Truy thu chênh lệch thuế suất mới - cũ với ô tô nhập khẩu

“Doanh nghiệp phải tính đúng, tính đủ, đừng để bị áp giá tính thuế”, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) khuyến cáo.
Truy thu chênh lệch thuế suất mới - cũ với ô tô nhập khẩu

Do thay đổi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), kể từ ngày 1/7/2016, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xilanh từ 2.500 cm3 trở lên tăng rất mạnh.

Kể từ ngày 1/7/2016, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế mới có hiệu lực (Luật 106/2016/QH13). Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng, chỉ nên áp thuế suất thuế TTĐB mới đối với xe ô tô nhập khẩu sau thời điểm này?

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB thì xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích từ trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 phải chịu thuế 50%, trên 3.000 cm3 chịu thuế 60%.

Tuy nhiên, theo Luật 106/2016/QH13, kể từ ngày 1/7/2016, xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xilanh từ trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 phải chịu thuế suất 55%; trên 3.000 cm3 đến 4.000 cm3 chịu thuế suất 90%; trên 4.000 cm3 đến 5.000 cm3 chịu thuế suất 110%; trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3 chịu thuế suất 130% và dung tích xi lanh trên 6.000 cm3 chịu thuế suất 150%.

Do thuế TTĐB tăng rất mạnh, đặc biệt với các loại xe có dung tích xilanh trên 3.000 cm3, nên nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi cách nhập khẩu xe trước thời điểm 30/6/2016 và “hí hửng” bán xe sau thời điểm này sẽ “thu bộn tiền” do chênh lệch thuế TTĐB. Tôi khẳng định rằng, dù nhập khẩu xe trước thời điểm 30/6/2016, nhưng bán xe kể từ ngày 1/7/2016 vẫn phải nộp thuế TTĐB theo thuế suất mới. Nếu đã bán xe, đã nộp thuế theo thuế suất cũ sẽ bị truy thu số tiền chênh lệch giữa thuế suất mới và cũ.

Áp thuế TTĐB mới với xe ô tô nhập khẩu trước ngày 30/6/2016 liệu có hợp lý không, khi ngày 1/7/2016, Luật 106/2016/QH13 mới có hiệu lực, thưa ông?

Truy thu chênh lệch thuế suất mới - cũ với ô tô nhập khẩu ảnh 1Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính)

Có doanh nghiệp cho rằng, họ không biết thời điểm áp mức thuế TTĐB mới, nên đã nhập khẩu, đã nộp thuế và bán xe với giá theo thuế suất cũ, giờ truy thu gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Tôi xin nói thẳng rằng, lập luận này đến… trẻ con cũng không nghe được, bởi Luật 106/2016/QH13 được Quốc hội thông qua từ ngày 6/4/2016, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nào chẳng biết mức thuế suất mới là bao nhiêu, cách tính thuế TTĐB mới thế nào, áp dụng từ bao giờ. Họ nắm rất chắc, nên đã cố tình nhập khẩu xe trước khi Luật 106/2016/QH13 có hiệu lực với hy vọng khi nhập khẩu đóng thuế TTĐB với thuế suất cũ, sau đó bán cho khách hàng theo giá của thuế suất mới để hưởng lợi.

Thế còn đối với xe ô tô nhập khẩu trước thời điểm 6/4/2016 thì sao?

Luật 106/2016/QH13 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016, nên thuế suất và cách tính thuế cũng tính từ thời điểm này. Vì vậy, dù nhập khẩu trước ngày 30/6/2016 hay trước ngày 6/4/2016 thì khi bán ra kể từ ngày 1/7/2016 vẫn áp thuế suất thuế TTĐB theo Luật 106/2016/QH13.

Nhưng doanh nghiệp đã nộp thuế TTĐB theo mức thuế suất cũ ở khâu nhập khẩu rồi, thưa ông?

Trước ngày 1/1/2016, giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá doanh nghiệp bán ra. Quy định này không công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước vì giá tính thuế TTĐB đối với hàng sản xuất trong nước được tính theo giá bán cuối cùng, trong khi giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu là giá CIF cộng với thuế nhập khẩu.

Để bảo đảm công bằng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 195/2015/TT-BTC. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2016 khi nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp vẫn nộp thuế TTĐB trên cơ sở giá CIF, cộng với thuế nhập khẩu, sau đó nhân với thuế suất thuế TTĐB. Sau khi nhập khẩu, doanh nghiệp bán ô tô sẽ phải nộp thuế TTĐB ở khâu bán ra, nhưng được trừ đi số thuế đã nộp ở khâu nhập khẩu.

Ví dụ, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô có giá CIF là 450 triệu đồng, phải nộp thuế nhập khẩu 70% là 315 triệu đồng, nộp thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu là 344,25 triệu đồng (thuế suất 45%). Như vậy, giá vốn là 1.109,25 triệu đồng, giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng là 1.164,7125 triệu đồng (lợi nhuận 5%), giá tính thuế TTĐB ở khâu bán ra trong nước là 803,25 triệu đồng. Với thuế suất 45% thì doanh nghiệp phải nộp thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu là 361,4625 triệu đồng, nhưng đã nộp ở khâu nhập khẩu 344,25 triệu đồng, nên phải nộp thêm 17,2125 triệu đồng nữa.

Nhưng kể từ ngày 1/7/2016, cách tính thuế sẽ như thế nào?

Thuế suất thuế TTĐB có sự thay đổi, nhưng cách tính vẫn như trên, tức là hàng nhập khẩu nói chung, ô tô nói riêng nộp thuế TTĐB ở 2 khâu là nhập khẩu và bán ra, khi nộp ở khâu bán ra được trừ số thuế đã nộp tại khâu nhập khẩu, nhưng mức trừ tối đa bằng số thuế tính ra khâu bán ra. Nghĩa là, loại xe nào có thuế suất sau ngày 1/7/2016 thấp hơn trước (xe ô tô có dung tích xilanh từ 1.500 cm3 trở xuống) hoặc do yếu tố thị trường dẫn tới bị lỗ thì không được hoàn thuế nếu thuế tính theo giá bán ra thấp hơn số đã nộp tại khâu nhập khẩu.

Cách tính thuế trên rất minh bạch, đơn giản, dễ tính, dễ hiểu, doanh nghiệp cần tính đúng, tính đủ, đừng có “nhập nhằng” khỏi bị cơ quan thuế áp giá tính thuế. Nếu bị áp giá tính thuế, áp thuế thì doanh nghiệp chỉ có thiệt.

Biết trước việc tăng thuế đối với xe ô tô từ “2 chấm” trở lên, rất nhiều khách hàng đã đặt tiền để nhập khẩu xe trước thời điểm 1/7/2016, nhưng xe nhập khẩu về sau thời điểm này phải chịu thuế suất cao hơn, nên khách hàng không chịu. Thưa ông, việc này xử lý thế nào?

Việc doanh nghiệp nhận cọc tiền mua xe của khách hàng là quan hệ dân sự giữa 2 bên theo Bộ luật Dân sự. Nhà nước tôn trọng và không có quyền can thiệp giảm thuế hay tăng thuế trong trường hợp này, mà doanh nghiệp và khách hàng phải đàm phán để đi đến sự thống nhất hoặc thực hiện theo đúng hợp đồng 2 bên đã ký kết. Nếu 1 trong 2 bên không đồng ý, thì họ có quyền khởi kiện tại tòa án hoặc qua sự phân xử của trọng tài thương mại.

Theo Đầu tư

Có thể bạn quan tâm

Hành trình điện hóa của ngành ô tô Việt

Hành trình điện hóa của ngành ô tô Việt

Thị trường ôtô Việt Nam đang bùng nổ với xu hướng điện hóa, đặc biệt là sự ra đời của xe hybrid và xe thuần điện, hứa hẹn một tương lai bền vững và đổi mới cho ngành ô tô Việt…