Khối ngoại miệt mài bán ròng từ đầu năm, thị trường đang gặp khó?

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, đợt bán ròng của khối ngoại gần đây không quá ảnh hưởng tới xu hướng thị trường bởi lực cầu tích cực từ nhà đầu tư cá nhân trong nước duy trì tốt với nền thanh khoản cao…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
shutterstock-70432912-irsq-7469.jpeg

Thị trường chứng khoán đã trải qua tháng 3/2024 với diễn biến khá tích cực. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3, VN-Index dừng tại mức 1.284,09 điểm, tăng 2,5% so với thời điểm cuối tháng 2 và tăng 13,6% so với cuối năm 2023. Tính so với cùng kỳ, VN-Index tăng 20,6%. Tại phiên 28/3, có thời điểm VN-Index đạt mức 1.293,9 điểm.

Thống kê từ HOSE cho thấy, trong tháng 3, hầu hết chỉ số ngành ghi nhận tăng trưởng so với tháng trước, nổi bật nhất là ngành hàng tiêu dùng tăng 9,32%; ngành công nghệ thông tin tăng 7,2% và ngành công nghiệp tăng 6,04%.

Không chỉ điểm số, giao dịch trên thị trường cũng diễn ra sôi động với thanh khoản bình quân tháng 3/2024 đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu/ngày, giá trị giao dịch cũng lần đầu vượt qua ngưỡng 26.700 tỷ đồng/phiên kể từ tháng 9/2023, trong đó biến động thanh khoản phiên 18/3 ghi nhận lớn nhất với 43.000 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, động thái bán ròng khối ngoại tiếp tục là điểm trừ của thị trường chung từ đầu năm đến nay.

KHỐI NGOẠI RÚT RÒNG HƠN 13.000 TỶ ĐỒNG TRONG QUÝ 1/2024

Cụ thể, dòng vốn ngoại trong tháng 3 mua vào 1,62 tỷ cổ phiếu, trị giá 53.251 tỷ đồng, trong khi bán ra 1,92 tỷ cổ phiếu, trị giá 64.526 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 11.275 tỷ đồng, gấp 7,8 lần tháng 2, tương ứng khối lượng 296 triệu cổ phiếu.

Tính riêng sàn HOSE, khối ngoại đã bán ra gần 11.277 tỷ đồng trong tháng 3/2024, nâng giá trị bán ròng kể từ đầu năm lên 13.858 nghìn tỷ đồng; qua đó đánh dấu tháng bán ròng mạnh mẽ nhất của nhóm này kể từ tháng 5/2021.

anh-chup-man-hinh-2024-04-11-luc-221225-7210.png
Nguồn: SSI Research

Động thái bán ròng diễn ra diện rộng, tiếp tục tập trung ở nhóm thực phẩm và đồ uống (-4.794 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (-2.096 tỷ đồng), bất động sản (-1.428 tỷ đồng). Nhóm tài nguyên cơ bản cũng bị đảo chiều bán ròng (-1.001 tỷ đồng), thu hẹp giá trị mua ròng từ đầu năm ở nhóm này còn 513 tỷ đồng.

anh-chup-man-hinh-2024-04-11-luc-221854-8763.png
Nguồn: SSI Research

Lý giải về nguyên nhân khối ngoại liên tục bán ròng lượng lớn từ đầu năm tới nay, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thời điểm hiện tại là vùng bán ròng ưa thích của khối ngoại trong ngắn hạn, khi thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu vắng những câu chuyện lớn. Do vậy, VDSC không loại trừ áp lực này sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, tỷ giá đang khá căng thẳng trước áp lực giá vàng tăng nóng theo đà tăng của giá vàng thế giới, nhu cầu USD cho nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất trong khi dòng tiền từ xuất khẩu có độ trễ hơn, đồng USD tăng trở lại do FED chần chừ trong việc giảm lãi suất, chênh lệch lãi suất giữa VND/USD cao.

Trong báo cáo mới phát hành, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, áp lực tỷ giá trong nước dự kiến sẽ kéo dài và dai dẳng hết quý 2/2024, trước khi FED chính thức cắt giảm lãi suất. Thanh khoản VND có thể sẽ bị kiểm soát chặt hơn và lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng có thể sẽ tăng lên. Điều này có thể sẽ tạo áp lực ngắn hạn lên đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

DÒNG TIỀN NỘI TIẾP TỤC LÀ TRỢ LỰC CHÍNH

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, đợt bán ròng của khối ngoại gần đây không ảnh hưởng nghiêm trọng đến diễn biến chỉ số VN-Index. Thực tế, thị trường vẫn tăng bất chấp nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cho thấy lực cầu rất mạnh từ dòng tiền nội. Trong tháng 3, nhà đầu tư cá nhân mua ròng gần 11.145 tỷ đồng, tiếp nối lực mua ròng của tháng 2, trong đó gom ròng khớp lệnh 10.340 tỷ đồng.

Giá trị vốn hóa cổ phiếu trên HOSE đạt hơn 5,22 triệu tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng 2/2024 và hơn 23% so với cuối năm 2023, chiếm hơn 94% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết toàn thị trường và tương đương 51,12% GDP năm 2023 (GDP theo giá hiện hành).

Trong ngắn hạn, giới chuyên gia dự báo tác động từ diễn biến của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa quá ảnh hưởng tới xu hướng thị trường, bởi lực cầu tích cực từ nhà đầu tư cá nhân trong nước duy trì tốt với nền thanh khoản cao.

Nếu giai đoạn trước, giao dịch khối ngoại chiếm 15 - 20% khi thanh khoản toàn thị trường dưới 20.000 tỷ đồng, thì gần đây, giá trị giao dịch sàn HOSE neo quanh 25.000 - 30.000 tỷ đồng, từ đó giảm tỷ trọng của nhà đầu tư nước ngoài về 5 - 7%/phiên.

Theo báo cáo chiến lược mới đây, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) cho rằng, dòng tiền nội sẽ tiếp tục là lực cầu chủ đạo của thị trường trong bối cảnh lãi suất thấp và khối ngoại sẽ còn tiếp tục rút vốn khi chênh lệch lãi suất USD/VND ở mức cao.

Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital nhận định, nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ chưa quay lại mua ròng trong thời điểm này khi tỷ giá vẫn còn áp lực tăng trong thời điểm tới và tỷ giá có thể vẫn sẽ còn neo ở mức cao cho đến khi FED bắt đầu có động thái giảm lãi suất hoặc Ngân hàng Nhà nước có động thái tăng lãi suất. Do đó, thị trường sẽ vẫn còn phụ thuộc và dẫn dắt bởi dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Tuy nhiên, nếu thị trường điều chỉnh mạnh về vùng giá hấp dẫn cũng là yếu tố có thể thu hút dòng tiền quay trở lại mua ròng.

Tương tự, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, sức hấp dẫn của thị trường cổ phiếu Việt Nam còn khó đem lại sự bứt phá, nhất là trong bối cảnh tỷ giá đang gặp nhiều áp lực, trừ trường hợp các giải pháp giúp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam được thực hiện quyết liệt hơn nữa.

Tuy nhiên, nhận định về xu hướng trung và dài hạn, SSI Research tin rằng dòng tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam có thể có diễn biến tích cực hơn trong nửa cuối năm nay, khi được hưởng lợi từ dòng tiền chuyển dịch sang thị trường đang phát triển, sau khi FED bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Còn theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thanh khoản thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới nhờ sự dẫn dắt của nhà đầu tư trong nước do mức nền thấp của năm 2023, cùng các thông tin về kế hoạch 2024 cũng như kết quả kinh doanh quý 1/2024 nhìn chung sẽ tích cực hơn so với cùng kỳ. Dù vậy, sự tích cực này không ngoài kỳ vọng và đã được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Theo VDSC, tính đến nay đã hơn 1 năm kể từ khi Ngân hàng Nhà nước đảo chiều định hướng hỗ trợ chính sách tiền tệ, tương ứng với khoảng thời gian lãi suất tiết kiệm 12 tháng trở lên đạt đỉnh và đi vào chu kỳ giảm về mức thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tiệm cận ngưỡng lạm phát 4%. Với lãi suất thực thấp sẽ kích cầu đầu tư tiêu dùng trong nền kinh tế, kỳ vọng vòng quay tài sản được đẩy mạnh.

Do đó, dòng vốn nội sẽ tìm đến các kênh đầu tư có mức rủi ro hơn và có lợi tức hấp dẫn trong dài hạn như vàng, bất động sản, cổ phiếu và các loại hình đầu tư khác.

Có thể bạn quan tâm