Nếu tính cả giá trị vốn hóa của UpCom và Hnx cộng lại khoảng 1 triệu tỉ đồng nữa, thì giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức 4,23 triệu tỉ đồng. So với tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng cung ứng cho nền kinh tế, theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay ước 6,5 triệu tỉ đồng, thì giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán bằng 65%.
Tuy nhiên sự khác nhau cơ bản là dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng là số tiền thật giải ngân vào nền kinh tế, còn giá trị vốn hóa của chứng khoán là con số biến thiên từng giây, nó hầu như chẳng liên quan mật thiết đến lượng vốn mà các doanh nghiệp niêm yết huy động được qua phát hành cổ phiếu trên thị trường. Ngay cả từ giữa năm ngoái đến nay, khi VN-Index tăng trưởng rất mạnh, chỉ thấy doanh nghiệp tăng vốn bằng trả cổ tức bằng cổ phiếu hay chia cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, chứ ít phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu hoặc riêng lẻ và thu tiền về. So sánh thế để thấy rằng chứng khoán vẫn là một kênh yếu thế trong huy động vốn cho nền kinh tế và vẫn tiếp tục lép vế so với hoạt động ngân hàng.
Đáng nói hơn, giá trị vốn hóa thị trường của Hose tập trung vào mười hai doanh nghiệp tốp đầu gồm VIC, VNM, VCB, GAS, SAB, BID, CTG, MSN, VPB, VJC, PLX và VRE với gần 2 triệu tỉ đồng, chiếm 62%. Giao dịch của những cổ phiếu trên phản ánh mức độ biến động của VN-Index. Sự dẫn dắt thị trường của VIC, VNM, VCB và GAS (quy mô vốn hóa của bốn mã này là 1,14 triệu tỉ đồng, bằng 35% tổng vốn hóa thị trường) đang ngày một định hình rõ nét. Hầu hết các tổ chức đầu tư theo chỉ số VN-Index đều phải có chúng trong danh mục. Điều này đã và đang tạo nên một sự siêu phân hóa trên thị trường.
Dù muốn hay không, một tỷ lệ nhất định của dòng tiền vẫn phải đổ vào những mã vừa kể. Thời gian qua, một số cổ phiếu đầu cơ “may mắn” trong việc hút dòng tiền nhưng độ rủi ro của chúng vô cùng cao và hệ lụy để lại cho những nhà đầu tư vào sau đầy đau đớn như SBT, CMG, AMD... Hiện thị giá của những mã này chỉ bằng từ một phần ba đến một nửa mức đỉnh. AMD thậm chí đã rớt từ 24.000 đồng về hơn 4.000 đồng/cổ phiếu hiện tại.
Trước mắt và những tháng tới, có khả năng là cả năm nay, sẽ không có câu chuyện dòng tiền luân chuyển từ nhóm cổ phiếu lớn sang nhỏ và vừa; từ nhóm đã tăng giá sang nhóm chưa tăng giá. Lý do là những cổ phiếu vốn hóa nhỏ không tác động lên VN-Index, trong khi cơ quan quản lý và các nhà đầu tư tổ chức đang muốn VN-Index tiến xa hơn nữa. Chứng khoán phải đi lên để Nhà nước giải quyết vấn đề thoái vốn, cổ phần hóa, IPO doanh nghiệp quốc doanh, mà danh sách những đơn vị này còn dài, số vốn phải thoái còn lớn.
Các quỹ đầu tư lại càng không muốn sự lên xuống giá trị tài sản ròng của họ bị VN-Index vượt mặt. Thị trường đang quan sát và phỏng đoán chừng nào VEIL, quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý và cũng là quỹ ngoại quy mô nhất, sẽ bán ra hai mã chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của họ là VNM và MWG, cả hai tăng trưởng âm trong quí 1-2018. Thời gian qua nếu không có sự mua vào của Jardine Matheson và F&N Dairy Investments Pte. Ltd, có thể VNM còn rớt nhiều hơn.
Chứng khoán đang được hỗ trợ bởi một động lực bất ngờ: đó là việc Thủ tướng Chính phủ tuyên bố sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 20-22% xuống 15-17% tại Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS6 hôm 30-3. Việc áp dụng chưa có lịch trình cụ thể và cũng chưa rõ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào được giảm thuế. Từ chủ trương đến hành động luôn là một khoảng thời gian. Ngoài ra, đôi khi nhà đầu tư cũng cần nhìn lại quá khứ.
Những năm trước, đã không ít lần Nhà nước tuyên bố sẽ nới room ngân hàng, nhưng rốt cuộc room ngân hàng hiện vẫn đang ở 30%. Giảm 5-7% thuế thu nhập doanh nghiệp là mức lớn và có tính đột phá, một mặt nó kích thích nền kinh tế và sự phát triển doanh nghiệp, mặt khác nó tác động đến nguồn thu ngân sách. Cân đối thu chi ngân sách chưa bao giờ dễ dàng nhất là trong điều kiện nợ công đang ngày một phình ra về con số tuyệt đối.
Theo Đầu tư Chứng khoán