Theo kế hoạch, EVNGENCO2 sẽ bán ra 580.120.840 cổ phần, tương đương với 48,8875% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động là 1.334.900 cổ phần, tương ứng với 0,1125% vốn điều lệ.
Tính đến cuối năm 2020, EVNGENCO2 đang sở hữu các nhà máy điện có tổng công suất lắp đặt là 4.421 MW (trong đó, tổng công suất các công ty trực thuộc là 1.341,16 MW, tương đương 30,33% tổng công suất đặt của các nhà máy điện trong EVNGENCO2) chiếm khoảng 6,4% tổng công suất toàn hệ thống.
Cơ cấu các nguồn điện tại EVNGENCO2 hiện là nhiệt điện than (tỷ trọng 50,7%), thủy điện (tỷ trọng 30,1%), nhiệt điện dầu (tỷ trọng 19,2%) có khả năng tham gia thị trường điện rất linh hoạt.
Đa số các nhà máy điện chủ lực của EVNGENCO2 có vị trí tại khu vực tăng trưởng kinh tế chủ lực tại 3 miền của đất nước, có ưu thế để tham gia thị trường phát điện một cách hiệu quả.
Các công ty cổ phần phát điện của EVNGENCO2 kinh doanh hiệu quả, nộp cổ tức về công ty mẹ khoảng 1.000 tỷ đồng hàng năm.
Mặc dù trong phương án được phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ tại EVNGENCO2, tuy nhiên theo phân loại doanh nghiệp nhà nước, EVNGENCO2 không thuộc diện EVN nắm giữ cổ phần chi phối. Nghĩa là các nhà đầu tư sẽ có cơ hội để chi phối EVNGENCO2 sau cổ phần hóa, tham gia trực tiếp vào việc ra quyết định đầu tưcác dự án nguồn điện mới của EVNGENCO2.