Giám sát 60 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai ở Mê Linh, Hà Nội

Trên địa huyện Mê Linh, TP Hà Nội, nhiều dự án lớn hàng trăm héc ta hàng chục năm qua vẫn để hoang hóa, làm lãng phí tài nguyên đất mà chưa có các giải pháp tích cực để tháo gỡ.
Giám sát 60 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai ở Mê Linh, Hà Nội

Vừa qua, ngày 25/3 Thường trực HĐND TP Hà Nội thực hiện giám sát tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh.

Trước đây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và được sáp nhập khi Hà Nội thực hiện mở rộng địa giới hành chính năm 2008. Quỹ đất được quy hoạch dành cho xây dựng các dự án nhà ở, biệt thự, vui chơi giải trí rất lớn với hàng ngàn ha.

Tuy nhiên, trên địa bàn này, nhiều dự án lớn hàng trăm héc ta hàng chục năm qua vẫn để hoang hóa, làm lãng phí tài nguyên đất mà chưa có các giải pháp tích cực để tháo gỡ.

Cụ thể, tại buổi giám sát của HĐND TP Hà Nội, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, qua rà soát hiện trên địa bàn huyện có 60 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai.

Trong đó có 47 dự án đô thị, 13 dự án khác được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích 2.140 ha. 36 dự án được giao đất để thực hiện đầu tư, 21 dự án chưa được giao đất, 3 dự án được giao đất một phần theo từng giai đoạn.

Dù đã được giao đất thực hiện đầu tư nhưng mới có 20 dự án hoàn thành nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất 1.255,9 tỷ đồng; 26 dự án cơ quan thuế chưa có quản lý thu.

Huyện Mê Linh có 60 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai
Huyện Mê Linh có 60 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, 60 dự án chậm triển khai đều đã hết hạn đầu tư và phải thực hiện công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư. Hiện nay, UBND TP Hà Nội đã điều chỉnh chủ trương đầu tư được 7 dự án; 53 dự án chưa được điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư.

Trong số 60 dự án, đến nay, có 21 dự án đã hoàn thành công tác GPMB với diện tích 438,1ha; 28 dự án đang GPMB dở dang với diện tích 607,9ha, còn 179,3ha chưa GPMB; 11 dự án chưa thực hiện công tác GPMB, với diện tích 915ha; UBND huyện đang tích cực cùng với với các chủ đầu tư trong công tác GPMB đối với các dự án.

Theo huyện Mê Linh, khó khăn, vướng mắc của hầu hết các Dự án trên là phải dừng triển khai để thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Ngoài ra, nguyên nhân là do liên quan đến chính sách bồi thường GPMB; hay Dự án nằm trong khu vực nệm xanh, được xác định chức năng là cây xanh, công viên vui chơi, giải trí, hiện đang chờ Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thủ đô làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo của dự án.

Theo bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, lĩnh vực quản lý đất đai tại các dự án đã được HĐND thành phố giám sát, chất vấn nhiều lần nhưng chuyển biến chậm. Đây cũng là vấn đề mà cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều, nhất là tình trạng để đất hoang hóa, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.

Mặc dù còn nhiều tồn tại như bà Phùng Thị Hồng Hà cũng ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng của huyện Mê Linh trong việc rà soát kỹ, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc từng dự án giúp thành phố nắm chính xác để tới đây có những giải pháp tích cực.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đề nghị huyện Mê Linh tích cực phối hợp với các sở, ngành tổng hợp các khó khăn vướng mắc để đề xuất, kiến nghị với thành phố.

Trong thời gian tới, các ban, ngành và huyện Mê Linh cần tiếp tục xác định rõ trách nhiệm giải quyết vướng mắc trong kiểm tra, xử lý vi phạm của các dự án. Bên cạnh đó, huyện cần tăng cường tuyên truyền, công khai, minh bạch các dự án triển khai trên địa bàn để nhân dân biết và giám sát, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dự án đã được phê duyệt.
Giao Sở Tài nguyên - Môi trường và các sở, ngành sớm tổng hợp các kiến nghị của huyện Mê Linh, tham mưu cho thành phố về công tác quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách.

Đối với nhóm dự án đã có quyết định giao đất, đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra chuyên ngành, xử lý kịp thời, nghiêm những chủ đầu tư cố tình chây ỳ các nghĩa vụ với Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm