Doanh nhân Nguyễn Văn Thắng: Từ ngân hàng bước sang Quốc hội

Xuất thân từ gia đình nông dân, nhưng bằng nghị lực, ông Nguyễn Văn Thắng đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành Chủ tịch VietinBank. Tháng 6/2016, với việc trúng cử Đại biểu Quốc hội, sếp lớn của VietinBan
Doanh nhân Nguyễn Văn Thắng: Từ ngân hàng bước sang Quốc hội
Chủ tịch Vietinbank Nguyễn Văn Thắng trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV
Đi ra từ lũy tre làng
Hồi tháng 1/2016, ông Nguyễn Văn Thắng trở thành tâm điểm của sự chú ý khi trúng cử Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là một trong những ủy viên trẻ nhất của kỳ Đại hội này. Chưa hết sự chú ý, cái tên Nguyễn Văn Thắng lại tiếp tục gây nên tiếng vang khi ông lọt vào danh sách một trong 16 doanh nhân trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Sinh năm 1973 tại một vùng quê thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thắng là con trong một gia đình nông dân có 8 anh chị em. Cha ông đã mất. Mẹ ông, bà Vũ Thị Đính, đến tận năm 2011, khi đã ngoài 80 tuổi, vẫn còn làm nghề nông. Thuở nhỏ, nhà ông không có điều kiện, trong số các anh chị em, 3 người làm nghề tự do, 4 người làm công nhân, chỉ có mình ông theo được con đường học vấn. Ông Thắng học giỏi và học rất nhiều.
Năm 1995, ông lấy bằng cử nhân chuyên ngành Tín dụng của Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu khoa học ngân hàng. Năm sau, ông tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, chuyên ngành tiếng Anh. 4 năm tiếp theo đó, ông lần lượt lấy bằng cử nhân Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội, bằng Thạc sĩ Học viện Ngân hàng, rồi trở thành Tiến sĩ Kinh tế, Học viện Tài chính khi tròn 40 tuổi.
Cả quãng đời học tập dài ngót nghét 20 năm ấy, ông Thắng đều gắn bó với ngành ngân hàng. Chính vì thế với ông, ngân hàng không chỉ là nghề mà còn là nghiệp nữa. Từ sau khi lấy tấm bằng đầu tiên, năm 1996, ông đã bắt đầu làm việc cho Vietinbank ở vị trí cán bộ kinh doanh đối ngoại tại Chi nhánh Ba Đình.
Kể từ đó, sự nghiệp của ông liên tục phát triển, khoảng cách giữa hai lần thăng chức cứ dần được rút ngắn xuống. Năm 2000, ông lên chức Thư ký Tổng Giám đốc, một tháng sau, kiêm thêm chức Phó Chánh văn phòng. 3 năm kế tiếp, giữ chức Phó phòng rồi Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp lớn.
1,5 năm sau ông lên chức Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Hà Nội. Đến năm 2011, sự nghiệp của ông rẽ sang bước ngoặt mới khi ông được đảm nhận chức vụ Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vietinbank. Sau 3 năm làm “phó tướng” dưới trướng ông Phạm Huy Hùng, ngày 29/4/2014, ông Thắng chính thức trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank ở tuổi 41.
Lãnh đạo chuyên “vượt kế hoạch”
Ông Nguyễn Văn Thắng là một trong những thủ lĩnh hiếm hoi của ngành ngân hàng Việt Nam khi chỉ làm cho một đơn vị duy nhất trong toàn bộ sự nghiệp. 20 năm gắn bó với Vietinbank đã khiến cho ông hiểu sâu sắc ngân hàng này để đến khi được trao trọng trách, ông đã khiến tất cả phải bất ngờ.
Ông Thắng được mệnh danh là lãnh đạo chuyên “vượt kế hoạch”. Ngày mới đảm nhiệm cương vị Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, chỉ trong khoảng thời gian gần 1,5 năm, ông Thắng đã làm Ban lãnh đạo VietinBank giật mình vì những thành tích khó tin.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao cúp Thánh Gióng cho ông Nguyễn Văn Thắng 
Kết thúc năm 2010, nguồn vốn huy động của VietinBank chi nhánh Hà Nội lên đến 31.775 tỷ đồng, đạt 116% so với kế hoạch, tăng 100% so với năm 2009. Dư nợ cho vay đạt 124% so với kế hoạch giao, tăng 96% so với năm 2009. Lợi nhuận của Chi nhánh đạt 604,65 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch giao. Sau khi tiếp nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, trong bối cảnh khó khăn chung khi nền kinh tế suy thoái, ông Nguyễn Văn Thắng vẫn đưa Vietinbank tiếp tục vượt các chỉ tiêu được đặt ra.
Tính đến 31/12/2015, tổng tài sản của VietinBank đạt 779.000 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm 2014 và đạt 104% kế hoạch ĐHĐCĐ giao; tổng nguồn vốn huy động đạt 702.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2014 và đạt 103,8% kế hoạch; dư nợ tín dụng đạt 674.000 tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm 2014 và đạt 109,9% kế hoạch.
Dưới thời ông Nguyễn Văn Thắng, VietinBank đã có thương vụ M&A đình đám khi hoàn tất việc bán 19,73% cổ phần cho cổ đông chiến lược là The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Ltd. và phát hành thêm 457,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào năm 2013. Sự kiện này đã đưa VietinBank trở thành ngân hàng TMCP có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu lớn nhất trong hệ thống. Đồng thời, đưa VietinBank lên vị thế mới trong mắt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Với gần 20.000 cán bộ, nhân viên của VietinBank, dấu ấn của vị thuyền trưởng tài ba này đơn giản là đã giúp họ đảm bảo được việc làm với thu nhập thậm chí còn cao hơn trước. Cho đến nay, VietinBank được đánh giá là một trong những ngân hàng có đội ngũ nhân sự ổn định nhất, hiệu quả cao nhất và mức lương cao nhất trong hệ thống.
Với những kết quả xuất sắc đạt được như trên, ông Nguyễn Văn Thắng một lần nữa được kì vọng khi mang thêm trên mình trọng trách của một vị Đại biểu Quốc hội. Bước chân trên nghị trường chắc chắn phải khác bước chân trên thương trường!

Xuân Hải/VNF

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…