Theo Đèo Cả, xây dựng hoàn thành 3.800km đường cao tốc trong giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay là một mục tiêu thách thức. Với lý do nguồn vốn ngân sách hiện không dồi dào, nguồn tín dụng từ các ngân hàng ngày càng khó khăn.
Vấn đề đặt ra là các nhà đầu tư tham gia dự án phải tìm ra một giải pháp huy động vốn mới, phù hợp, có sức hấp dẫn.
Theo ông Trần Văn Thế (Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả), thời gian qua, tập đoàn đã thực hiện nhiều công trình hạ tầng giao thông đường bộ có chất lượng, hiệu quả cao. Hiện, Đèo Cả đang được nhiều địa phương mời tham gia triển khai các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) ở phía Bắc, ở Tây Nguyên…
Từ đó, doanh nghiệp này đã cùng các địa phương trên báo cáo Chính phủ cụ thể về phương thức huy động vốn cho các dự án đầu tư PPP, trong đó có phương thức huy động vốn từ các nguồn lực khác thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp... "Vốn huy động các nguồn lực khác chỉ hiệu quả, thu hút được thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp", ông Thế nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo tập đoàn, các giải pháp trên đang bị vướng bởi các định chế tài chính hiện hành mà nếu không tháo gỡ, sẽ khó hấp dẫn, khó huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông lớn, nhất là mục tiêu hoàn thành 3.800km đường cao tốc giai đoạn 2021-2030 như Chính phủ đề ra. Đó là vấn đề hạch toán, phân bổ chi phí lãi vay ở dự án BOT.
Theo ông Trần Văn Thế, dự án PPP hình thức hợp đồng BOT là một hình thức kinh doanh đặc thù. Ở đó, thông thường vốn vay các tổ chức tín dụng sẽ chiếm trên dưới 70%/tổng vốn đầu tư.
Khi dự án hoàn thành và đi vào vận hành, có đặc điểm là doanh thu thời gian đầu thấp, từ 5-10 năm sau mới bắt đầu tăng lên. Nghĩa là những năm đầu, doanh nghiệp dự án BOT sẽ lỗ, lãi dần về sau.
Trong khi đó, quy định hiện hành lại buộc doanh nghiệp BOT chịu mức lãi vay ban đầu lớn (do dư nợ lớn) và giảm dần về sau (trả dần theo thời gian).
Trong mô hình “3 chữ P” mà đại diện doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông đang đề xuất về nguồn vốn thực hiện dự án PPP giao thông, gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu và vốn huy động các nguồn lực khác, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp là giải pháp nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo các cấp và các chuyên gia.
Về vấn đề nay, ông Nguyễn Viết Huy – Phó Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) cho rằng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là một giải pháp đúng luật và sẽ mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư có thể tham gia thực hiện các dự án cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Ông Huy cho rằng, các giải pháp của Tập đoàn Đèo Cả khi triển các dự án có nhu cầu vốn lớn, khó khăn tín dụng và tranh chấp pháp lý... như tại các Dự án hầm Đèo Cả, Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận đều thành công với phương thức huy động vốn rất đa dạng. Trong đó, mỗi dự án là “một bài toán khó - kèm theo lời giải phù hợp”, bước đầu kết quả là “tạo giá trị thật cho xã hội ”.
Trên thực tế, quá trình đàm phán giữa Bộ GTVT và Tập đoàn Đèo Cả khi ký kết hợp đồng triển khai các dự án PPP trong thời gian vừa qua như thu phí tự động không dừng (ETC), cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo… không chỉ kéo dài, rất chi tiết và trực diện vì doanh nghiệp này có kinh nghiệm thực tiễn, bộ máy chuyên nghiệp và đặc biệt các dự báo về nhu cầu tài chính, chính sách… Các vấn đề tài chính, pháp lý tại các dự án nói trên luôn được nhà đầu tư yêu cầu làm rõ với mục tiêu tạo sự công bằng giữa các chủ thể trong quá trình đồng hành lâu dài trong suốt vòng đời dự án.
Theo lãnh đạo Vụ PPP, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn đầu tư theo hình thức PPP trước đây chỉ bó hẹp trong việc vay vốn các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn tín dụng ngày càng khó khăn thì đây lại là rào cản rất lớn để triển khai các dự án PPP giao thông quy mô lớn.
“Theo Luật PPP mới ban hành, ngoài việc vay vốn tổ chức tín dụng thì huy động vốn qua các tổ chức hay cá nhân hợp pháp đều đảm bảo. Tôi cho rằng đây là hướng đi phù hợp với bối cảnh nguồn ngân sách không dồi dào ở Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn cần phát triển hạ tầng đi trước một bước”, ông Huy đánh giá.
Hiện nay Nghị định số 28/2021/NĐ-CP về việc quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương pháp PPP cũng đã hướng dẫn khá cụ thể các thủ tục, các bước cần thiết để giúp doanh nghiệp PPP phát hành trái phiếu.
“Thực tế các dự án PPP (thông qua hình thức hợp vốn BOT) không giống như các dự án bất động sản hay những dự án phát triển khác. Trong những năm đầu hoàn vốn dự án BOT, dòng tiền đều khó khăn do lưu lượng xe chưa cao đồng thời ưu tiên trả lãi và trả gốc cho ngân hàng.
Vướng mắc lớn nhất liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp là quá trình điều chỉnh chính sách thuế chậm, đặc biệt là hạch toán chi phí lãi vay tại các Dự án BOT đã kéo dài nhiều năm chậm được giải quyết mặc dù Bộ GTVT đã nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính tháo gỡ.
“Để Luật PPP đi vào cuộc sống, cần xác định rõ doanh nghiệp dự án PPP (BOT) rât khác với doanh nghiệp kinh doanh bình thường. Phương án tài chính tại dự án PPP phải tính toán cơ cấu lãi vay theo vòng đời của dự án có thể kéo dài tới 30 năm và thể hiện đúng bản chất là một doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận đúng như thực tế từ một dự án tài chính hiệu quả. Tôi cho rằng cần tháo gỡ các bất cập chính sách thuế hiện nay ở khâu phân bổ lãi vay, để thể hiện đúng bản chất về hiệu quả kinh tế của dự án”, ông Huy nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, VARSI đã nhận được văn bản của Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị về bất cập trong hạch toán, phân bổ chi phí lãi vay các dự án PPP hiện nay. Trên cơ sở kiến nghị của Tập đoàn Đèo Cả và các Nhà đầu tư BOT khác, VARSI sẽ báo cáo Chính phủ và kiến nghị đến Quốc hội trong thời gian tới nhằm tháo gỡ khó khăn cho các Dự án hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT đang bị vướng mắc kéo dài chưa được giải quyết.
“Thực tế trong 5 năm qua, không có dự án PPP nào được triển khai. 5/8 dự án PPP không có nhà đầu tư đều do không có ngân hàng nào cấp tín dụng. Và nếu cứ đưa điều kiện vốn huy động phải là tín dụng của ngân hàng thì cả 3 dự án đã ký hợp đồng bị vô hiệu vì khả năng ký được hợp đồng tín dụng sau 6 tháng là không nhiều hy vọng”, Chủ tịch Varsi cho biết.