Evergrande đã tìm kiếm sự bảo vệ theo Chương 15 của bộ luật phá sản Mỹ, để cho phép tòa án phá sản Mỹ can thiệp việc mất khả năng thanh toán liên quan đến một quốc gia khác.
Một chi nhánh của tập đoàn, Tianji Holdings, cũng đã tìm kiếm sự bảo vệ theo Chương 15 vào cùng ngày (16/8) tại tòa án phá sản Manhattan.
Hồ sơ xin bảo hộ phá sản của Evergrande được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể lan sang các bộ phận khác của nền kinh tế nước này, nhất là khi tình trạng kinh tế chung của Trung Quốc đang gặp khó khăn.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc từ lâu đã được coi là một động lực tăng trưởng quan trọng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chiếm tới 30% GDP của đất nước. Nhưng vụ vỡ nợ năm 2021 của Evergrande đã gây ra làn sóng chấn động khắp thị trường bất động sản địa phương, gây thiệt hại cho các chủ sở hữu nhà và hệ thống tài chính rộng lớn hơn ở nước này.
Trên thực tế, vụ vỡ nợ lên tới hàng trăm tỷ USD của Evergrande xảy ra sau khi Bắc Kinh bắt đầu siết chặt hoạt động đi vay quá mức của các nhà phát triển bất động sản nhằm kiềm chế giá nhà đất tăng vọt.
Kể từ khi Evergrande sụp đổ, một số nhà phát triển lớn khác ở Trung Quốc, bao gồm Kasia, Fantasia và Shimao Group cũng đã vỡ nợ như một hiệu ứng domino. Gần đây nhất, một “gã khổng lồ” bất động sản khác của Trung Quốc, Country Garden, đã cảnh báo rằng họ sẽ xem xét áp dụng nhiều biện pháp quản lý nợ khác nhau, một động thái làm dấy lên suy đoán rằng công ty có thể đang chuẩn bị cơ cấu lại khoản nợ khi gặp khó khăn trong việc huy động tiền mặt.
Evergrande là một công ty lớn với hơn 1.300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc. Tập đoàn cũng sở hữu một số hoạt động kinh doanh phi bất động sản, bao gồm xe điện, chăm sóc sức khỏe và công viên giải trí.
Evergrande đã phải vật lộn để trả hết các khoản vay của mình sau khi chính thức vỡ nợ vào cuối năm 2021. Nợ của công ty bất động sản này đã lên tới 2,437 nghìn tỷ nhân dân tệ (340 tỷ USD) vào cuối năm ngoái. Đó là khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc.
Đầu năm nay, Evergrande đã tiết lộ kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ, đây cũng là kế hoạch lớn nhất được ghi nhận ở Trung Quốc. Nhà phát triển cho biết họ đã đạt được các thỏa thuận ràng buộc với các trái chủ quốc tế về các điều khoản chính của kế hoạch. “Việc tái cấu trúc được đề xuất sẽ giảm bớt áp lực nợ nần ở nước ngoài của tập đoàn và tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực hoạt động và giải quyết một số vấn đề cấp thiết hiện nay”, thông báo của Evergrande cho biết.
Vào đầu tuần này, đơn vị xe điện China Evergrande New Energy Vehicle Group (NEV) đã công bố đề xuất tái cấu trúc của riêng mình. Kế hoạch đó đòi hỏi một khoản hoán đổi nợ lấy vốn chủ sở hữu trị giá 2,7 tỷ USD và một khoản bán cổ phần trị giá gần 500 triệu USD sẽ mang lại cho nhà sản xuất ô tô NWTN có trụ sở tại Dubai 27,5% cổ phần.
Khoản lỗ kết hợp năm 2021 và 2022 của Evergrande NEV là gần 10 tỷ USD.
Giao dịch tại Trung Quốc của cổ phiếu Evergrande đã bị đình chỉ vào tháng 3/2022.