mức 18.200 đồng/cổ phiếu. Nếu tạm tính với mức thị giá này, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Mạnh sẽ phải chi khoảng 18,2 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu TNG đã đăng ký. Đồng thời, vốn hóa của doanh nghiệp này cũng đang được ghi nhận ở mức gần 2.000 tỷ đồng.
Cách đây không lâu, Đầu tư và Thương mại TNG đã thực hiện chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện là 100:8, tương đương với việc phát hành hơn 8,4 triệu cổ phiếu. Lượng cổ phiếu này đã về tài khoản của các cổ đông, giúp các cổ đông trên gia tăng sở hữu tại TNG.
Về hoạt động kinh doanh, theo công bố tình hình sản xuất kinh doanh tháng 5, doanh thu tiêu thụ của công ty TNG đạt 668 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,5% so với tháng trước. Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2023, doanh thu của doanh nghiệp này đạt 2.630 tỷ đồng, tăng 159 tỷ đồng, tương ứng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Xét về cơ cấu doanh thu tiêu thụ, Dệt may TNG hướng đến thị trường xuất khẩu và chỉ tập trung phần nhỏ (2%) vào thị trường nội địa. Xét về các thị trường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ đạo của TNG chiếm 47% cơ cấu, đứng thứ hai là Pháp với 16%. Ngoài ra, TNG cũng đẩy mạnh tại các thị trường như Canada, Nga, Đức…
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của TNG, cổ đông đã thông qua kế hoạch năm 2023 với doanh thu đạt 6.800 tỷ đồng, tương đương với kế hoạch đặt ra trong năm 2022. Về lợi nhuận sau thuế ước đạt 299 tỷ đồng, tăng 2,73% so với năm trước. Như vậy, sau 5 tháng đầu năm, Dệt may TNG đã hoàn thành gần 39% mục tiêu doanh thu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của công ty chứng khoán Bảo Việt, biên lợi nhuận gộp của TNG khó có thể bật tăng trong năm 2023 do doanh nghiệp đang chủ trương giảm giá bán nhằm giữ đơn hàng. Dệt may TNG có biên lợi nhuận gộp ở mức trung bình ngành, do doanh nghiệp chủ yếu sản xuất các sản phẩm quần áo mặc thường ngày (casual wear) và quần áo thể thao (như áo jacket, quần áo trẻ em, quần áo nỉ...). Phân khúc sản phẩm trên có biên lợi nhuận gộp thấp hơn các sản phẩm cao cấp như áo suits, veston.