Tiến sĩ Majid Ezzati, giáo sư tại Imperial College London và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết số liệu thống kê đáng kinh ngạc này đến sớm hơn dự đoán, phần lớn là do sự chuyển đổi nhanh chóng của tình trạng suy dinh dưỡng từ thiếu cân sang béo phì ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Ước tính trước đây của Liên đoàn Béo phì Thế giới cho rằng sẽ có 1 tỷ người mắc bệnh béo phì vào năm 2030, nhưng con số đó đã được ghi nhận vào năm 2022, Tiến sĩ Ezzati lưu ý.
Nghiên cứu mới nhất được công bố trên The Lancet, đồng thực hiện bởi hơn 1.500 nhà nghiên cứu từ Tổ chức Hợp tác về Yếu tố Rủi ro Bệnh Không Truyền nhiễm và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã phân tích số đo chiều cao và cân nặng của hơn 220 triệu người từ hơn 190 quốc gia.
Kết quả cho thấy, gần 880 triệu người lớn và 159 triệu trẻ em đã mắc bệnh béo phì vào năm 2022. Tỷ lệ béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới đã tăng gấp 4 lần từ năm 1990 đến năm 2022, trong khi tỷ lệ béo phì ở người lớn tăng hơn gấp đôi.
“Điều rất đáng lo ngại là đại dịch béo phì từng xảy ra ở người lớn ở rất nhiều quốc gia trên thế giới vào năm 1990 giờ đây lại ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học”, Tiến sĩ Majid Ezzati lưu ý.
Trong khi tỷ lệ béo phì tăng lên thì số người bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu cân lại giảm ở hầu hết các quốc gia. Theo phân tích, tỷ lệ béo phì hiện cao hơn tỷ lệ thiếu cân ở 2/3 số quốc gia trên thế giới.
Tiến sĩ Francesco Branca, Giám đốc Ban Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm của WHO, cho biết trong cuộc họp báo: “Suy dinh dưỡng và béo phì là hai mặt của cùng một vấn đề, đó là thiếu khả năng tiếp cận chế độ ăn uống lành mạnh”.
Quá trình thay đổi này có thể được thấy rõ nhất ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là ở Polynesia và Micronesia, vùng Caribe, Trung Đông và Bắc Phi. Theo phân tích, những quốc gia này hiện có tỷ lệ béo phì cao hơn so với nhiều nước công nghiệp phát triển giàu có.
Các quốc đảo Tonga, Samoa thuộc Mỹ và Nauru có tỷ lệ béo phì cao nhất vào năm 2022, với hơn 60% dân số trưởng thành sống chung với tình trạng này.
“Trước đây, chúng ta từng coi béo phì là vấn đề của người giàu.Nhưng nay béo phì là một vấn đề của toàn thế giới”, Tiến sĩ Francesco Branca nhấn mạnh.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng không có quốc gia công nghiệp hóa giàu có nào – ngoại trừ Mỹ – đứng đầu danh sách các quốc gia có tỷ lệ béo phì cao nhất vào năm 2022. Họ cho đây là một sự thay đổi lớn so với năm 2017, khi WHO thực hiện một phân tích béo phì toàn cầu tương tự, cho thấy Mỹ, Canada, Úc, New Zealand và Vương quốc Anh nằm trong nhóm hàng đầu về tỷ lệ béo phì.
Tiến sĩ Francesco Branca nhận định, sự thay đổi nhanh chóng này là kết quả của việc tái cơ cấu các hệ thống thực phẩm trên toàn thế giới mà không bị chi phối bởi chính sách công.
“Mặc dù có những chuyển biến thông qua việc thay đổi hành vi người tiêu dùng, nhưng các giải pháp ở quy mô lớn hơn chưa chạm đến yếu tố cấu trúc, đó là các chính sách liên quan đến thực phẩm và môi trường”, Tiến sĩ Branca cho biết và nói thêm rằng cả béo phì và thiếu cân cùng tồn tại ở nhiều quốc gia và phải được giải quyết song song thông qua các biện pháp can thiệp chính sách nhiệm vụ kép nhằm giải quyết cả hai dạng suy dinh dưỡng.
Theo ông, những chính sách như vậy bao gồm khuyến khích và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, đánh thuế đồ uống có đường, thắt chặt quy định tiếp thị các loại thực phẩm hướng tới trẻ em và cung cấp thực phẩm bổ dưỡng trong các tổ chức công như trường học. Cải cách nông nghiệp, thiết kế đô thị và đầu tư vào chăm sóc sức khỏe cũng sẽ cần được đặt lên hàng đầu.
Tiến sĩ Francesco Branca cho biết chính sách công phải nhằm mục đích cải thiện việc giám sát các nhà sản xuất thực phẩm và đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng với thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng cho mọi người. Bởi lẽ cho đến nay, hơn 3 tỷ người trên thế giới vẫn không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng lưu ý rằng đã có một số thay đổi chính sách trên toàn thế giới mang lại những kết quả đáng khích lệ. Pháp, quốc gia chứng kiến tỷ lệ béo phì ở mức ổn định, đã thực hiện một kế hoạch quốc gia có tên là Chương trình Dinh dưỡng Quốc gia Santé nhằm đặt ra các mục tiêu cho chính sách dinh dưỡng ở cấp độ ngành, người tiêu dùng và nghiên cứu.
Các quốc gia ở Nam Mỹ đã bắt đầu thực hiện dán nhãn dinh dưỡng trước bao bì, trong đó có cảnh báo rõ ràng về hàm lượng chất béo, đường và muối. Trong khi đó, Mexico dẫn đầu về việc đánh thuế đồ uống có đường và ở Chile, thực phẩm chế biến sẵn không được bán cho trẻ em.
“Các biện pháp can thiệp của cộng đồng lồng ghép việc thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất đặc biệt có thể mang lại hiệu quả tích cực”, Tiến sĩ Tiến sĩ Francesco Branca một lần nữa nhấn mạnh trong bài phát biểu kết thúc cuộc họp báo.