Mục tiêu nâng hạng là tham vọng mà ngành chứng khoán Việt Nam kiên trì theo đuổi, được kỳ vọng sẽ trở thành bệ phóng mạnh mẽ, đưa thị trường bước vào một kỷ nguyên bứt phá.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đang dốc toàn lực để hiện thực hóa cột mốc nâng hạng vào năm 2025, đồng thời thực thi Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Càng tiến gần mốc 2025, câu chuyện nâng hạng càng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ, đặc biệt khi những thay đổi lớn trong chính sách được triển khai liên tục, mở đường cho những kỳ vọng lớn lao phía trước.
CƠ CHẾ CCP – CHÌA KHÓA ĐỂ NÂNG HẠNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Để tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng thị trường, việc cải thiện cơ sở hạ tầng và sửa đổi các quy định pháp lý là yếu tố then chốt, nhằm xây dựng một môi trường giao dịch thuận lợi, minh bạch và hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư quốc tế.
Sau nhiều nỗ lực phối hợp giữa cơ quan quản lý và các thành viên thị trường, Thông tư 68/2024/TT-BTC vừa được ban hành vào tháng 9 và chính thức có hiệu lực từ ngày 2/11/2024, đã giải quyết một trong những rào cản lớn đối với việc nâng hạng.
Cụ thể, quy định về “pre-funding” - yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ 100% tiền mặt trong tài khoản khi đặt lệnh mua chứng khoán đã được loại bỏ.
Thay vào đó, “Công ty chứng khoán được nhận lệnh giao dịch mua chứng khoán của khách hàng là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi tài khoản của khách hàng không đủ 100% giá trị lệnh đặt. Công ty chứng khoán thực hiện đánh giá năng lực của khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng ký kết giữa công ty chứng khoán và khách hàng”.
Ngoài ra, quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài cũng được cải thiện với lộ trình bắt buộc các công ty đại chúng phải công bố thông tin bằng tiếng Anh. Đây không chỉ là một bước tiến lớn trong việc tháo gỡ các nút thắt mà còn mở ra cơ hội để tổ chức FTSE Russell sớm đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào nhóm các thị trường mới nổi.
Trong cuộc trao đổi với Thương Gia, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính trong việc tháo gỡ các rào cản nâng hạng thị trường.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng những bước tiến như Thông tư 68 chỉ là giải pháp ngắn hạn, giải quyết một phần nhỏ trong hành trình dài hướng đến mục tiêu cao hơn - gia nhập nhóm thị trường mới nổi tiên tiến (Advanced Emerging Market) của FTSE Russell hay nhóm thị trường mới nổi của MSCI.
“Trong kỳ đánh giá vừa qua, FTSE Russell đã ghi nhận Thông tư 68 như một bước cải cách tích cực, nhưng Việt Nam vẫn chỉ được giữ trong danh sách theo dõi. Một phần lý do là thời điểm đó Thông tư này chưa được triển khai thực tế, và hơn nữa, đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Các tổ chức xếp hạng như FTSE Russell cần thời gian để đánh giá xem cơ chế non-prefunding có thực sự đi vào bản chất hay không” ông Minh chia sẻ.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, cơ chế CCP (mô hình đối tác bù trừ trung tâm) mới là yếu tố căn cơ để giải quyết vấn đề nâng hạng. Cơ chế này không chỉ giúp quá trình thanh toán và bù trừ giao dịch chứng khoán trở nên an toàn, hiệu quả, mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế - một trong những tiêu chí quan trọng mà FTSE Russell và MSCI đặt ra để xét nâng hạng.
Hơn nữa, việc áp dụng CCP sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp các công ty chứng khoán kiểm soát rủi ro tốt hơn, đồng thời tạo dựng một môi trường giao dịch minh bạch, ổn định và hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh và vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBankS đánh giá, Thông tư 68/2024 là “đúng nhưng chưa đủ”, vì quy định cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài giao dịch không cần ký quỹ, chỉ áp dụng tại một số công ty chứng khoán thuộc nhóm dẫn đầu. Điều này sẽ không phù hợp, khi thị trường tài chính phát triển đến mức cao, tức các giao dịch diễn ra liên tục mỗi ngày với tần suất lớn.
“Trước đây, không cần CCP nhiều vì không có những sản phẩm tài chính mang tính chất mới, có khối lượng giao dịch khổng lồ, như phái sinh. Thế nhưng, khi thị trường chứng khoán được nâng hạng thì tần suất giao dịch càng lớn, việc không có CCP ở giữa khiến việc thanh toán bù trừ gặp khó khăn”, ông Sơn giải thích.
Cũng theo ông Sơn, cơ chế CCP giữ vai trò đơn vị trung gian - là người mua của tất cả người bán và người bán của tất cả người mua, thay vì để người bán và mua gặp nhau trực tiếp trên sàn giao dịch. Với cơ chế này, thành viên bù trừ là công ty chứng khoán, ngân hàng có trách nhiệm xác nhận mức lưu ký của người mua và người bán trước khi giao dịch. Đồng thời, bảo lãnh cho các giao dịch không cần ký quỹ 100% của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
“CCP rút ngắn yếu tố cản trở nâng hạng là cho nhà đầu tư nước ngoài đủ cơ sở pháp lý để giao dịch giao dịch T+2 không cần ký quỹ trước”, ông Sơn nhấn mạnh.
LÀM GÌ ĐỂ GIỮ VỮNG VỊ THẾ SAU KHI ĐƯỢC NÂNG HẠNG?
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam mang ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với sự phát triển kinh tế quốc gia mà còn với các doanh nghiệp niêm yết. Đây là cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài, bao gồm cả các quỹ đầu tư chủ động và quỹ chỉ số, tạo động lực mới cho sự phát triển.
Lượng vốn ngoại gia tăng sẽ mang đến nguồn lực tài chính quan trọng, giúp các doanh nghiệp niêm yết đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận thị trường quốc tế.
Đồng thời, điều này còn góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội lớn cho sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.
Theo dự báo của VPBankS Research, nếu Việt Nam được nâng hạng, tỷ trọng của thị trường trong rổ chỉ số FTSE Emerging Markets (FTSE EM) có thể đạt khoảng 0,56%. Căn cứ vào quy mô các quỹ ETF tham chiếu chỉ số FTSE EM và FTSE All-World đến ngày 31/10/2024, dòng vốn thụ động ước tính chảy vào Việt Nam khoảng 1,7 tỷ USD, chưa bao gồm dòng vốn từ các quỹ chủ động.
Thống kê từ Bloomberg cho thấy, các thị trường được nâng hạng thường ghi nhận dòng vốn ngoại tăng gấp 5-7 lần so với giai đoạn trước. Trung Quốc là minh chứng tiêu biểu khi năm 2018, nhóm cổ phiếu A-shares gia nhập chỉ số MSCI Emerging Markets Index. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dòng vốn nước ngoài vào ròng vẫn đạt tới 132 tỷ USD trong năm tiếp theo.
Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ giúp tăng tính cạnh tranh mà còn mang lại chiều sâu cần thiết cho thị trường. Hiện nay, với hơn 90% giao dịch đến từ các nhà đầu tư cá nhân, việc thu hút dòng vốn ngoại ổn định là yếu tố sống còn để khắc phục sự mất cân đối này. Đặc biệt, trong bối cảnh các quỹ hưu trí và quỹ hiến tặng lớn từ phương Tây đang rút vốn khỏi Trung Quốc do căng thẳng địa chính trị Mỹ – Trung, đây là thời điểm vàng để Việt Nam chứng minh tiềm năng và thu hút các nhà đầu tư tổ chức quy mô lớn.
Tuy nhiên, việc Việt Nam vẫn ở nhóm thị trường cận biên, trong khi Ấn Độ và Indonesia đã được xếp vào nhóm mới nổi, là một trở ngại đáng kể. Điều này hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn quốc tế khổng lồ này.
Dù còn nhiều thách thức, song triển vọng dài hạn của thị trường Việt Nam vẫn rất tích cực, mở ra cơ hội đáng kể cho các nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi: “Liệu việc nâng hạng có phải là mục tiêu cuối cùng, hay duy trì được thứ hạng đó mới thực sự là thước đo thành công?”.
Kinh nghiệm từ Pakistan, Argentina và các thị trường từng được nâng hạng thành thị trường mới nổi, sau đó lại bị hạ xuống nhóm cận biên, đã đặt ra những bài học quý giá cho Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm này bao gồm quy mô vốn hóa thấp, khối lượng giao dịch không ổn định và thiếu hàng hóa chất lượng.
Dù sở hữu hơn 1.600 mã cổ phiếu, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đối mặt với tình trạng quy mô vốn hóa thấp. Điều này khiến nguy cơ bị loại khỏi nhóm thị trường mới nổi nếu được nâng hạng là rất lớn. Do đó, ông Minh nhấn mạnh, việc cấp bách hiện nay là cần bổ sung hàng hóa chất lượng, thúc đẩy các thương vụ IPO và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
“Sự trì trệ trong các thương vụ IPO và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã khiến nguồn cung cổ phiếu chất lượng bị hạn chế. Tuy nhiên, với Luật Quản lý sử dụng tài sản công dự kiến có hiệu lực vào năm 2025, kỳ vọng sẽ có làn sóng niêm yết mới, tạo thêm nguồn hàng cho thị trường. Việc này không chỉ bù đắp sự thiếu hụt vốn hóa mà còn nâng cao khả năng trụ vững sau khi được nâng hạng”, ông Minh phân tích.
Bên cạnh đó, giới phân tích cũng khuyến nghị, để duy trì và phát huy vị thế của thị trường chứng khoán sau khi nâng hạng cần duy trì sự ổn định vĩ mô, nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết, nâng cao chất lượng quản trị, công khai minh bạch thông tin và cải thiện hiệu quả hoạt động để củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần tiếp tục cải cách, hoàn thiện các quy định và cơ chế giám sát để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và phát triển thị trường bền vững.