MVIS sẽ thêm cổ phiếu ROS với tỷ trọng là 6,5%, tương ứng giá trị hơn 19 triệu USD. Đồng thời, loại 2 mã PVS và PVD của Việt Nam theo công bố từ ngày 9/6/2017 với tỷ trọng lần lượt là 1,4% và 0,99%.
Với đợt cơ cấu này, danh mục cổ phiếu của MVIS giảm xuống còn 25 cổ phiếu. Trong đó, số lượng cổ phiếu Việt Nam giảm xuống 18 với 3 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất VNM tỷ trọng 8,75% và VIC với 8%, tiếp theo là NVL với tỷ trọng 7% và ROS với 6,5%. Danh mục của MVIS duy trì 7 cổ phiếu của các nước khác.
Tổng tỷ trọng của các cổ phiếu Việt Nam tăng lên 74,01%, so với mức 73,32% tại kỳ đảo danh mục gần nhất. Tuần tới, VNM ETF dự kiến mua thêm 1,16% danh mục để đảm bảo tỷ trọng vừa được công bố.
Trước đó, các tổ chức tài chính chứng khoán đưa dự báo các mã dự kiến được VNM ETF mua vào nhiều nhất gồm ROS (mua mới 19,2 triệu USD, tương ứng khối lượng hơn 4,14 triệu cổ phiếu), VIC (mua thêm 3,22 triệu USD) và NVL (1,12 triệu USD).
Tâm điểm chú ý là cổ phiếu vốn hoá lớn ROS đã giảm sàn nhiều phiên liên tục và phục hồi nhẹ trước khi giảm sàn sâu về mức 105.300 đồng/CP đóng cửa phiên 9/6 vừa qua. Tức thị giá ROS đã “bốc hơi” tới 34,37% so với giá duy trì trước đó từ mức 160.000 đồng/CP xuống, mất tới 55.000 đồng mỗi cổ phiếu. Tính theo mức giá sàn 105.300 đồng/CP thì khối lượng ước tính được thêm mới của MVIS dự kiến là hơn 4 triệu đơn vị.
Dù giảm sàn sâu, ROS vẫn duy trì khối lượng giao dịch đạt hơn 4 triệu đơn vị mỗi phiên trước áp lực bán ra ồ ạt của nhà đầu tư. Chỉ riêng phiên ngày 8/6 vừa qua, khi ROS giảm sàn sâu về 113.000 đồng/CP thì khối lượng giao dịch thấp kỷ lục hơn 87.000 đơn vị khớp lệnh. Đây cũng là phiên VN-Index rung lắc rất mạnh, giảm dưới mức 750 điểm sau nhiều tháng xác lập mốc kỷ lục 10 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Khả năng sẽ được MVIS thêm mới trong kỳ cơ cấu này là mã VNM hiện chiếm tỷ trọng 8,75% trong rổ tính của VNM ETF, song VNM có khả năng sẽ không được mua mới mà giảm nhẹ tỷ trọng. Đây hiện là một trong những mã có vốn hoá lớn nhất trong rổ VN30 cổ phiếu niêm yết, với khối lượng hơn 329.000 đồng/CP và hồi phục đi lên mức giá 153.700 đồng/CP (chốt phiên 8/6/2017).
Trong khi đó, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup sau thời gian dài “bất động” thì khả năng được gia tăng tỷ trọng trong rổ tính của MVIS khiến nhà đầu tư hứng khởi hơn. Hiện, VIC chiếm tỷ trọng 6,91%, và mục tiêu sẽ tăng lên 8%. Do đó, MVIS có thể chi thêm 3,2 triệu USD để gom thêm cổ phiếu này trong thời gian tới.
Tập đoàn Vingroup hiện là nhà phát triển bất động sản cao cấp hàng đầu tại Việt Nam cùng với nhiều lĩnh vực kinh doanh đa ngành gồm y tế, giáo dục, bán lẻ, đầu tư… Sau khi giảm sâu xuống mức thấp nhất ghi nhận là 39.650 đồng/CP, VIC đã có sự hồi phục nhẹ, lên mức 41.900 đồng/CP đóng cửa phiên thứ 6 (ngày 8/6/2017), khối lượng giao dịch đạt hơn 538.000 đơn vị.
Ngược lại, các mã dự kiến bị bán nhiều nhất là PVS (bán hết 4,14 triệu USD), HPG (bán 3,16 triệu USD), và PVD (bán hết 2,92 triệu USD).
Việc thay đổi các cổ phiếu thành phần của MVIS Vietnam Index – chỉ số tham chiếu cho VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) – sẽ có hiệu lực sau giờ đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu (16/6) và chính thức được giao dịch từ ngày thứ Hai (19/6).