Nhà hoang tại Nhật Bản hút khách nước ngoài

Số liệu mới cho thấy gần 14% tổng số nhà ở Nhật Bản là nhà để trống, nhưng tình trạng dư thừa bất động sản này đang thu hút sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà đầu tư nước ngoài…

5009-5196.jpg

Theo công bố từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, hiện quốc gia này có đến 9 triệu căn nhà đang bị bỏ hoang, chiếm tỷ lệ 14% tổng nguồn cung nhà ở.

Những ngôi nhà hoang này, được gọi là "akiya," ban đầu chỉ phổ biến ở khu vực nông thôn, nhưng nay bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều tại cả các thành phố lớn như Tokyo và Kyoto. Số lượng nhà hoang ở Nhật Bản hiện có đủ để ở cho toàn bộ dân số Australia, với tỷ lệ 3 người mỗi căn.

“Đây là dấu hiệu của sự suy giảm dân số Nhật Bản. Vấn đề không phải là họ đã xây quá nhiều nhà, mà là không có đủ người ở”, ông Jeffrey Hall, giảng viên tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda lưu ý.

THỪA NHÀ - THIẾU NGƯỜI

Gốc rễ của vấn đề này là tình trạng suy giảm dân số, cùng với việc nhiều người thừa kế những tài sản đó không thể hoặc không muốn sinh sống, tân trang hoặc hay phá bỏ những ngôi nhà này.

Dân số Nhật Bản đã liên tục giảm mạnh trong những thập kỷ qua. Ở lần thống kê cuối cùng vào năm 2022, dân số nước này đã giảm hơn 800.000 người so với năm trước đó xuống còn 125,4 triệu người.

Theo số liệu chính thức, vào năm 2023, số ca sinh mới đã giảm ở năm thứ 8 liên tiếp và chạm mức thấp kỷ lục. Tỷ lệ sinh của Nhật Bản dao động quanh mức 1,3 trong nhiều năm, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.

Sự mất cân bằng giữa số lượng nhà ở và dân cư thưa thớt vẫn sẽ là thách thức lớn mà Nhật Bản phải đối mặt trong tương lai dài.

Theo chính sách thuế của Nhật Bản, đất trống thường bị đánh thuế cao hơn đất có nhà cao tầng, do đó một số chủ sở hữu thấy việc giữ lại những ngôi nhà này sẽ rẻ hơn là phá bỏ chúng để tái phát triển. Ngay cả khi muốn bán, chủ sở hữu cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm người mua.

Ông Jeffrey Hall, giảng viên tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda lưu ý: “Nhiều ngôi nhà akiya nằm ở địa điểm hẻo lánh, bất tiện, xung quanh không gần phương tiện giao thông công cộng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay cửa hàng tiện lợi”. Thậm chí, một số ngôi nhà cũng bị bỏ ngỏ vì chính quyền địa phương không biết chủ sở hữu là ai do việc lưu trữ hồ sơ kém.

Tất cả những điều này đã trở thành rào cản đối với chính phủ trong việc trẻ hoá các cộng đồng nông thôn đang già đi nhanh chóng và ảnh hưởng đến nỗ lực thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. Những ngôi nhà cũ này thường bị bỏ quên và không đem lại giá trị lớn, từ đó gây ảnh hưởng đến cả giá trị bất động sản của toàn khu vực.

Đây rõ ràng không phải là một thực trạng chỉ xảy ra ở riêng Nhật Bản nhưng lịch sử và văn hoá kiến trúc ở đây đã khiến tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Theo ông Yuki Akiyama, giáo sư khoa kiến trúc và thiết kế đô thị tại Đại học Thành phố Tokyo, những ngôi nhà Nhật Bản không được đánh giá cao vì tuổi thọ của chúng.

Và không giống như phương Tây, người dân ở đây thường không mấy hứng thú với việc sống trong những ngôi nhà cổ có lịch sử lâu đời. “Ở Nhật Bản, nhà càng mới thì càng có giá trị cao”, ông Akiyama lưu ý.

gettyimages-1480008434-2555.jpg
Một căn nhà bỏ hoang bị đổ sập sau bão

Không chỉ cản trở sự phát triển, những ngôi nhà bỏ trống này còn gây ra nhiều mối lo ngại khác. Cụ thể, giáo sư Yuki Akiyama đã nhắc tới trận động đất mạnh 7,5 độ richter tấn công Bán đảo Noto ở Ishikawa vào tháng 1 vừa qua. Theo ông, khu vực xảy ra trận động đất có rất nhiều akiya và chúng gây nguy hiểm cho người dân cũng như thách thức cho việc tái thiết sau trận động đất.

“Khi một trận động đất hoặc sóng thần xảy ra, có khả năng những ngôi nhà hoang xập xệ sẽ chặn đường di tản khi chúng bị phá huỷ hoặc đổ sập. Ngay cả sau trận động đất, các nhà chức trách cũng gặp khó khăn trong việc dọn dẹp và tái thiết bởi quyền sở hữu đất không rõ ràng”, ông Akimaya giải thích.

NGƯỜI MUA NƯỚC NGOÀI

Dù không được đón nhận bởi cư dân địa phương nhưng những ngôi nhà bỏ trống và tình trạng dư thừa bất động sản này lại có được sự quan tâm của nhiều người mua nước ngoài. Đặc biệt là những ngôi nhà kominka truyền thống có mức giá khá rẻ (chỉ vào khoảng 23.000 USD), đồng thời sở hữu tiềm năng lớn để có thể trở thành nhà nghỉ hoặc nhà ở cho khách du lịch lưu trú.

Hana Sakata và người chồng ngoại quốc của cô trong hơn một thập kỷ qua đã miệt mài phát triển một dự án tư nhân có tên là Di sản Mới. Ở đây, họ tìm cách cải tạo các ngôi nhà cũ và cho thuê chúng thông qua hình thức Airbnb. Thành công đầu tiên của Sakata đến từ một ngôi nhà bị hư hỏng nặng nề trên hòn đảo Izu. Cô đã mua lại căn nhà từ người chủ cũ khi ông quyết định chuyển đến viện dưỡng lão.

Mặc dù giá mua ban đầu là khá rẻ nhưng chi phí để khôi phục lại những ngôi nhà này là "khổng lồ," cô Sakata chia sẻ.

Tuy nhiên, sự quan tâm của khách du lịch nước ngoài đối với việc trải nghiệm nghỉ dưỡng tại các cơ sở lưu trú truyền thống Nhật Bản vẫn rất cao, với nhu cầu hiện vẫn đang vượt xa nguồn cung.

Việc đồng yên đang dao động ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ cũng đã giúp thúc đẩy sự bùng nổ du lịch, với kỷ lục 3 triệu lượt du khách nước ngoài đã nhập cảnh vào Nhật Bản chỉ tính riêng trong tháng 3.

gettyimages-586337226-1494.jpg

“Có nhiều người mua nước ngoài bị thu hút bởi những ngôi nhà bỏ trống tại Nhật Bản bởi giá bán khá rẻ và họ thấy được tiềm năng phát triển. Nhưng đó cũng là một cam kết rất lớn. Việc sửa chữa và cải tạo không hề đơn giản vì không còn nhiều nhà thầu có đủ tay nghề để thực hiện các dự án như vậy. Các kỹ năng nghề mộc truyền thống đang dần mai một. Nhưng theo quan sát của tôi, trong 10 năm nữa, Nhật Bản có thể sẽ thấy rất nhiều akiya thuộc sở hữu nước ngoài”, cô Sakata chia sẻ với phóng viên CNN.

Bất kỳ ai cũng có thể mua akiya và triển vọng này là đặc biệt hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Mỹ. “Bất cứ ai cũng có thể mua bất động sản ở Nhật Bản dù cho quốc tịch của họ là gì”, ông Shu Matsuo Post, nhà sáng lập công ty môi giới bất động sản Post Fi chỉ ra.

Tuy nhiên, như ông Matsuo Post chia sẻ thêm, việc đi vay từ một ngân hàng Nhật Bản là gần như là không thể đối với người không có giấy tờ cư trú tại đây. Vì vậy, người nước ngoài nếu muốn mua bất động sản ở Nhật Bản thì họ sẽ buộc phải thực hiện giao dịch hoàn toàn bằng tiền mặt.

Hiện cũng có rất nhiều video chia sẻ việc người nước ngoài mua lại các ngôi nhà giá rẻ ở Nhật Bản và biến chúng thành nhà nghỉ hoặc các quán Café đầy phong cách đã thu hút hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội, nhưng việc này không hề dễ dàng như nhiều người vẫn tưởng.

“Khối lượng công việc hành chính và các quy định đằng sau nó không phải là điều đơn giản đối với người không giỏi tiếng Nhật. Tổng chi phí cũng không rẻ như nhiều người vẫn nghĩ nếu tính đến cả các khoản đầu tư bổ sung để duy trì và cải tạo bất động sản, chứ đừng nói đến việc thành lập cơ sở kinh doanh”, giáo sư Yuki Akiyama Đại học Thành phố Tokyo đưa ra cảnh báo.

Xem thêm

Bùng phát lừa đảo trực tuyến tại Nhật Bản

Bùng phát lừa đảo trực tuyến tại Nhật Bản

Nhật Bản đang chứng kiến một làn sóng lừa đảo trực tuyến nhắm vào người cao tuổi với hai hình thức chủ yếu là lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng và lừa tình, với thiệt hại lên đến 2,1 triệu USD được ghi nhận trong 3 tháng đầu năm nay…

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…