Dược phẩm Imexpharm báo lãi kỷ lục nhưng vẫn không hoàn thành kế hoạch năm

Công ty Dược phẩm Imexpharm (IMP) ghi nhận lợi nhuận kỷ lục năm 2024 nhưng chưa đạt đủ mục tiêu đề ra....

Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (mã chứng khoán: IMP) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2024.

Trong quý cuối cùng của năm 2024, Imexpharm đạt doanh thu 652 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, giá vốn hàng bán giảm 4%, giúp lợi nhuận gộp tăng 29%, đạt 266 tỷ đồng. Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 34% lên gần 41%. Lợi nhuận sau thuế của công ty trong quý này đạt 121 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ, trở thành quý có lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.

Theo đại diện công ty, sự tăng trưởng này đến từ việc mở rộng danh mục sản phẩm và quản lý hiệu quả chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp.

Tổng kết cả năm 2024, Imexpharm ghi nhận doanh thu hơn 2.200 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 321 tỷ đồng, tăng 7%, tiếp tục phá kỷ lục của chính mình. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp công ty đạt được thành tích này, sau các năm 2022 và 2023.

Tuy nhiên, so với kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, Imexpharm chỉ hoàn thành 93% chỉ tiêu doanh thu và gần 96% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.

Đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Imexpharm đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm hơn 1.400 tỷ đồng, tăng 17%. Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng cũng tăng mạnh, đạt gần 304 tỷ đồng, cao hơn 53% so với đầu năm. Tồn kho tăng nhẹ lên 705 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ ngắn hạn của công ty tăng 4%, đạt gần 322 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngân hàng chiếm khoảng 86 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với đầu năm. Tuy nhiên, các hệ số thanh toán nhanh và hiện hành đều lớn hơn 1, cho thấy khả năng thanh toán nợ của công ty vẫn ổn định.

Được biết, Imexpharm đã hoàn tất việc phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 1:1, nâng vốn điều lệ lên 1.540 tỷ đồng. Điều này giúp công ty trở thành doanh nghiệp dược phẩm niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam, tạo tiền đề cho kế hoạch mở rộng quy mô trong 3 đến 5 năm tới.

Bước sang năm 2025, Imexpharm đặt mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP và triển khai dự án xây dựng Tổ hợp Nhà máy Dược phẩm Cát Khánh. Công ty cũng tập trung vào việc mở rộng thị trường cả trong nước và quốc tế, nhằm củng cố vị thế trong ngành dược phẩm.

Biến động của cổ phiếu IMP trong 6 tháng qua

Trên thị trường, theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS, cổ phiếu IMP phù hợp với chiến lược đầu tư dài hạn hơn là giao dịch ngắn hạn, với mức sinh lời kỳ vọng từ 8-14%/năm. Tỷ trọng NAV khuyến nghị dao động từ 8-15% tổng NAV.

Chiều ngày 5/2, cổ phiếu IMP được giao dịch ở mức 45.100 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với phiên trước. Tuy nhiên, so với mức đỉnh 66.800 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 3/2024, mã này đã mất tới 32,48% giá trị.

Có thể bạn quan tâm