Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cả nước có hơn 400 khu công nghiệp đã được thành lập, có 300 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 115 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, số lượng khu công nghiệp đáp ứng tiêu chí xanh, phát triển bền vững là chưa nhiều.
Thực tế, theo nghiên cứu tại 118 khu công nghiệp của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD - VCCI) vào năm 2022, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ ban hành chính sách phát triển EESG thấp, chỉ 39% có chính sách quản trị rủi ro để đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường, 21% có chính sách quản trị rủi ro đảm bảo tuân thủ về xã hội, 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, 13% có chính sách về chuyển đổi số.
Kết quả phỏng vấn sâu cho biết có tới 50% khu công nghiệp chưa nghe đến khái niệm khu công nghiệp phát triển bền vững, 30% có nghe hiểu về khái niệm khu công nghiệp sinh thái và 20% hiểu rõ khu công nghiệp phát triển bền vững cần bảo đảm cân đối về phát triển đồng thời của 4 trụ cột EESG.
Ngoài ra, chỉ có 22% khu công nghiệp có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, đáng lưu ý 77% khu công nghiệp không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Điều đáng nói, việc chuyển chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp phát triển bền vững là một xu thế bắt buộc. Bởi lẽ, Việt Nam có 16 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán. Trong các FTA này, những yêu cầu về chuỗi ngành hàng chuỗi giá trị và các khâu về sản xuất xanh sạch rất quan trọng, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào thị trường khó tính. Đồng thời, mục tiêu để phát triển công nghiệp bền vững cũng đã được đưa vào các cam kết về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Để phù hợp với yêu cầu thực tế, ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó Tổng Giám đốc khu công nghiệp Việt Nam cho biết, bên cạnh các loại hình truyền thống, doanh nghiệp cũng đang cung cấp các giải pháp nhà kho xưởng hỗn hợp, nhà kho xưởng xây theo yêu cầu của nhà đầu tư, cùng việc sắp ra mắt hệ thống nhà kho hiện đại, trong đó nổi bật là sản phẩm kho ngoại quan.
Hiện nhà đầu tư nước ngoài đang có nhu cầu ngày càng cao, vì vậy toàn bộ hệ thống nhà kho, xưởng của khu công nghiệp Việt Nam đều được hoàn thiện, đảm bảo các tiêu chuẩn công nghiệp về độ cao trần, tải trọng sàn, khu vực xuất nhập hàng hoá, hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện đại và các yếu tố an toàn khác.
Hiện doanh nghiệp đã phát triển 8 dự án tại các tỉnh, thành kinh tế trọng điểm tại cả khu vực miền Bắc, Nam với tổng quỹ đất gần 200ha. Tất cả các dự án án của khu công nghiệp Việt Nam sẽ được triển khai hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái, cũng như đặt mục tiêu đạt chứng chỉ công trình xây dựng xanh LEED.
Ngoài việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về dịch vụ phụ cận cho doanh nghiệp và người lao động, khu công nghiệp Việt Nam cũng từng bước sớm triển khai áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG.
Chia sẻ tại diễn đàn "Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam" bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ Trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích rõ ý nghĩa của việc xây dựng mô hình kinh tế xanh trong phát triển khu công nghiệp.
Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp là một trong những giải pháp khắc phục những ảnh hưởng của hoạt động công nghiệp đến môi trường, giảm lãng phí tài nguyên và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Theo xu hướng này, bà Hiếu cho biết, mô hình khu công nghiệp truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế. Nguyên lý của việc phát triển các khu công nghiệp bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn.
Trong đó hệ sinh thái công nghiệp được phát triển như một hệ sinh thái tự nhiên và sản phẩm của quá trình sản xuất đầu ra này có thể là quá trình đầu vào của quá trình sản xuất khác. Tương tự, các sản phẩm phụ hay sản phẩm thải bỏ của một quá trình sản xuất cũng là nguyên liệu hữu ích đầu vào cho một quy trình sản xuất khác.
Phó Vụ Trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế nhận định, những định hướng phát triển bền vững, định hướng về hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp đã được xây dựng. Trước hết là ở cấp độ doanh nghiệp, thì chuyển đổi sẽ tập trung vào các giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, những giải pháp về công nghệ ít carbon, sử dụng hóa chất, hoặc sử dụng năng lượng tái tạo,...
Đặc biệt, hướng tới việc kết nối các khu công nghiệp với cộng đồng dân cư xung quanh và tập trung vào việc phát triển thành phố, đô thị theo hướng bền vững. Trong đó nhấn mạnh vào việc sử dụng quản lý tốt rác thải, tái sử dụng, cũng như nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng sản xuất công nghiệp.