Theo đó, toàn bộ 56 triệu cổ phiếu của Kido Food được cấp mã KDF. Bắt đầu từ ngày 18/09/2017, VSD nhận lưu ký số cổ phiếu trên để chuẩn bị giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM.
Trước đó, vào ngày 31/03/2017, KDF đã tiến hành bán 11,2 triệu cổ phần tương đương 20% vốn điều lệ với giá chào bán là 52.000 đồng/cp. Bên cạnh tăng vốn điều lệ, huy động vốn qua kênh cổ phiếu, việc IPO còn là việc giảm bớt sở hữu tại KDF của Kido để từng bước đại chúng hóa công ty.
Với 35% thị phần theo số liệu của Euromonitor, KDF được đánh giá là một trong những doanh nghiệp “làm kem” hàng đầu tại Việt Nam.
Đầu tháng 8 vừa qua, HĐQT của Kido đã thông qua việc chuyển nhượng gần 8,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,8% vốn của Kido Food. Trong đó, KDC sẽ chuyển nhượng theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) 5,6 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn của KDF với giá chào bán 25.000 đồng/CP và gần 2,7 triệu cổ phiếu KDF cho đối tác chiến lược với giá 40.000 đồng/CP.
Ước tính, KDC sẽ thu về 248 tỷ đồng bao gồm 140 tỷ đồng từ phát hành ESOP và 108 tỷ đồng từ việc bán cho đối tác chiến lược.
Năm 2016, KDF đạt doanh thu thuần 1.397 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2015. Lợi nhuận ròng đạt 143 tỷ đồng, tăng trưởng 85%. Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 19,7%.
Năm 2017, KDF lên kế hoạch đạt 1.824 tỷ đồng doanh thu, trong đó chủ yếu vẫn là mảng kem và sữa chua, mảng thực phẩm đông lạnh chưa đóng góp nhiều trong năm.
>> Quy tắc đơn giản nhưng không bao giờ được vi phạm đã giúp Ông Trần Kim Thành xây dựng nên KIDO