Doanh nghiệp vững vàng "vượt bão" thanh khoản nhờ chiến lược kiểu mới

"Siêu bão" thiếu thanh khoản đang đe dọa sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn. Cho nên, việc tìm ra cách thức định vị và thực thi chiến lược nhanh và hiệu quả nhất để vượt qua các thách thức do "siêu bão" gây ra và phát triển bền vững đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm...

Hội thảo: "Vượt bão: Từ chiến lược đến hành động"
Hội thảo: "Vượt bão: Từ chiến lược đến hành động"

Trong khi hậu quả của đại dịch Covid-19 chưa được khắc phục, thì chiến sự nổ ra ở Ukraina, tiếp theo là xung đột bất ngờ giữa Israel và Hamas, khiến cho kinh tế toàn cầu tiếp tục rơi vào khủng hoảng. Suy thoái kinh tế sau cơn bão Covid-19 cũng như các cuộc xung đột kéo dài đã biến mọi dự báo trước đó gần như là vô nghĩa và sẽ còn có những “cơn bão ngầm” chưa thể nhận diện.

Tại Việt Nam, “siêu bão” thiếu thanh khoản đang hoành hành và đe doạ sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp lớn đã từng thành công một cách ngoạn mục trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp đã gục ngã hoặc đang trong tình trạng “chết lâm sàng”.

Cho nên, việc tìm ra cách thức định vị và thực thi chiến lược nhanh và hiệu quả nhất để vượt qua các thách thức do "siêu bão" gây ra và phát triển bền vững đang được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp rất quan tâm.

Đặc biệt trong bối cảnh, sự tiến bộ công nghệ, nhất là công nghệ kết nối đang tạo ra các áp lực thay thế trực tiếp đối với các mô hình kinh doanh hiện tại, kể cả những mô hình đã và đang đem lại thành công vượt bậc.

Với sứ mệnh đồng hành cùng doanh nghiệp Việt trên con đường phát triển bền vững, mới đây, Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (SLEADER) phối hợp với Viện Malik, Thụy Sỹ đã tổ chức Hội thảo: "Vượt bão: Từ chiến lược đến hành động", nhằm tìm ra cách thức định vị, thực thi chiến lược nhanh và hiệu quả nhất trong cơn bão khủng hoảng.

KHÁCH HÀNG LÀ YẾU TỐ TRUNG TÂM CỦA BẢN ĐỒ CHIẾN LƯỢC KIỂU MỚI

Tại hội thảo, TS. Dương Thu, Viện trưởng SLEADER cho rằng, trong bối cảnh môi trường kinh doanh biến động không ngừng và khó đoán định, doanh nghiệp muốn tồn tại qua mọi thách thức và "bão tố" thì vấn đề của khách hàng cần phải được ưu tiên giải quyết - là yếu tố trung tâm của bản đồ chiến lược kiểu mới.

TS. Dương Thu khẳng định: "Chiến lược đòi hỏi hành động hướng vào khách hàng và tìm ra các giải pháp tốt hơn các giải pháp đang tồn tại. Chiến lược phải được cập nhật liên tục, hàng năm, khác với trước đây là chỉ xây dựng và làm theo lộ trình đặt ra từ 5 - 10 năm. Nhanh phải là ưu tiên số 1".

anh-chup-man-hinh-2023-12-23-luc-114722-8059.png
TS. Dương Thu, Viện trưởng SLEADER

Chia sẻ trực tuyến từ xa, GS. Fredmund Malik, Chủ tịch Viện Malik, Thụy Sỹ cho rằng: “Chiến lược nghĩa là phải hành động đúng dù không biết sắp tới điều gì sẽ xảy ra!”.

Điều đó đã được chứng minh khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2000 và năm 2008 thực sự đã diễn ra như những gì GS. Fredmund Malik dự đoán từ năm 1997. Việc dự đoán trước cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho sự sụp đổ của hệ thống tài chính từng được cho là tốt nhất thế giới, điều chưa từng có tiền lệ, do vậy, GS. Fredmund Malik đã tư vấn, giúp cho các doanh nghiệp như: Tập đoàn Volkswagen, Tập đoàn tài chính bảo hiểm Allianz, Tập đoàn Daimler, Tập đoàn BMW… tăng trưởng ngay cả trong nghịch cảnh.

GS. Fredmund Malik là người đã phát kiến ra một công nghệ Đồng hợp cho phép đồng tâm hợp trí (Syntegration) của nhiều người cùng lúc để đưa ra các giải pháp sáng tạo, khả thi một cách nhanh nhất, vượt lên mọi phương pháp thông thường nhờ tính hiệu quả. Công nghệ này đã được mang tên ông và đăng ký sở hữu trí tuệ ở châu Âu và trên toàn thế giới.

Trao đổi với GS. Malik, một số doanh nghiệp đã cho biết về những khó khăn mà họ thường gặp trong quá trình thực thi chiến lược. Điển hình là sự mâu thuẫn giữa những mục tiêu đặt ra, sự thiếu hụt nguồn lực hay sự phản kháng từ văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, bằng cách đổi mới tư duy cùng những phương pháp tiếp cận phù hợp, các rào cản đó hoàn toàn có thể vượt qua.

anh-chup-man-hinh-2023-12-23-luc-115122-2726.png
GS. Fredmund Malik, Chủ tịch Viện Malik, Thụy Sỹ

Chia sẻ về kinh nghiệm và thực tiễn "vượt bão" bằng các chiến lược "kiểu mới", đó là ứng dụng Đồng hợp Malik, ông Văn Tiến Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết, PVCFC là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành Dầu khí ứng dụng Đồng hợp Malik để tìm bộ giải pháp đồng bộ nhằm thích ứng với môi trường VUCA với nhiều biến động trong thế kỷ 21.

PVCFC đã lựa chọn công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới này để điều chỉnh và hoàn thiện Chiến lược phát triển đến 2035, tầm nhìn 2045 trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, ảnh hưởng mạnh của xung đột địa chính trị, của biến đổi khí hậu, các chính sách giảm phát thải và sự dịch chuyển mạnh về năng lượng và công nghệ.

Đến thời điểm hiện tại, PVCFC đã có những bước triển khai khá chắc chắn như: Đầu tư sản xuất các loại khí công nghiệp và hoá chất dựa trên nền tảng công nghệ hiện có; Đầu tư hệ thống kho bãi tại thị trường mục tiêu, thực hiện M&A Nhà máy NPK công suất 360 nghìn tấn/năm bằng việc ký kết thoả thuận với tập đoàn TKG Taekwang & Huchemes (Hàn Quốc) về việc chấp thuận chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Phân bón Hàn Việt (KVF).

Tại hội thảo, ông Trần Văn Lê, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh cho biết, để phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, muốn phát triển kinh tế thì cần chăm sóc, đeo bám nhu cầu của khách hàng một cách sát nút để luôn luôn đáp ứng được sự biến động của thị trường. Bên cạnh cũng hấp thụ những công nghệ hiện đại của thế giới để thay đổi cách nhìn, giúp chúng ta có tầm nhìn xa để tiên lượng được trước thị trường để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

anh-chup-man-hinh-2023-12-23-luc-134624-2835.png

Từ một người từng đương đầu với nhiều khó khăn bão tố trong kinh doanh, nay ông Trần Văn Lê đã trở thành CEO hàng đầu trong lĩnh vực quạt công nghiệp. Ông rất tâm đắc với cách tiếp cận chiến lược của GS. Malik, bởi những thành công của Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh ngày nay là xuất phát từ các quy tắc chiến lược cũng như các công cụ kiểm soát đã được diễn giải cụ thể trong ấn phẩm: "Chiến lược – Định hướng trong một thế giới mới phức hợp", đã được TS. Dương Thu dịch ra tiếng Việt và xuất bản năm 2023.

Phương Linh đã có hành động đúng tại những ngã rẽ của thị trường, mặc dù chưa biết phía trước có gì xảy ra. Chính vì vậy, cách đây hơn 10 năm, Ông đã đầu tư máy móc và công nghệ châu Âu một cách đồng bộ để sản xuất quạt công nghiệp chất lượng cao, có giá thành cạnh tranh so với sản phẩm nhập ngoại.

Ông Trần Văn Lê nói thêm: "Yếu tố để thoát khỏi khó khăn trong phát triển kinh tế doanh nghiệp. Việc đầu tiên là duy trì tần suất đi lên một cách đều, có hệ thống và luôn luôn phải có chiến lược hiện tại và tương lai. Bởi cái quá khứ chỉ là bài học còn hiện tại cần nắm bắt hoàn toàn thị trường một cách nhanh chóng và thông minh nhất".

Thành công của Phương Linh xuất phát từ việc luôn coi việc đem lại giá trị cho khách hàng là trên hết. "Luôn thấu hiểu nhu cầu của khách hàng; đồng thời phải bám vào những khách hàng có nhu cầu, thanh khoản, phải trả 'tiền tươi, thóc thật", ông Trần Văn Lê chia sẻ bí quyết căn bản để vượt qua mọi loại bão kể cả bão thanh khoản – vốn đang đe dọa sự tồn vong của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

TRỢ LỰC NÀO GIÚP DOANH NGHIỆP "VƯỢT BÃO"?

PGS.TS Hoàng Văn Hải, Cố vấn cấp cao Tập đoàn Đèo Cả

PGS.TS Hoàng Văn Hải, Cố vấn cấp cao Tập đoàn Đèo Cả

Bình luận thêm về "cơn bão" mà nền kinh tế đang phải đối mặt, PGS.TS Hoàng Văn Hải, Cố vấn cấp cao Tập đoàn Đèo Cả đánh giá: Vấn đề tăng trưởng chậm, vấn đề ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu, các biến động do chính sách vĩ mô, hay phải ứng phó với những thay đổi trong và ngoài nước... đã bắt buộc doanh nghiệp phải có những cách để thích ứng với khó khăn một cách chủ động.

"Khó khăn là đương nhiên. Tuy nhiên, trong khó khăn sẽ có những doanh nghiệp sẽ vượt qua được thách thức và trở thành những doanh nghiệp lớn mạnh. Còn những doanh nghiệp tư duy làm cách cũ hoặc trông chờ những khó khăn qua đi và để gặt hái những thuận lợi trước mắt, thì tôi nghĩ sẽ không có chỗ đứng trên thị trường. Tôi cho rằng năm 2024 là một năm để thử thách năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và kiểm chứng những lý thuyết mới của GS. Malik", ông Hải nói.

Cũng tại hội thảo, TS. Dương Thu đã đưa ra một bài toán, trong bối cảnh các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế đều gặp khó khăn, các doanh nghiệp nên đưa ra các sản phẩm với dịch vụ, chi phí, hợp lý nhất. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo chất lượng và có lãi.

Để giải được bài toán này, bà Thu khuyến nghị: "Muốn làm được sản phẩm có chi phí hợp lý, chất lượng tốt và có lãi thì chỉ có cách là quản lý tốt, phân công lao động hợp lý, dựa trên những thế mạnh của từng người, tối ưu nguồn lực, giúp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh có thể trơn tru, đạt năng suất và hiệu quả hơn".

Có thể bạn quan tâm