Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT) vừa có thông báo công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, công ty FPT ghi nhận doanh thu đạt 19.943 tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.610 tỷ đồng, tăng 19,2%. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.064 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ tăng hơn 20% lên 2.518 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 2.293 đồng.
Năm 2023, công ty FPT lên kế hoạch tổng doanh thu đạt 52.289 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.055 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 18,2% so với kết quả năm 2022. Với kết quả trên, công ty đã thực hiện được lần lượt 38% và 40% hai chỉ tiêu sau 5 tháng.
Về cơ cấu doanh thu, mảng dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng đạt mức doanh thu 9.245 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 32%, dẫn đầu bởi sức tăng đến từ thị trường Nhật Bản (tăng 41%) và APAC (tăng 50%).
Theo lý giải của công ty FPT, thị trường Nhật Bản chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu theo đồng Yên đạt 51%, thúc đẩy bởi nhu cầu chi tiêu cho công nghệ thông tin lớn tại thị trường này, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt mức 13.729 tỷ đồng tương đương mức tăng trưởng 35%.
Trong khi đó, mảng dịch vụ công nghệ thông tin nội địa ghi nhận doanh thu 2.386 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 7%. Công ty FPT tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với khối chính phủ, bộ ban ngành và các doanh nghiệp nước ngoài để duy trì mức tăng trưởng.
Đối với mảng dịch vụ viễn thông, công ty FPT ghi nhận doanh thu tăng trưởng gần 10%, đạt 6.379 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng gần 6% lên 1.247 tỷ đồng.
Cuối cùng, mảng giáo dục, đầu tư và khác tiếp tục mức tăng trưởng doanh thu cao 66%, đạt 1.933 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2023. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận 792 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/5, cổ phiếu FPT ghi nhận ở mức 85.500 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của công ty FPT trên thị trường vào khoảng gần 95.000 tỷ đồng.
Mới đây, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán: FRT) - công ty con của tập đoàn FPT vừa được cấp phép để cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn quốc vào ngày 30/5/2023. Như vậy, bên cạnh các nhà mạng di động lớn là MobiFone, VinaPhone, Viettel cùng các doanh nghiệp cung cấp mạng di động ảo (MVNO), FRT là đơn vị tiếp theo được cấp phép tại Việt Nam để khai thác kinh doanh lĩnh vực viễn thông di động.
Từ năm 2022, trong tài liệu gửi tới cổ đông, FRT đã trình bày kế hoạch “nghiên cứu, triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo”. Theo số liệu của Cục Viễn thông, số lượng thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam là gần 130 triệu, trong đó các doanh nghiệp MVNO là 2,65 triệu, chiếm 2,1% tổng số lượng thuê bao toàn thị trường.
Khác với các nhà mạng truyền thống, nhà mạng MVNO không sở hữu hạ tầng mạng vô tuyến. Thay vào đó, họ sẽ cung cấp dịch vụ viễn thông bằng cách liên kết với một nhà mạng đã sở hữu hạ tầng sẵn có và phân phối cho khách hàng dựa trên những thế mạnh của mình.
Trước FRT, thị trường Việt Nam đã có các nhà mạng ảo là iTel, Reddi, Local và Digilife. Trong bối cảnh các nhà mạng lớn chiếm hơn 90% thị phần và thị trường viễn thông được cho là đã bão hòa, các nhà mạng ảo từng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, thị trường MVNO được đánh giá đang sôi động trở lại, khi sự phát triển của công nghệ và xu hướng tiêu dùng mới đang làm thay đổi mô hình kinh doanh của dịch vụ viễn thông.