Có khoảng 325.000 phụ nữ đã kết hôn ở Nhật Bản mang họ Watanabe, một lượng người tương tự mang họ Itos, nhiều hơn đáng kể họ Suzuki và gần như gấp đôi số lượng mang họ Satos.
HUYỀN THOẠI - BÀ WATANABE
Nhưng vì lý do nào đó và trong nhiều thập kỷ, “bà Watanabe” đã là người được chọn làm biểu tượng cho tất cả các hộ gia đình Nhật Bản - một bà mẹ huyền thoại được cho là có quyền ra quyết định quan trọng và kiểm soát điều hành đối với hầu bao của cả gia đình.
Trong nhiều năm kể từ thời kỳ tăng trưởng “thần kỳ” của Nhật Bản vào những năm 1970 và 1980, sức mạnh tài chính của “bà Watanabe” đã thu hút tất cả mọi người, từ các nhà quản lý ngân hàng địa phương và các nhà bán lẻ ở Nhật Bản cho đến các nhà giao dịch trái phiếu ở Phố Wall. Ngày nay, hơn bao giờ hết, mọi người đều muốn biết động thái tiếp theo của bà Watanabe.
Ngay cả sau 30 năm khó khăn hậu bong bóng, các hộ gia đình Nhật Bản vẫn nắm giữ 2,1 triệu tỷ Yên (14,7 nghìn tỷ USD) tài sản, trong đó hơn một nửa (7,7 nghìn tỷ USD) được giữ dưới dạng tiền mặt và tiền gửi. Ngược lại, các hộ gia đình ở Mỹ và Anh lần lượt nắm giữ 13% và 31% tiền gửi.
Tính theo giá trị quốc gia, chỉ riêng khoản tiết kiệm tiền mặt của Nhật Bản đã tương đương với tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Đức và Ấn Độ cộng lại. Về mặt kinh tế, số tiền những “bà Watanabe” nắm giữ có thể mua Apple, Microsoft và Saudi Aramco thay vì gửi ngân hàng và kiếm được số tiền lãi gần như bằng 0.
Khi giá cả ở Nhật Bản trì trệ hoặc sụt giảm trong gần 25 năm qua, việc bà Watanabe ưu tiên nắm giữ phần lớn tiền tiết kiệm bằng tiền mặt là hợp lý, đặc biệt là sau khi chính phủ bảo lãnh tiền gửi ngân hàng vào năm 1995.
Cuộc thử nghiệm lâu dài của ngân hàng trung ương với lãi suất cực thấp, bắt đầu từ cuối những năm 1990, có nghĩa là bà Watanabe không kiếm được bất kỳ lợi nhuận nào, nhưng tài sản của bà cũng không bị xói mòn đáng kể chừng nào các công ty Nhật Bản kiềm chế việc tăng giá.
Nhưng khi ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản phá vỡ truyền thống và tăng giá trong vài năm qua, bà Watanabe biết rằng, đã đến một thời điểm quan trọng.
Peter Tasker, nhà phân tích của Arcus Research có trụ sở tại Tokyo cho biết: “Nếu mất giá trị tiền mặt, bà Watanabe sẽ phải làm những gì phần còn lại của thế giới làm và chuyển sang đầu tư vào các tài sản thực như cổ phiếu hoặc bất động sản”.
Sau nhiều năm nỗ lực thất bại trong việc thu hút sự chuyển đổi chính xác đó sang đầu tư, chính phủ Nhật Bản đã tạo ra một động lực chưa từng có. Từ tháng 1/2024, phiên bản mở rộng đáng kể của Tài khoản tiết kiệm đầu tư Nippon (Nisa), sẽ cung cấp đặc quyền miễn thuế trọn đời đáng kể cho các khoản đầu tư cổ phần của cá nhân. Chính phủ cũng đã nâng giới hạn đối với cả khoản đóng góp hàng năm từ 1,2 triệu Yên lên 3,6 triệu Yên và giới hạn tích lũy từ 6 triệu Yên lên 18 triệu Yên.
Phương thức này thành công sẽ bắt đầu bù đắp sự ác cảm đối với các cổ phiếu đã có từ lâu kể từ sự sụp đổ của bong bóng chứng khoán những năm 1980. Các hộ gia đình Nhật Bản chỉ nắm giữ 24% (17% trực tiếp và 7% thông qua lương hưu) tài sản dưới dạng cổ phiếu – thấp hơn nhiều so với mức 54% ở Anh và 75% ở Mỹ.
Trong những tuần và tháng tới, điều đó đặt ra một trong những câu hỏi lớn nhất từng được đặt ra đối với thị trường chứng khoán Tokyo, các công ty cấu thành liên quan và đối với cả bà Watanabe.
Phải chăng những người dân xưa nay tiết kiệm sắp trở thành những nhà đầu tư nhỏ lẻ nghiêm túc, có khả năng là nhân tố biến động giá trên thị trường chứng khoán nội địa Nhật Bản mà từ lâu họ đã xa lánh bởi xem đây như một sòng bạc?
Tài khoản tiết kiệm đầu tư Nippon (Nisa), sẽ cung cấp đặc quyền miễn thuế trọn đời đáng kể cho các khoản đầu tư cổ phần của cá nhân. Chính phủ cũng đã nâng giới hạn đối với cả khoản đóng góp hàng năm từ 1,2 triệu Yên lên 3,6 triệu Yên và giới hạn tích lũy từ 6 triệu Yên lên 18 triệu Yên.
Các nhà phân tích tại AllianceBernstein cho biết, ngay cả một câu trả lời tích cực tương đối vừa phải và chỉ 2% tái phân bổ tài sản cũng có thể tạo ra dòng vốn 150 tỷ USD vào cổ phiếu.
Các nhà môi giới cho biết, nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là sự chuyển động mạnh mẽ của thị trường. Dòng vốn vào chưa đến một nửa trong số đó từ các nhà đầu tư nước ngoài đã khiến Topix tăng hơn 25% trong năm nay.
Chieko Takenaka Watanabe, một người về hưu sống ở quận Kanagawa cho biết: “Tôi không biết liệu mình có nhất thiết phải đại diện cho một hộ gia đình trung bình ở Nhật Bản hay không và tôi không nghĩ số tiền tiết kiệm của chúng tôi lớn như bạn nghĩ”.
“Nhưng khi nói chuyện với bạn bè trong nhóm trò chuyện, tất cả chúng tôi đều đang nghĩ về những điều giống nhau khi nói đến giá cả tăng cao và cách giải quyết vấn đề đó. Tôi chắc chắn sợ mất tiền khi mua cổ phiếu, nhưng tôi nghĩ lo lắng lớn nhất của chúng tôi là cần có đủ tiền nếu sống thêm 20 năm nữa”.
THAY ĐỔI
Vào giữa tháng 12, một quảng cáo bất thường xuất hiện trên các chuyến tàu ở Nhật Bản kêu gọi mọi người mua cổ phiếu mới do Denso, nhà sản xuất phụ tùng ô tô lớn nhất nước này phát hành. Ý nghĩa của quảng cáo đã rõ ràng, hai nhân viên ngân hàng tham gia vào thương vụ cho biết, khách hàng mục tiêu nhắm đến chính là bà Watanabe và không gian đầu tư chứng khoán mới do chương trình Nisa tạo ra.
Nhưng việc tiếp thị như vậy liệu có hiệu quả không? Nhiều thói quen và quyết định được cho là của “bà Watanabe” là của một số hộ gia đình thiểu số. Người Nhật lớn lên trong “thập niên mất mát” những năm 1990, 2000 ít có khả năng kết hôn hoặc sinh con hơn cha mẹ cùng tuổi và họ cũng không có nhiều tiền để tiết kiệm.
Kho tiền mặt trị giá 7,7 nghìn tỷ USD nổi tiếng kể trên chủ yếu thuộc về người trung niên và người già. Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình của Nhật Bản đã giảm từ khoảng 17% thu nhập khả dụng vào đầu những năm 1980 xuống còn khoảng 3% vào đầu những năm 2000.
Richard Katz, tác giả cuốn sách The Contest for Japan's Economic Future cho biết: “Tỷ lệ tiết kiệm cao nức tiếng của các hộ gia đình Nhật Bản từ lâu đã không còn nữa. Thay vào đó, mọi người đang duy trì mức tiêu dùng tốt nhất có thể bằng cách chi tiêu ngày càng nhiều hơn trong thu nhập vốn trì trệ của họ”.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng câu nói của bà Watanabe vẫn có giá trị quan trọng. Đặc biệt là bây giờ khi cả nước quyết định có nên tin vào điều đó hay không, sau nhiều năm nhận định sai lầm, cuối cùng đã đến lúc phải rũ bỏ tư duy giảm phát vốn đã định hình việc ra quyết định từ lâu.
Có cơ sở vững chắc để tin rằng bây giờ là lúc thực hiện thay đổi đó. Ngay cả khi tỷ lệ lạm phát giảm trở lại so với mức hiện tại, con số vẫn vượt quá mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hơn 18 tháng và sự bất thường về điều đó đang bắt đầu xảy ra.
Nhiều nhà kinh tế nói về “sự thay đổi chế độ”. Lần đầu tiên sau nhiều năm, việc bình thường hóa chính sách tiền tệ vẫn còn cực kỳ lỏng lẻo của Nhật Bản có vẻ khả thi. Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng trưởng mạnh mẽ cho đến năm 2023, phần lớn là do nhận thức rằng chính Sở giao dịch chứng khoán Tokyo đang thúc đẩy các công ty trở nên dễ đầu tư hơn.
“Vết sẹo tập thể từ ba thập kỷ kém hiệu quả của chứng khoán Nhật Bản sẽ không biến mất chỉ sau một đêm. Nhưng nếu lạm phát tiếp tục kéo dài thì các hộ gia đình Nhật Bản sẽ cần phải tái định vị vào những tài sản có thể tạo ra lợi nhuận bằng đồng yên với giá cao hơn ở một giai đoạn nào đó”, Bruce Kirk, chiến lược gia cổ phiếu Nhật Bản tại Goldman Sachs cho biết.
Năm nay, dưới sự tấn công mạnh mẽ của hoạt động tiếp thị, các cá nhân đã mở hơn 2,5 triệu tài khoản mới tại ba công ty môi giới trực tuyến lớn nhất quốc gia, dường như là để chuẩn bị cho chương trình Nisa mới. Thực tế là trong năm 2023, Berkshire Hathaway, người đứng đầu là nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, đã tăng đầu tư vào 5 cổ phiếu Nhật Bản, đối với nhiều người đây là hành động mang lại một phiếu tín nhiệm quan trọng.
Vào tháng 8/2022, Nomura, công ty môi giới lớn nhất Nhật Bản, đăng một quảng cáo nổi bật trên báo không chỉ tuyên bố rằng lạm phát giờ đã trở thành một phần của cuộc sống bình thường ở Nhật Bản mà còn kèm theo lời khẳng định bắt mắt rằng “không phản ứng với sự thay đổi cuối cùng sẽ trở thành rủi ro”.
Sự chuẩn bị của các công ty môi giới đã bộc lộ những sai lệch do thái độ coi thường cổ phiếu trong nước lâu nay gây ra. Các nhân viên bán hàng lớn tuổi ở chi nhánh ngoại ô Tokyo của một trong những công ty chứng khoán lớn nhất Nhật Bản nói với Financial Times rằng họ đã nói chuyện với những đồng nghiệp 30 và 40 tuổi chưa từng bán một sản phẩm vốn cổ phần nào của Nhật Bản.
Nhưng sự nhiệt tình đang dần hình thành. Yusuke Nishikawa, giám đốc điều hành phát triển sản phẩm tại Nomura ở Tokyo, cho biết trong 20 năm làm việc cho công ty, đây là lần khách hàng hào hứng nhất mà ông từng thấy.
Trong một thời gian dài, chứng khoán Nhật Bản rất khó bán. “Nhưng hiện nay có nhiều điều tích cực, chẳng hạn như cải cách của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo và việc tăng lương mang tính định hướng cho tương lai. Đã lâu rồi chúng tôi mới có thể giới thiệu cổ phiếu Nhật Bản như ngày nay”, Nishikawa nói.
Các bằng chứng cũng được thấy rõ trên các kệ sách tại Nhật Bản. Chúng chứa đầy những cuốn sách cung cấp một khóa học cấp tốc về kiến thức tài chính. Trong đó, phần lớn bài viết được xây dựng nhằm cố gắng chứng minh rằng cổ phiếu có xu hướng phát triển mạnh trong điều kiện lạm phát, và do đó, đại diện cho một thứ gì đó tương đối an toàn.
Vào những năm 1970, người Nhật sở hữu 40% thị trường chứng khoán Nhật Bản. Sau khi chứng khoán đạt đỉnh rồi sụp đổ vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, tỷ lệ đó bắt đầu giảm xuống mức hiện tại chỉ là 17,6%.
Vào năm 2014, Nhật Bản đã giới thiệu phiên bản giới hạn của Nisa, được mô phỏng theo chương trình Tài khoản Tiết kiệm Cá nhân của Vương quốc Anh. Kể từ đó, hơn 20 triệu tài khoản đã được mở, với khoảng 34 nghìn tỷ yên được đầu tư vào đó.
Tuy nhiên, như nhà phân tích Rupal Agarwal của AllianceBernstein lưu ý, chương trình này vẫn chưa được sử dụng đúng mức và chỉ có 17% tổng dân số có tài khoản. Chương trình Nisa mới sẽ tăng gấp ba lần giới hạn trên của khoản đầu tư hàng năm lên 3,6 triệu Yên.
Nếu chính phủ thành công trong mục tiêu mở 34 triệu tài khoản mới trong 5 năm, tổng dòng vốn vào cổ phiếu có thể lên tới hàng trăm tỷ USD.