Trong một bức thư gửi đến nội bộ nhân viên công ty được CNBC công bố, CEO điều hành của TikTok, Kevin Mayer cho biết: “Trong những tuần gần đây, khi môi trường chính trị đang có vô số thay đổi lớn, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những gì mà cấu trúc công ty sẽ cần cũng như ý nghĩa của nó đối với vai trò của tôi. Trong bối cảnh đó, cùng với mong đợi sớm có thể giải quyết tình hình, tôi rất buồn phải thông báo với các bạn rằng tôi đã quyết định sẽ rời khỏi công ty.”
“Tôi cũng hiểu rằng, vai trò của tôi trong việc điều hành TikTok toàn cầu sẽ rất khác biệt khi mà chính quyền Hoa Kỳ đang có những hành động để thúc đẩy việc bán lại hoạt động của công ty ở Hoa Kỳ,” ông Mayer nói thêm. “
Người phát ngôn của TikTok đã chia sẻ cùng CNBC về việc này, cho biết công ty rất tôn trọng quyết định của ông Mayer và cảm ơn ông vì đã dành thời gian làm việc tại công ty.
Tổng giám đốc tại Hoa Kỳ Vanessa Pappas sẽ tạm thời phụ trách vị trí điều hành toàn cầu.
TikTok hiện đang phải chịu rất nhiều áp lực từ chính quyền Hoa Kỳ vì cáo buộc cho rằng mối quan hệ hiện tại của nó và công ty mẹ tại Trung Quốc khiến TikTok trở thành “mối đe dọa an ninh quốc gia”.
Về phần mình, TikTok đã liên tục phủ nhận những cáo buộc của Mỹ và cho biết dữ liệu người dùng Hoa Kỳ đều được lưu trữ tại chính quốc gia này với bản sao lưu tại Singapore. TikTok cũng khẳng định các trung tâm dữ liệu của họ được đặt bên ngoài Trung Quốc, ngụ ý rằng những thông tin này không phải tuân theo luật pháp Trung Quốc. Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ ra rằng với điều luật hiện hành ở Trung Quốc, chính phủ có thể buộc các công ty địa phương như ByteDance phải giao lại dữ liệu thông tin.
ByteDance - chủ sở hữu của TikTok – đang đàm phán với Microsoft, Oracle và các nhà đầu tư khác trong công ty để ban lại hoạt động của TikTok tại Mỹ, Canada, Úc và New Zealand. Dựa trên điều lệnh ngày 6/8 của TT Mỹ Donald Trump, việc mua bán sẽ phải được thực hiện trước 15/9 nếu không TikTok sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ.
Vào đầu tuần qua, TikTok đã đệ đơn kiện chính phủ Hoa Kỳ, chỉ trích chính phủ Hoa Kỳ cản trở quyền thực hiện đúng thủ tục của công ty. Vụ kiện có thể làm trì hoãn lệnh cấm giúp Tiktok có thêm thời gian để đạt được thỏa thuận tốt hơn trong việc mua bán.
Nguồn: CNBC