KBC phải đảm bảo tổng giá trị của tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu KBC và tài sản bảo đảm là tiền mặt/hợp đồng tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi tối thiểu bằng 60% giá trị tài sản bảo đảm tối thiểu (ứng với 160% tổng giá trị mệnh giá trái phiếu đang lưu hành).
Theo Tổng CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc, việc bổ sung tài sản bảo đảm như trên không gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ gốc, lãi trái phiếu đã phát hành.
KBC nắm 92,5% tỷ lệ lợi ích tại CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang (SBG). Theo báo cáo thường niên 2021 của KBC, SBG có vốn điều lệ 220 tỷ đồng. SBG là chủ đầu tư khu công nghiệp Quang Châu tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; có tổng diện tích 426 ha, tổng diện tích đất thương phẩm là 303,7 ha, đã lấp đầy 96,8%, diện tích đất thương phẩm còn lại 9,77 ha, diện tích đất còn phải đền bù hơn 13,5 ha.
Tại ngày 31/12/2021, tài sản của SBG đạt 3.281 tỷ đồng. Năm 2021, công ty đạt doanh thu 1.870 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 1.040 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính soát xét 9 tháng đầu năm 2022, Kinh Bắc có 5.749 tỷ đồng nợ vay tài chính. Trong đó, nợ vay ngắn hạn tăng mạnh từ 1.248 tỷ đồng hồi đầu năm lên 3.625 tỷ đồng. Ngược lại, nợ vay dài hạn giảm từ 4.600 tỷ đồng xuống còn 2.124 tỷ đồng.
Đối với nợ trái phiếu, trong 9 tháng, công ty đã phát sinh thêm hơn 2.900 tỷ đồng nợ trái phiếu ngắn hạn. Đây là số trái phiếu dài hạn đến hạn trả. Cộng thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn, KBC đang có 3.846 tỷ đồng nợ trái phiếu (trừ chi phí phát hành).
Cổ phiếu KBC trên thị trường chứng khoán phục hồi tốt từ phiên 10/11 đến nay. Từ vùng giá 14.000 đồng – thấp nhất kể từ tháng 12/2020, mã này đã về lại mức giá 17.700 đồng (kết phiên 25/11). Tuy nhiên so với mức đỉnh 46.000 đồng hồi đầu năm 2022, KBC đã giảm 62% giá trị.