HoREA đưa ra 10 kiến nghị hoàn thiện chính sách đất đai

Tại hội thảo "Kinh tế - tài chính đất đai" tại Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) ngày 10/12, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM đã đưa ra 10 kiến nghị.
HoREA đưa ra 10 kiến nghị hoàn thiện chính sách đất đai

Theo đó, HoREA đã đưa ra 10 kiến nghị hoàn thiện chính sách kinh tế - tài chính về đất đai trong điều kiện nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

HoREA cho rằng, Luật Đất đai 2013 tuy mới triển khai thực hiện được hơn 5 năm nhưng rất cần được xem xét, sửa đổi, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu mới phát sinh, do tình hình thực tiễn đã có nhiều thay đổi; nhiều chính sách mới đã được ban hành, nhất là trong điều kiện nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Do đó, HoREA đề nghị bỏ quy định "Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần" tại Điều 113 Luật Đất đai và phân cấp cho HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành "Bảng giá đất" để đảm bảo nguyên tắc "Giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường" và "phù hợp với thực tế tình hình của địa phương", đi đôi với cơ chế quy định mức thu tiền sử dụng đất phù hợp với khả năng tài chính của cá nhân, hộ gia đình khi xin cấp "sổ đỏ".

Về dài hạn, HoREA kiến nghị xác định khoản thu tiền sử dụng đất là một khoản thuế, như đề xuất của UBND TP. HCM tại Báo cáo số 196/BC-UBND ngày 08/11/2013 đã trình Chính phủ, như sau: "Về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm "tiền sử dụng đất" mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin - cho. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước...".

HoREA kiến nghị nghị sửa đổi, bổ sung Điều 68 Luật Đất đai quy định cơ chế phát huy vai trò của Tổ chức phát triển quỹ đất (Trung tâm phát triển quỹ đất) thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo lập quỹ đất phục vụ đầu tư phát triển. Sau đó, tổ chức đấu giá đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư. Chênh lệch địa tô nộp vào ngân sách Nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng. 

Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản (2.d) điều 174 Luật Đất đai cho phép người sử dụng đất được quyền "Thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng ở nước ngoài trong thời hạn sử dụng đất, nhưng khi xảy ra tranh chấp thì phải được xử lý theo pháp luật Việt Nam", để bảo đảm chủ quyền quốc gia.

Hiệp hội đề nghị giải quyết điểm nghẽn chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án bất động sản. Cụ thể, đề nghị sửa đổi khoản (1.b) điều 194 Luật Đất đai, và sửa đổi khoản 2 điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản để cho phép chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kể từ thời điểm sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng.

HoREA đề nghị bổ sung "Đất sử dụng cho du lịch" vào "Điều 153. Đất thương mại, dịch vụ, du lịch; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp" của Luật Đất đai để thống nhất quản lý. "Đất sử dụng cho du lịch" chỉ được sử dụng cho mục đích phục vụ du lịch, không được biến tướng thành khu nhà ở của các hộ gia đình để tránh làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực.

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM đề nghị tiếp tục áp dụng chế độ sử dụng đất có thời hạn tối đa 50 năm (trường hợp đặc biệt không quá 70 năm) đối với đất du lịch, trong đó có đất du lịch dùng để phát triển condotel. Trên cơ sở đó, người mua sản phẩm condotel trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu và quyền sử dụng đất có thời hạn theo thời hạn của dự án.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…