Doanh nghiệp nhựa đi tìm cơ hội trong thách thức

Ô nhiễm nhựa, chính sách giảm thiểu sử dụng nhựa nguyên sinh và tăng cường sử dụng nhựa tái chế trên toàn cầu... là những thách thức lớn mà doanh nghiệp nhựa đang phải đối mặt...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hình ảnh tại triển lãm HanoiPlas 2024
Hình ảnh tại triển lãm HanoiPlas 2024

Vừa qua, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội đã khai mạc Triển lãm Quốc tế lần thứ 12 về máy móc thiết bị công nghiệp ngành nhựa và cao su (HanoiPlas) 2024.

Phát biểu tại triển lãm, bà Judy Wang, Chủ tịch Công ty Yorkers Exhibition Service Việt Nam cho biết, ngành nhựa và cao su Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu thiết yếu cho nhiều ngành công nghiệp như điện tử, dệt may, hàng tiêu dùng và ô tô.

Với sự đầu tư ngày càng tăng, Việt Nam củng cố vị thế là trung tâm sản xuất quan trọng các sản phẩm nhựa, đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế lớn. Năm nay, HanoiPlas 2024 tôn vinh những tiến bộ và mở rộng vượt bậc trong ngành nhựa Việt Nam.

“HanoiPlas cung cấp nền tảng để các nhà sản xuất trong nước áp dụng những cải tiến mới nhất, đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt và nâng cao hiệu quả sản xuất đi đôi với tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, sự kiện còn quy tụ các nhà lãnh đạo, các chuyên gia trong ngành đến giao lưu, trao đổi, thúc đẩy tiềm năng phát triển của ngành năng động này", bà Judy Wang nhấn mạnh.

1-5813.jpg
Các đại biểu cắt băng khai mạc HanoiPlas 2024

Theo ông Đinh Đức Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam cho hay, ngành công nghiệp nhựa giữ vị trí quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của các ngành công nghiệp khác trong nước và đang có tốc độ phát triển tốt, tiềm năng, thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế.

Năm 2023, nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu đạt 6,82 triệu tấn với trị giá 9,76 tỷ USD, giảm 4,2% về lượng và giảm 21,2% về trị giá so với năm 2022. Doanh thu ngành nhựa năm 2023 đạt 25 tỷ USD, giảm 0,67% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến, xuất khẩu sản phẩm nhựa Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng mạnh, đạt trên 3,15 tỷ USD, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy vậy, theo ông Thắng, sản phẩm nhựa Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn, cụ thể là vấn đề ô nhiễm nhựa, chính sách giảm thiểu sử dụng nhựa nguyên sinh và tăng cường sử dụng nhựa tái chế trên toàn cầu nhất là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản trong thời gian tới sẽ tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội nếu các doanh nghiệp biết nắm bắt.

Để ngành nhựa Việt Nam tiếp cận được yêu cầu đối với sản phẩm nhựa trên thế giới thì các doanh nghiệp nhựa, các nhà sản xuất cần tìm kiếm công nghệ mới, nguyên vật liệu mới phù hợp, thân thiện với môi trường để có thể đáp ứng được xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến các sản phẩm nhựa bền vững và thân thiện với môi trường.

HanoiPlas năm nay có sự góp mặt 200 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất cao su, nhựa, hóa chất và nguyên liệu giới thiệu công nghệ máy móc liên quan tới ép phun, đóng gói nhựa mềm, bao bì PP dệt, ép nhựa, thổi màng.

Các doanh nghiệp này đến từ 13 quốc gia và khu vực, bao gồm: Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Pakistan, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam

Sự kiện sẽ diễn ra đến hết ngày 8/6, tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Hà Nội (I.C.E), số 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Có thể bạn quan tâm