Tính từ 31/10 – 8/12, khối ngoại đã mua ròng và tăng tỷ lệ sở hữu tại gần 200 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Trở thành lực lượng dẫn dắt cho chỉ số VN-Index đi lên từ đáy. Tại ngày 8/12, tổng giá trị tài sản tính theo tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HOSE đạt gần 38 tỷ USD.
Tài sản của khối ngoại đang nằm nhiều nhất tại Vinamilk (VNM) với 94,8 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 56%. Vietcombank (VCB) đứng thứ 2 với 86,1 nghìn tỷ đồng (24%) và Sabeco (SAB) đứng thứ 3 với 71,5 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời với việc tăng tỷ lệ sở hữu thì giá trị của lượng cổ phiếu mà khối ngoại mua thêm trong 2 tháng cũng đã đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền của các nhà đầu tư nước ngoài đang tập trung tại những doanh nghiệp vốn hóa lớn như Vinhomes (VHM), Sacombank (STB), Khang Điền (KDH), SSI, Hòa Phát (HPG)…
Xét trên toàn thị trường, theo nghiên cứu của BSC, trong số hơn 50 tỷ USD mà nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu trên thị trường chứng khoán Việt Nam một nửa trong số đó đến từ những nhà đầu tư rất dài hạn. Đó là những nhà đầu tư chiến lược vào các công ty, các ngân hàng. Hầu như những nhà đầu tư này không bao giờ bán ra cổ phiếu và thường có thời gian đầu tư rất dài hạn. Thậm chí họ còn mua thêm từ các đối tác khác.
Trong một hội thảo mới đây, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công Ty Chứng khoán BSC đánh giá, tốc độ mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua là chưa từng thấy. Trước đây cũng có thời gian nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 2-3 tháng liên tiếp nhưng khối lượng mua ròng từng phiên ở mức vừa phải. Hiện nay, 10 phiên liên tiếp hay gần như 1 tháng, số lượng mua ròng đều rất lớn.
Nói về động lực để khối ngoại mua ròng lớn tại thị trường chứng khoán Việt Nam như hiện nay, ông Long cho rằng, góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài hướng tới dài hạn. Nhà đầu tư nhìn vào những vấn đề liên quan đến vĩ mô, liên quan đến tiềm năng, triển vọng về kinh tế trong 5 năm đến 10 năm để họ đưa ra những quyết định đầu tư.
“Nhìn chung, nhà đầu tư nước ngoài nhìn ra cơ hội để tăng tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam. Định giá không chỉ rẻ trong 2 - 3 năm mà là 5 - 6 năm trở lại đây”, ông Long khẳng định.
Bên cạnh nhóm đầu tư dài hạn, khối ngoại tại thị trường Việt Nam còn có những nhóm nhà đầu tư đến từ Châu Âu, nhóm quỹ đầu tư chỉ số, nhóm đầu tư thông qua chứng chỉ P-notes.
Trong đó, nhóm nhà đầu tư đến từ châu Âu, đây cũng là những quỹ đầu tư tập trung ở Việt Nam, phần lớn tài sản lên đến 70 – 80%, thậm chí 90% tập trung ở Việt Nam. Ông Long đánh giá, nhóm này luôn gắn bó với sự phát triển của thị trường Việt Nam, họ huy động được bao nhiêu từ nhà đầu tư bên ngoài thì sẽ lập tức đầu tư vào Việt Nam.
Nhóm quỹ đầu tư chỉ số, nhóm khối ngoại này chiếm hơn 10% số lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhóm này hoạt động linh hoạt, tức là khi nhà đầu tư thu được nhiều chứng chỉ quỹ từ bên ngoài họ sẽ mua vào Việt Nam và ngược lại.
Nhóm đầu tư thông qua chứng chỉ P-notes, đây có thể nói là dòng tiền khá nóng. Khi theo dõi một số thị trường khác thì họ mua nhanh rồi bán nhanh. Nhóm này khi mua bán trên thị trường sẽ trade nhiều hơn, còn các nhóm còn lại khá ổn định.
Ông Long cho biết, đã tập trung vào P-notes thì chắc chắn là nhà đầu tư ngắn hạn, vì nếu có kế hoạch dài hạn hơn, họ sẽ đầu tư thông qua các công ty quản lý quỹ có sẵn ở Việt Nam sẽ thuận lợi hơn nhiều.
"Thị trường không thể biết rõ thời gian của nhóm P-notes là bao nhiêu và mục tiêu của họ bao nhiêu sẽ chốt lãi. Dù vậy, chắc chắn họ sẽ bán vào thời điểm đủ lợi nhuận và thời gian", vị chuyên gia BSC nhấn mạnh.