Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và UBND quận Hoàng Mai đã tổ chức hội nghị công bố điều chỉnh cục bộ 2 đồ án quy hoạch gồm: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phân khu đô thị H2-3 tại các ô đất thuộc phường Đại Kim và Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, khu đất lập điều chỉnh cục bộ tại một phần ô đất thuộc phân khu ký hiệu B3 và được xác định chức năng là đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật (có xác định bãi đỗ xe).
Căn cứ Quyết 842/QĐ-TTg ngày 16/6/2020 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký phê duyệt, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2989/QĐ-UBND, ngày 6/7/2020, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2.000 tại một phần ô quy hoạch ký hiệu D3/HTKT2 thuộc địa giới hành chính của các phường Đại Kim và Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai.
Cụ thể, tổng diện tích đất nghiên cứu điều chỉnh khoảng hơn 6ha, ranh giới phía Bắc giáp hồ Đầm Đỗi; phía Nam giáp đường quy hoạch rộng 24m và khu đất quy hoạch đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật; phía Đông giáp đường quy hoạch rộng 30m) và khu đất quy hoạch đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật (khu vực ga Giáp Bát); phía Tây giáp đường quy hoạch rộng 24m và khu đô thị Đại Kim - Định Công.
Theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-3 đã được UBND TP phê duyệt, khu đất nghiên cứu điều chỉnh thuộc một phần ô quy hoạch ký hiệu D3/HTKT2 được xác định chức năng sử dụng đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật.
Nay điều chỉnh thành đất công cộng, hỗn hợp bao gồm chức năng chính: Dịch vụ, thương mại, văn phòng và bãi đỗ xe, không có chức năng ở). Cụ thể, tại khu đất điều chỉnh quy hoạch sẽ xây khu trung tâm thương mại, khu văn phòng; khu phụ trợ, nhà kho; khu bãi đỗ xe ngầm và cao tầng (khuyến khích áp dụng công nghệ thông minh).
Bên cạnh đó, tổ chức không gian theo mô hình TOD gắn kết chặt chẽ với ga Giáp Bát tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến đường sắt quốc gia, tuyến Monorail M2. Lối vào chính gắn với hệ thống giao thông xung quanh hợp lý (quảng trường, giao thông công cộng,...) đảm bảo cho các phương tiện giao thông lưu thông thuận tiện, tránh xung đột và không ùn tắc. Cây xanh, không gian mở kết nối các khu vực xung quanh tạo mối liên kết, liên hoàn giữa các khu vực…
Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, mục tiêu của việc nghiên cứu điều chỉnh cục bộ các quy hoạch trên là nhằm cụ thể hóa chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và đáp ứng nhu cầu phát triển chung của TP trên nguyên tắc xây dựng tổng thể không gian phát triển và đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
Hình thành khu trung tâm thương mại AEON Mall Hoàng Mai hiện đại, khớp nối đồng bộ với mô hình TOD ga Giáp Bát. Đề xuất giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực đồng bộ, hiện đại. Đảm bảo gắn kết, hài hòa với tuyến đường Vành đai 2,5; Vành đai 3, tuyến đường sắt đô thị và tuyến đường sắt quốc gia…
Theo quy hoạch được điều chỉnh cục bộ, một số chỉ tiêu cơ bản dự kiến của dự án gồm: Mật độ xây dựng gộp tối đa 65%; tầng cao công trình từ 1 đến 11 tầng; tổng diện tích sàn tối đa 260.000m2; bảo đảm quy mô tối thiểu 4.000 chỗ đỗ xe (ô tô và xe máy) phục vụ cộng đồng và khách vào mua sắm...
Trước đó, năm 2019, UBND TP. Hà Nội nhận được đề xuất xây dựng dự án này của các nhà đầu tư gồm: Công ty TNHH AEON Mall Việt Nam, Công ty CP Xuân Nam Việt, Công ty TNHH Cơ khí chế tạo và dịch vụ tổng hợp 27/7.
Theo đó, vị trí xây dựng dự án bãi đỗ xe, TTTM Aeon Mall Hoàng Mai nằm tại Lô 6A.KT - phân khu H2-3, quận Hoàng Mai, phía sau Ga Giáp Bát hiện hữu. Sau khi xem xét, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận nguyên tắc để các đơn vị trên đề xuất dự án bãi đỗ xe, TTTM với quy mô 6,1ha, vốn đầu tư dự kiến là 280,7 triệu USD.
Được biết, dự án xây dựng TTTM AEON Mall Hoàng Mai cũng đã được trao chứng nhận đầu tư tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển" tổ chức năm ngoái.