Bàn về vấn đề Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định việc lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và công tác truyền thông về dự án Luật là rất quan trọng.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý chỉ luật hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ. Nguyên tắc xuyên suốt để hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai là không gây ách tắc trong thực hiện và không tạo lỗ hổng gây ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực khi triển khai; khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập trước đây đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013.
"Luật cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất như các trường hợp Nhà nước thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng", ông Hải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Hải cũng đề nghị đại diện cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ dự án luật. Các bộ, ngành hữu quan, các đại biểu tiếp tục đồng hành với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để đóng góp ý kiến quý báu cho việc hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Cũng tại hội nghị trên, đối với vấn đề tập trung đất đai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo luật quy định theo hướng tăng hạn mức tập trung đất đai theo nhiều hình thức khác nhau nhưng hạn chế chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất nhằm theo kịp, phù hợp với mức độ chuyển đổi lực lượng sản xuất.
Bên cạnh đó, các điều, khoản liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp được thiết kế trong dự thảo luật đã tính toán các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới…
Theo đó, đất nông nghiệp có thể sử dụng đa mục đích, kết hợp với các loại hình kinh tế, dịch vụ có giá trị lớn hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.
"Đơn cử, đất trồng lúa không chỉ để trồng lúa mà có thể được chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn nhưng vẫn giữ được tính chất lý, hoá, để có thể chuyển sang trồng lúa khi có yêu cầu. Hoặc khi thực hiện bảo vệ, bảo tồn rừng tự nhiên có thể kết hợp với khai thác dưới tán rừng; phát triển nông nghiệp, thuỷ sản gắn với du lịch sinh thái…", Phó Thủ tướng phân tích.
Vì vậy, để bảo đảm quyền tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, miền núi, dự thảo luật đã đưa ra nhiều hình thức giao đất sản xuất, đất nông lâm nghiệp, dịch vụ, thương mại, đi kèm với đó là chế độ chính sách đền bù linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi của lượng lao động, sản xuất; cơ chế cấp lại đất sản xuất, đất ở cho bà con đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
Dự thảo luật cũng đã thể chế hoá, xác định rõ trách nhiệm, vai trò quản lý, phân bổ nguồn lực đất đai từ cấp Trung ương đến địa phương, cơ sở; tăng cường vai trò đại diện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tham gia vào quá trình xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, kế hoạch sử dụng đất đai, thu hồi, đền bù, tái định cư…