Mở cửa phiên giao dịch ngày 9/4, thị trường chứng khoán tiếp tục giảm hơn 70 điểm, lùi mức thấp nhất trong hơn 15 tháng. Tuy nhiên, đến khoảng hơn 10h, lực cầu bắt đáy bất ngờ dâng cao, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu Bluechips, tạo cú hích khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều hồi phục.
Tâm điểm dẫn dắt đà phục hồi là nhóm cổ phiếu họ Vingroup – một "đầu tàu" bứt phá ngoạn mục. VIC có thời điểm bật tăng gần 5%, trong khi VRE và VHM cũng không kém cạnh khi lần lượt tăng 3,4% và 3,2%. Nhóm ngân hàng cũng đồng loạt khởi sắc, nổi bật với ACB, TCB, VIB, TPB cùng ghi nhận mức tăng 1%-2%.
Dưới lực đẩy mạnh mẽ từ dòng tiền, VN-Index có thời điểm lấy lại sắc xanh, bật lên mức 1.141 điểm – tăng gần 68 điểm so với đáy trong phiên. Thế nhưng, lực bán chốt lời sau đó nhanh chóng áp đảo, kéo chỉ số quay đầu giảm về mốc 1.121 điểm, tương đương mức sụt giảm hơn 1%.
Trên mạng xã hội, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI cũng lên tiếng đầy ẩn ý: “Thuế quan tác động tiêu cực nhưng không có lý do gì thị trường phản ứng như tận thế, đã đến lúc bắt đáy!” – dòng trạng thái ngắn gọn nhưng gây chú ý trên Facebook cá nhân của ông.
Bình luận này được đưa ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán vừa trải qua một đợt sụt giảm mạnh do lo ngại về các mức thuế đối ứng gây sốc từ phía Mỹ. Chỉ sau chưa đầy ba phiên giao dịch đầy biến động, vốn hóa toàn thị trường "bốc hơi" tới 1,04 triệu tỷ đồng – tương đương gần 40 tỷ USD. Sự hoảng loạn bao trùm khi thời điểm áp thuế đối ứng (ngày 9/4) cận kề mà vẫn chưa có tín hiệu nào về một thỏa thuận tháo gỡ.
Tính đến 8/4/2025, tổng vốn hóa tại 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM đã giảm mạnh. Cụ thể, tổng giá trị vốn hóa VN-Index giảm từ 5,53 triệu tỷ đồng xuống còn 4,76 triệu tỷ đồng; ở HNX-Index giảm từ 387,6 nghìn tỷ đồng xuống còn 340,4 nghìn tỷ đồng; ở UPCoM-Index giảm từ 1,43 triệu tỷ đồng xuống còn 1,21 triệu tỷ đồng.
Thuế đối ứng 46% do Hoa Kỳ áp đặt đang tạo ra thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam, từ xuất khẩu, FDI đến tăng trưởng GDP và ổn định tỷ giá. Việc áp dụng thuế quan trên diện rộng được xem là biện pháp để tái cân bằng thương mại toàn cầu và giảm thâm hụt của Mỹ, song đồng thời gây hiệu ứng dây chuyền lên các thị trường chứng khoán trọng điểm.
Báo cáo của SSI Research mới đây cho rằng ảnh hưởng tiêu cực ngắn hạn là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên tin xấu vẫn có thể là tin tốt với những lợi ích dài hạn của việc xây dựng một mô hình tăng trưởng cân bằng hơn, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và động lực tăng trưởng để xây dựng một nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt hơn.
"Mặc dù thị trường có thể còn động lực điều chỉnh trong ngắn hạn, tỷ lệ thị trường hồi phục sau giai đoạn 1-3 tháng và 12 tháng tương đối cao ở mức 70% và 75%, với tỷ suất sinh lời trung bình sau 12 tháng là 16%", nhóm phân tích nêu rõ.
Theo báo cáo chiến lược của Chứng khoán Mirae Asset, kết quả đàm phán của Việt Nam nhằm hạ mức thuế đối ứng hoặc đạt được các điều lệ miễn trừ đối với các mặt hàng trọng điểm sẽ giữ vai trò then chốt trong việc giảm thiểu các tác động bất lợi. Chính phủ đã thành lập tổ công tác phản ứng nhanh và khởi xướng những cuộc thảo luận cấp cao với phía Mỹ, tập trung vào hợp tác thương mại lâu dài cùng với những động thái nhượng bộ phù hợp.
Trong thời gian tới, thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến tiếp tục chịu áp lực đến khi kết quả đàm phán thuế quan có thêm những tín hiệu rõ ràng. Nếu Việt Nam thành công trong đàm phán, Mirae Asset kỳ vọng thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi về mặt tâm lý lẫn thanh khoản. Ở chiều ngược lại, việc không đạt được những điều khoản khả quan có thể khiến VN-Index lùi về các vùng hỗ trợ 1.125 – 1.150 điểm.
Do đó, Mirae Asset khuyến nghị nhà đầu tư duy trì quan điểm giao dịch thận trọng trong ngắn hạn, song song với việc theo dõi chặt chẽ tiến trình đàm phán thương mại và các chỉ báo kinh tế vĩ mô.
SGI Capital cũng cho rằng các rủi ro từ thuế quan tác động tới nhà đầu tư đang phản ánh rất nhanh vào giá cổ phiếu và sẽ dần phai nhạt trong 2 tháng tới khi quá trình đàm phán diễn ra và hoàn tất. Nửa cuối năm nay, dòng tiền của khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng theo sự hấp dẫn của định giá và quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2.
VN-Index giảm mạnh đã kéo định giá của thị trường về vùng rẻ của 10 năm, mở ra cơ hội đầu tư dài hạn rất tốt với nhiều cổ phiếu đầu ngành chất lượng cao. Cho dù thuế quan sẽ làm tăng trưởng chậm lại, nhưng khi tất cả doanh nghiệp tốt xấu đều bị bán tháo như nhau về quanh mức rẻ lịch sử, nhiều cơ hội đầu tư dài hạn rất hấp dẫn đã xuất hiện.
Trong báo cáo về tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ mới đây, VinaCapital đánh giá nhiều doanh nghiệp có nền tảng vững chắc có khả năng bị bán tháo quá mức. Quỹ ngoại cho rằng đợt bán tháo này tạo ra cơ hội cho các nhà quản lý quỹ chủ động mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và ít bị tác động trực tiếp bởi chính sách thuế, với mức định giá hấp dẫn hơn.
Nhìn về dài hạn, chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố tích cực khi triển vọng nâng hạng thị trường đang tới gần. Thêm vào đó, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng, thị trường kỳ vọng đón dòng tiền mới.