Doanh nhân cựu chiến binh Lê Văn Kiểm – người luôn chọn việc phụng sự xã hội là kim chỉ nam

Từng là người lính có mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến vào giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, doanh nhân cựu chiến binh Lê Văn Kiểm luôn tự hào và cảm thấy may mắn vì những dấu mốc quan trọng của cuộc đời ông đều gắn với ngày 30/4 lịch sử.

Người lính trẻ gác hạnh phúc riêng tiên phong phụng sự đất nước

Doanh nhân Lê Văn Kiểm – Chủ tịch HĐQT, Nhà sáng lập của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, là con liệt sĩ và cũng là người lính tham gia chiến trường miền Nam khốc liệt.

Năm 1954, Đảng, Bác Hồ và Nhà nước cho thành lập các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc để nuôi dưỡng, cho ăn học, đào tạo các con của các bộ miền Nam. Người thiếu niên Lê Văn Kiểm được đưa vào học tập ở các trường học sinh miền Nam khi đó.

Chân dung doanh nhân cựu chiến binh, Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm.
Chân dung doanh nhân cựu chiến binh, Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm.

Năm 1964, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông trúng tuyển vào trường Đại học Thủy Lợi. Đến năm 1965, như bao thanh niên khác ông hăng hái tham gia quân đội và đã trúng tuyển vào Quân chủng Không quân. Sau thời gian bồi dưỡng sức khỏe tại sân bay Bạch Mai để sang Liên Xô học lái máy bay MIC 21. Vì là con duy nhất của liệt sĩ nên cấp trên đã đưa ông trở lại mái trường Thủy lợi để tiếp tục học tập.

Điều hết sức đặc biệt và may mắn trong những năm tháng học tập, ông đã gặp gỡ, đem lòng thương mến và nên duyên cùng cô nữ sinh Trần Cẩm Nhung - cũng là một học sinh miền Nam trên đất Bắc. Ngày 30/4/1970, hai người đã tổ chức một đám cưới giản dị. 

Năm 1971, sau khi tốt nghiệp đại học, cầm tấm bằng kỹ sư trên tay nhưng với lòng yêu nước, khao khát cống hiến sức trẻ để báo đáp sự hy sinh của thế hệ cha ông, một lần nữa chàng trai Lê Văn Kiểm đã chích máu viết đơn tình nguyện xin vào quân đội, xung phong đi vào chiến trường miền Nam – nơi đang diễn ra cuộc chiến tranh ác liệt.

Ngày 30/4/1975, dấu ấn kỷ niệm đúng 5 năm ngày cưới của vợ chồng ông Lê Văn Kiểm, cũng là ngày ông có mặt tại trung tâm Sài Gòn trong đoàn quân giải phóng tiếp quản Sài Gòn và công tác tại Uỷ ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định.
Ngày 30/4/1975, dấu ấn kỷ niệm đúng 5 năm ngày cưới của vợ chồng ông Lê Văn Kiểm, cũng là ngày ông có mặt tại trung tâm Sài Gòn trong đoàn quân giải phóng tiếp quản Sài Gòn và công tác tại Uỷ ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định.

11giờ 30 ngày 30/4/1975, nghe đài phát thanh đưa tin Dương Văn Minh – Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố đầu hàng, miền Nam giải phóng, người lính Lê Văn Kiểm không giấu nổi sự vui mừng và hạnh phúc khi cùng đồng đội thay quân phục mới, cánh tay trái đeo băng đỏ có chữ màu vàng “Quân quản K6”.

14 giờ ngày 30/4/1975 người lính Lê Văn Kiểm đã có mặt tại trung tâm Sài Gòn trong đoàn quân Giải phóng vào tiếp quản Sài Gòn. Ông Kiểm nhớ lại "lúc đó hai bên đường phố Sài Gòn đông đảo người dân Sài Gòn hân hoan vẫy cờ hoa đón chào đoàn quân giải phóng chúng tôi. Tôi vô cùng xúc động vì từ nay trở đi nước nhà đã được hòa bình, thống nhất, tôi sẽ được về đoàn tụ với gia đình vợ con và tôi rất vinh dự được chứng kiến một thời khắc lịch sử quan trọng có một không hai của cuộc đời tôi và của đất nước".

Doanh nhân cựu chiến binh tiên phong trên mặt trận kinh tế

Hết thời gian Quân quản, ông Lê Văn Kiểm được đề bạt làm Phó ban Kiến thiết cầu đường bộ miền Nam. Ông Lê Văn kiểm chia sẻ, Ban Kiến thiết cầu đường bộ miền nam là bên quản lý toàn bộ việc xây dựng, khôi phục toàn bộ hệ thống cầu đường bộ các tỉnh miền Nam kể từ tỉnh Ninh Thuận trở vào hết các tỉnh miền Nam thuộc Cục cầu đường bộ miền Nam.

Trong thời gian quân quản, ông nhận thấy các trí thức cấp lãnh đạo từ Trưởng ti giao thông công chánh đến các giám đốc các khu kiều lộ của chế độ cũ đều là những người trí thức, có bằng cấp kỹ sư trở lên được đào tạo cả trong nước và ngoài nước, có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và quản lý cầu đường bộ.

"Trong quá trình họ phải chạy di tản từ ngoài miền Trung và từ các tỉnh miền Tây Nam bộ về Sài Gòn, nhiều công ty của chúng ta không dám nhận thì tôi đã nhận về hết. Tôi đã xin phép cấp trên được bảo lãnh cho những công chức đó được học tập tại chỗ, không phải đi tập trung. Nhờ lực lượng trí thức đó kết hợp với các kỹ sư từ trên căn cứ về, tôi đã tổ chức triển khai việc kiểm tra xây dựng, phục hồi hoàn chỉnh tốt toàn bộ hệ thống cầu đường bộ miền nam ở các quốc lộ và liên tỉnh lộ trong vòng gần 2 năm”, AHLĐ Lê Văn Kiểm nói.

Cũng theo ông Lê Văn Kiểm, trong quá trình đó ông được tiếp xúc với các công ty tư nhân trong chế độ cũ làm trong ngành giao thông công chánh, thấy cách điều hành của họ rất linh hoạt, quyền hạn tập trung vào một người chủ nên việc tính toán, quyết định rất nhanh chóng, họ phải chịu trách nhiệm toàn bộ chất lượng của công trình, phải chịu trách nhiệm trước các quyết định của mình. Từ đó tôi có suy nghĩ mình phải cố gắng học hỏi để làm theo.

Nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Thị Cẩm Nhung.
Nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Thị Cẩm Nhung.

Ông là một trong những doanh nhân đi đầu thời kỳ mở cửa kinh tế những năm 1980, ông đã mạnh dạn tiên phong phát triển nhiều lĩnh vực như: sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, sản xuất bột màu không phai dùng cho sản xuất gạch lát nền nhà và quét tường, sản xuất dầu ép từ hạt cao su phục vụ ngành sản xuất sơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp của ông còn sản xuất hàng may mặc xuất khẩu và trở thành một trong những doanh nghiệp hàng may mặc lớn nhất Việt Nam những năm 1987 – 1990, là công ty tư nhân đầu tiên của Việt Nam được phép xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 2.000 cán bộ công nhân viên công ty và hơn 20.000 lao động của các doanh nghiệp vệ tinh trong toàn quốc.

Đến đầu những năm 1990, nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng và bất động sản, doanh nhân Lê Văn Kiểm đã tiên phong tham gia xây dựng các công trình hạ tầng quan trọng mang tính đột phá và đòi hỏi phải có năng lực triển khai như thi công một số trụ điện 500 kV Bắc – Nam, nút giao thông Hàng Xanh – công trình đầu tiên thí điểm mô hình BT đạt chất lượng vượt trội.

Thứ trưởng Bộ Giao Thông nguyên Trưởng Ban giao thông công chánh Trung ương Cục Miền nam ông đặng Văn Thông tặng cờ truyền thống giao thông công chánh Trung ương Cục Miền nam cho ông lê Văn Kiểm, Chủ tịch Công ty Huy Hoàng tại lễ khánh thành nút giao thông Hàng Xanh.

Tại buổi lễ khánh thành này, ông Đặng Văn Thông đã phát biểu khẳng định công trình giao thông này được làm với chất lượng không thua kém gì đối với quốc tế mà giá chỉ bằng một phần ba so với giá quốc tế mà thôi. Công trình này đã được đưa vào đoạt động xuyên suốt hơn 25 năm mà không bị hư hỏng, phải sửa chữa gì. Toàn bộ tiền lãi trong quá trình làm nút giao thông đã được vợ chồng ông bà Lê văn Kiểm – Trần Cẩm Nhung đóng góp cho việc xây dựng tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Bến Dược huyện Củ Chi.

Doanh nhân Lê Văn Kiểm cũng là một trong những doanh nhân đầu tiên đầu tư, xây dựng khách sạn resort tại khu vực Long Hải, Bà Rịa – Vũng Tàu từ những năm 1993 và trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho đến thời điểm hiện tại.

Năm 2001, ông tiếp tục mở rộng một lĩnh vực mới đó là kinh doanh sân golf với sự ra đời của sân Golf Long Thành – sân golf đầu tiên do người Việt Nam hoàn toàn tự đầu tư, quy hoạch, thiết kế, xây dựng, quản lý đạt tiêu chuẩn quốc tế và nhận được nhiều giải thưởng danh giá trong, ngoài nước.

Với mong muốn thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị hai nước Việt – Lào, doanh nhân Lê Văn Kiểm đã mạnh dạn đầu tư dự án Đặc khu Kinh tế Long Thành – Viên Chăn có quy mô gần 600ha, đây cũng là đặc khu duy nhất do người Việt làm chủ đầu tư tại Lào.

Nổi bật nhất trong số các dự án bất động sản phải kể đến dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise tại tỉnh Khánh Hòa có quy mô gần 800ha, tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ USD được PropertyGuru Việt Nam bình chọn là “Siêu phức hợp theo mô hình xanh tốt nhất Việt Nam”. Quần thể có đủ tiện ích, dịch vụ từ vui chơi, giải trí, mua sắm, du lịch cao cấp đến hệ thống chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, trung tâm cộng đồng chuẩn quốc tế. Giai đoạn 1 của dự án đã vận hành từ năm 2018 và đã nhanh chóng trở thành điểm đến quốc tế mới cho du khách trong và ngoài nước đồng thời khẳng định giá trị thương hiệu du lịch bền vững của tỉnh Khánh Hoà. Đây cũng là thời điểm, doanh nhân Lê Văn Kiểm xây dựng công ty theo mô hình tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực với tổng mức đầu tư các dự án vào thời điểm đó là hơn 5 tỷ USD.

Năm 2018 cũng là năm doanh nhân Lê Văn Kiểm tiếp tục tiên phong trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia đầu tư phát triển dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn tại Việt Nam với 3 dự án điện mặt trời quy mô 200MW đã hoàn tất đi vào vận hành và Tổ hợp Dự án điện mặt trời nổi với quy mô lớn đang triển khai, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021- 2025, góp phần khẳng định vai trò của Việt Nam trong việc giảm khí thải nhà kính và giữ vững vị trí trên bản đồ năng lượng sạch thế giới.

Bền bỉ phụng sự cộng đồng

Trong suốt hành trình phát triển, gia đình doanh nhân Lê Văn Kiểm và Tập đoàn luôn đồng hành cùng các hoạt động thiện nguyện, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh và tri ân với những người đồng đội, người có công với đất nước. Được biết, tổng số tiền doanh nghiệp và gia đình ông đã dành cho các chương trình từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa tính đến nay đã lên đến trên 2.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng cho công tác phòng chống dịch Covid-19, Golf Long Thành đã đóng góp số tiền hơn 670 tỷ đồng trong đó đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 của Chính phủ là 500 tỷ đồng.

Doanh nhân, cựu chiến binh AHLĐ Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty Golf Long Thành đã trao tặng quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 số tiền 500 tỉ đồng.
Doanh nhân, cựu chiến binh AHLĐ Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty Golf Long Thành đã trao tặng quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 số tiền 500 tỉ đồng.

Doanh nghiệp cũng như cá nhân doanh nhân ông Lê Văn Kiểm đã nhiều lần được Đảng, Nhà nước Việt Nam, Lào, Campuchia ghi nhận và trao tặng các huân chương cao quý.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc mừng AHLĐ Lê Văn Kiểm và AHLĐ Trần Cẩm Nhung tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (10/12/2020)
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc mừng AHLĐ Lê Văn Kiểm và AHLĐ Trần Cẩm Nhung tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (10/12/2020)

Cuối năm 2020, vợ chồng ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung đã cùng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Trong đó, ông Lê Văn Kiểm (đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam, Ủy viên BTV Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới lần thứ 2.

Doanh nhân Lê Văn Kiểm và gia đình là một trong 7 thành viên của Hội đồng sáng lập trường Đại học Fulbright Việt Nam, cam kết cùng 7 thành viên xây dựng khuôn viên chính của trường tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
Doanh nhân Lê Văn Kiểm và gia đình là một trong 7 thành viên của Hội đồng sáng lập trường Đại học Fulbright Việt Nam, cam kết cùng 7 thành viên xây dựng khuôn viên chính của trường tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Doanh nhân Lê Văn Kiểm và gia đình là 1 trong 7 thành viên của Hội đồng sáng lập trường Đại học Fulbright Việt Nam, cam kết cùng 7 thành viên ban đầu hiến tặng trường 35 triệu đô la hỗ trợ giai đoạn 1 dự án xây dựng khuôn viên chính của trường tại Khu Công nghệ Cao TP.HCM.

Trước đó, năm 2019, tạp chí Forbes bình chọn và công bố danh sách 30 Anh hùng từ thiện châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có sự góp mặt của hai doanh nhân Việt Nam là ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung. Ông bà là người Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách, cả hai xếp thứ 7 trong top 10 anh hùng từ thiện hào phóng nhất.

Có thể thấy, người lính Cụ Hồ năm xưa, người doanh nhân tài ba trên thương trường ngày hôm nay luôn vững vàng một tâm niệm: lấy phụng sự đất nước, xã hội là kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Cũng chính bởi vậy, nhiều người thường gọi ông bà với danh xưng: Người doanh nhân của tâm và tài!

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…