Kết thúc phiên 15/11, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 163,51 điểm (+0,47%) lên 34.991,21 điểm, S&P 500 thêm 7,18 điểm (+0,16%) thành 4.502,88 điểm và Nasdaq Composite nhích nhẹ 9,46 điểm (+0,07%) ở mức 14.103,84 điểm.
Trong số 11 ngành chính của S&P 500, năng lượng là ngành giảm mạnh nhất , giảm 0,3%, theo sau là tiện ích. Lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ truyền thông có mức tăng tốt nhất, với sự thúc đẩy từ Target và Walt Disney.
Chỉ số Russell 2000 một lần nữa tăng tốc sau khi đóng cửa ở mức cao hơn 5,4% vào 14/11 nhờ triển vọng ngừng tăng lãi suất đã phần nào trấn an các công ty nhỏ - những doanh nghiệp vốn phụ thuộc nhiều hơn vào các khoản vay lãi suất thả nổi.
Trong số các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu Target tăng mạnh 17,8%, đánh dấu mức tăng phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 8/2019 sau khi nhà bán lẻ dự báo lợi nhuận quý 4 cao hơn nhiều so với kỳ vọng.
Tín hiệu tích cực từ Target cũng đã thúc đẩy cổ phiếu của các nhà bán lẻ khác bao gồm Macy's tăng 7,5% và Kohl's đóng cửa tăng gần 9%. Ngược lại, cổ phiếu của nhà bán lẻ TJX giảm 3,3% do dự báo lợi nhuận quý hiện tại thấp hơn ước tính của Phố Wall, báo hiệu chi phí tăng vọt đang đè nặng lên tỷ suất lợi nhuận.
Ở mảng truyền thông giải trí, Walt Disney ghi nhận mức tăng 3% sau khi có thông tin cho rằng nhà đầu tư ValueAct Capital đã mua lại cổ phần công ty.
Tương tự, cổ phiếu của Sirius XM tăng 6% khi Berkshire Hathaway của Warren Buffett tuyên bố mua cổ phần của công ty giải trí âm thanh này.
Cổ phiếu công nghệ có xu hướng “nghỉ ngơi” sau đợt tăng giá mạnh mẽ của một ngày trước đó. Meta Platforms Inc giảm nhẹ trong khi Microsoft kết thúc đi ngang mặc dù đã công bố dòng chip AI của riêng của mình, Maia 100, trong ngày.
Nvidia, vốn đóng cửa ở mức cao ấn tượng trong phiên 14/11, đã giảm 2% và chấm dứt chuỗi 10 ngày tăng điểm liên tiếp.
Khối lượng trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,67 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 11,15 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần đây.
Chứng khoán Mỹ đã có một phiên giao dịch rực rỡ vào 14/11 sau khi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn dự kiến đã thúc đẩy sự lạc quan rằng Fed có thể sẽ không tăng lãi suất hơn nữa.
Dữ liệu bổ sung hôm 15/11 cho thấy giá sản xuất giảm mạnh nhất trong 3 năm rưỡi vào tháng 10 do giá xăng rẻ hơn, cung cấp thêm bằng chứng về việc áp lực giá cá đã giảm bớt trên các thị trường.
Cũng trong ngày, dữ liệu doanh số bán lẻ chỉ ra mức giảm nhỏ hơn dự kiến là 0,1% trong tháng 10, so với dự báo giảm 0,3% từ các nhà kinh tế được Reuters thăm dò.
Ronald Temple, chiến lược gia trưởng thị trường tại Lazard đánh giá: “Hai điểm dữ liệu đó đã tái khẳng định tín hiệu từ 13/11 rằng Fed dường như đang điều hướng quá trình hạ cánh mềm khá tốt”.
Theo công cụ Fedwatch của CME Group, các nhà giao dịch đã đặt cược khả năng Fed sẽ giữ lãi suất ổn định trong tháng 12 và bắt đầu cắt giảm vào tháng 5/2024.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi kết quả của cuộc gặp đầu tiên sau một năm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, với hy vọng các cuộc đàm phán có thể giảm bớt xích mích giữa hai cường quốc về xung đột quân sự, thương mại và trí tuệ nhân tạo.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 1,5% vào phiên 14/11 do tồn kho dầu thô của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong khi còn nhiều lo ngại về nhu cầu ở châu Á.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,29 USD, tương đương 1,6%, ở mức 81,18 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,60 USD, tương đương 2%, ở mức 76,66 USD/thùng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 3,6 triệu thùng trong tuần trước lên 421,9 triệu thùng, vượt xa dự đoán của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters về mức tăng 1,8 triệu thùng.
John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC chia sẻ: “Hoạt động nguồn cung của Mỹ đang cản trở thị trường và Mỹ là một vấn đề đối với OPEC+”. Ông Kilduff không cho rằng Arab Saudi có thể tiếp tục cắt giảm thêm sản lượng để thúc đẩy giá.