Thương hiệu thời trang bình dân Anh Quốc Topshop chuẩn bị đóng cửa toàn bộ 11 cửa hàng tại Mỹ vì kinh doanh thua lỗ.
Tuy đóng cửa toàn bộ các cửa hàng tại Mỹ nhưng Topshop (cùng với dòng thời trang nam giới Topman) vẫn sẽ tiếp tục duy trì hình thức bán hàng online cũng như phân phối sản phẩm qua các đối tác bán buôn tại Mỹ, đơn cử như Nordstrom.
Năm 2009, thương hiệu thời trang bình dân đình đám Anh Quốc Topshop chính thức đổ bộ vào nước Mỹ với tham vọng tạo nên một đế chế hùng mạnh tại đây. Sau 10 năm, hãng chỉ mở được tổng cộng 11 cửa hàng trên toàn lãnh thổ nước Mỹ.
Đây là một con số quá khiêm tốn nếu so sánh với đối thủ cùng phân khúc là Zara. Hiện, Zara đã có hơn 300 cửa hàng tính riêng tại Mỹ. Trong khi đó, Topshop có hơn 500 cửa hàng trên toàn thế giới, riêng 300 cửa hàng trong số đó là ở quê nhà Anh Quốc.
Vậy là sau 10 năm, Topshop lại phải đệ đơn phá sản mà không đạt được mục đích như kỳ vọng.
"Từng là thương hiệu bình dân được yêu thích nhưng những năm gần đây, tình hình kinh doanh của Topshop ngày càng giảm sút. Một phần là vì đang có quá nhiều đối thủ cạnh tranh. Phần quan trọng hơn là các đối thủ này đang tỏ rõ sự nổi trội hơn về khả năng sản xuất và độ nhanh nhạy khi bắt nhịp với xu hướng thời trang tiêu dùng nhanh như ASOS và Boohoo.
Thực chất, tình hình kinh doanh của Topshop đã có dấu hiệu giảm sút trong vài năm trở lại đây, không chỉ riêng tại thị trường Mỹ. Hiện Arcadia Group, công ty mẹ của Topshop cũng như nhiều thương hiệu nổi tiếng như Dorothy Perkins, Miss Selfridge... đang có mong muốn tái cơ cấu với hi vọng cải thiện tình hình. Bằng không, 19.000 nhân công hiện tại của tập đoàn này sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.
Thời gian qua, Philip Green, chủ tịch của Arcadia Group cũng dính líu đến hàng loạt cáo buộc về quấy rối tình dục, phân biệt chủng tộc và ngược đãi nhân viên. Vì lùm xùm này mà một bộ phận khách hàng đã kêu gọi tẩy chay các thương hiệu con của Arcadia Group.