Trong một chia sẻ mới đây về cơ hội và triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam trong năm 2020, ông Andy Ho cho biết, Việt Nam đang được thế giới đánh giá quản lý chặt và tốt dịch Covid-19 khiến nền kinh tế phục hồi nhanh.
Về dài hạn, Covid-19 đang thúc đẩy dịch chuyển các cở sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, mặt khác cho thấy rõ nét môi trường kinh tế xã hội ổn định của Việt Nam. Ghi nhận, làn sóng FDI tiếp theo đang khởi phát.
Theo VinaCapital, hơn 20% cơ sở sản xuất của các công ty nước ngoài đặt tại Trung Quốc sẽ dịch chuyển trong 5-10 năm tiếp theo, 80% người tiêu dùng Hoa Kỳ không muốn mua sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc…
Ông Andy Ho nhận định, nền kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường thu hút đầu tư sẽ là động lực hồi phục, thậm chí tăng trưởng mạnh trở lại cho thị trường chứng khoán Việt Nam. So với các thị trường trong khu vực, Việt Nam dự kiến sẽ hồi phục nhành nhất; chưa kể rủi ro về những đợt tái bùng dịch tiếp theo cũng thấp hơn.
Lý giải nguyên nhân từ đầu năm đến nay, khối ngoại liên tiếp rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Andy Ho cho rằng “có thể do “ở nhà” cũng đang cần tiền hoặc tâm lý bảo toàn vốn giữa bối cảnh rủi ro gia tăng”.
Tuy nhiên, theo quan sát của VinaCapital, thực tế điều này chỉ đúng với các nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức nhỏ trên thế giới. Ngược lại, nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn trên thế giới vẫn đang có rất nhiều tiền nhàn rỗi, và không thực sự cần thiết để rút tiền về. Đồng nghĩa, một lượng tiền lớn của nhóm này vẫn còn ở châu Á và đang tìm kênh đầu tư, minh chứng là những đợt IPO cực kỳ thành công liên tục diễn ra 9 tháng qua.
Riêng Việt Nam, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều cơ hội. Điều nhà đầu tư ngoại cần là có hàng để mua, hàng phải có cơ sở nền tảng tốt, và đặc biệt là còn room ngoại…và Việt Nam đáp ứng đầy đủ những yêu cầu này. Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam dự sẽ hút mạnh dòng vốn khi lên được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.