Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông Rahman nói rằng trong giai đoạn đàm phán về việc Anh rời EU (Brexit) sắp tới, "có chút bi quan về giai đoạn đàm phán tiếp theo. Đức sẽ trở nên rất cứng rắn.
Điều này xuất phát từ việc họ lo ngại rằng bất kỳ thỏa thuận nào với Anh cũng sẽ tác động đến các thành viên khác của EU theo hướng những nước này nghĩ rằng họ sẽ nhận được những thỏa thuận tương tự với Anh."
Theo ông Rahman, Đức sẽ tìm cách để ngăn cản việc Anh trở thành một ví dụ tốt cho việc rời khỏi EU trong trung và dài hạn.
Giai đoạn hai của quá trình đàm phán Brexit sẽ sớm bắt đầu, với việc Thủ tướng Anh Therasa May thảo luận với Brussels về các thỏa thuận thương mại trong tương lai. Giai đoạn một đã kết thúc vào đầu tháng 12 vừa qua, với việc EU ở thế thượng phong đã giành được những lợi thế đáng kể.
Một thỏa thuận cuối cùng giữa EU và Anh có thể đạt được vào cuối năm 2018. Sau đó, Quốc hội Anh có thời gian đến tháng 3/2019 để bỏ phiếu về việc có chấp nhận thỏa thuận này hay không.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker tỏ ra hoài nghi về khả năng hai bên sẽ hoàn tất thỏa thuận thương mại vào tháng 3/2019.