Dự án thủy điện Sông Bung 2: Chậm tiến độ, tăng vốn đầu tư

Công trình thủy điện Sông Bung 2 (Nam Giang) ngoài chậm tiến độ còn điều chỉnh nâng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu, đã đặt ra nhiều câu hỏi về hiệu quả đầu tư của dự án này.

Đổ lỗi cho nhà thầu?

Ngày 19.5.2016, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký quyết định (số 99/QĐ-EVN) về việc phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 dự án thủy điện Sông Bung 2.

Theo đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh lần này lên đến hơn 5.239 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 3.000 tỷ đồng, chi phí thiết bị hơn 761 tỷ đồng, chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng hơn 25 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án gần 94 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gần 244 tỷ đồng, chi phí khác hơn 715 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 345 tỷ đồng.

Theo quyết định này, EVN cũng yêu cầu Tổng Công ty phát điện 2, Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 tính toán hợp lý, hợp pháp của các chi phí phát sinh trong tổng mức đầu tư của dự án, thanh quyết toán theo đúng quy định; làm việc với Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu về trách nhiệm bảo hiểm cho công trình theo đúng quy định.

Thêm vào đó, tiến độ thi công cũng một phần làm đội vốn vì quyết định đầu tư được phê duyệt là 4,5 năm. Khởi công năm 2009, kế hoạch sẽ hoàn thành năm 2014. Tuy nhiên, tháng 3.2010 mới ký được hợp đồng vay vốn. Dự án thủy điện Sông Bung 2 có địa chất rất phức tạp, khi thi công mở móng, địa chất nền móng xấu phải xử lý như chân đập, hố móng, các mái đào đập dâng, đập tràn, nhà máy, các đứt gẫy, nước ngầm trong hầm, sạt trượt do cơn bão số 10 năm 2013...

Về việc tăng mức đầu tư lần 2 của dự án thủy điện Sông Bung 2 lên hàng nghìn tỷ đồng, tại báo cáo bổ sung số 1643/BC-EVN do EVN ký gửi Hội đồng thành viên EVN, thì nguyên nhân dự án đầu tư thủy điện Sông Bung 2 được phê duyệt quyết định đầu tư năm 2007 (QĐ417-EVN-HĐQT) nhưng đến năm 2009 mới có nguồn vốn và thời gian từ khi dự án được phê duyệt đến khi thực hiện đầu tư bị kéo dài, do có nhiều thay đổi nên phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư tại Quyết định số 649/QĐ-EVN ngày 21.12.2009.

Lãnh đạo EVN thừa nhận nâng vốn là do năng lực nhà thầu yếu kém. Theo ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng Giám đốc EVN, dự án được thực hiện theo cơ chế 797-400 của Chính phủ nhưng theo mô hình không có tổng thầu mà ban quản lý dự án ký hợp đồng với từng nhà thầu thi công, trong đó có một số nhà thầu yếu về năng lực (trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư đã phải bổ sung, thay nhà thầu thi công đào hầm).

Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 còn nhiều hạn chế, chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý từ khâu tổ chức khảo sát, chuẩn bị dự án đến điều chỉnh thi công xây dựng. Trong khi đó, Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 cho rằng, tăng vốn là do các biến động về chính sách tiền lương, giá cả thị trường, thay đổi tỷ giá, thay đổi điều kiện địa chất - thủy văn và thay đổi do chuẩn xác khối lượng.

Sau khi điều chỉnh dù có tăng cao nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí tài chính của dự án ứng với giá bán điện bình quân trên thị trường điện hiện nay là 0,05USD/kWh (tương đương 1.060VND/kWh), đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế chung của xã hội. Câu hỏi đặt ra ở đây: tăng vốn có được tính vào giá điện hay không và nghĩa vụ của cơ quan bảo hiểm ở đâu khi mà EVN điều chỉnh tăng vốn do các lỗi địa hình và thiên nhiên?

Đầu tư lớn, hiệu quả thấp

Sau khi Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 có văn bản gửi UBND tỉnh về việc điều chỉnh lùi thời gian hoàn thành dự án như dự kiến, thì ngày 30.12.2015, UBND tỉnh đã đồng ý cho phép điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng thủy điện Sông Bung 2. Theo đó, UBND tỉnh cho phép nhà máy bắt đầu tích nước từ ngày 28.2.2016, phát điện tổ máy 1 vào ngày 24.7.2016, phát điện tổ máy 2 vào ngày 8.8.2016 và hoàn thành công trình đưa vào sản xuất vào ngày 2.9.2016. Thế nhưng, đến nay nhà máy vẫn chưa tích nước.

Những biến động về nguồn vốn trong đầu tư thủy điện vừa và nhỏ phụ thuộc vào yếu tố khách quan, chẳng hạn như thay đổi về địa hình địa chất, thời tiết diễn biến bất lợi, tiến độ đầu tư...

Nhiều chuyên gia về lĩnh vực thủy lợi, thủy điện cho rằng, đối với thủy điện Sông Bung 2 đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng cho 100MW thì suất đầu tư như vậy là cao.

Suất đầu tư cao thì hiệu quả kém (theo tỷ lệ nghịch) vì thủy điện phụ thuộc vào lượng nước chảy vào hồ. Thông thường, các dự án thủy điện cho phép đội vốn 10%, còn trong những trường hợp vượt cao thì phải có đoàn kiểm tra để làm rõ và xác nhận nguyên nhân.

GS-TS. Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hội cơ học cơ khí Việt Nam cho rằng, dự án thủy điện được hoàn vốn trong khoảng thời gian 10 năm, có thể tăng thêm 1 - 2 năm chứ không được lâu quá. Thủy điện Sông Bung 2 là một trong những nhà máy thủy điện có suất đầu tư lớn nên hiệu quả đầu tư sẽ thấp. Rõ ràng, khi khảo sát, thiết kế có vấn đề không chính xác trong tính toán cũng như trong quá trình thi công.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên hệ thống Sông Bung khu vực thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn, có một số nhà máy thủy điện xây cùng thời điểm, na ná địa hình, địa chất như Sông Bùng 2 nhưng chi phí đầu tư thấp hơn nhiều. Đơn cử,  dự án thủy điện Sông Bung 4 (Nam Giang) đưa vào phát điện gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp máy đến 156MW nhưng tổng mức đầu tư hơn 4.932 tỷ đồng.

Ngoài ra, dự án thủy điện Sông Tranh 2 công suất thiết kế 190MW, nhưng tổng vốn đầu tư chỉ 4.150,4 tỷ đồng. Điều đáng nói, EVN đã giải thích thiếu thống nhất về điều chỉnh tăng mức đầu tư nhà máy thủy điện Sông Bung 2 gây nhiều thắc mắc trong dư luận và các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng thủy điện. EVN là tập đoàn kinh tế nhà nước, nên người dân có quyền kiến nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc thanh tra, kiểm tra làm rõ về sự chậm trễ dự án cũng như nâng vốn đầu tư quá lớn.

TRẦN HỮU/BQN

Có thể bạn quan tâm