Làm dâu trăm họ, ngành hàng không cần “trái tim nóng và cái đầu lạnh"

Ngành hàng không Việt Nam hiện nay đang trên đà phát triển, song về vấn đề đảm bảo an toàn hàng không vẫn còn nhiều lổ hổng, đặc biệt là vụ 4 nữ tiếp viên xách "hàng cấm"...
ngành hàng không
Ngành hàng không là ngành làm dâu trăm họ cần "một trái tim nóng, cái đầu lạnh". Ảnh minh hoạ

Trong 5 phương tiện giao thông vận tải, ngành hàng không dân dụng có tốc độ cao nhất, nhanh nhất, chúng ta sử dụng dịch vụ vận tải này với nhu cầu tiết kiệm thời gian. Tính nhanh, cao tốc của ngành đã đòi hỏi những yêu cầu rất chặt chẽ để đảm bảo được an toàn trong các chuyến bay. 

Những quy chuẩn cần thực hiện

Vấn đề công tác đảm bảo an toàn hàng không dân dụng, đây là vấn đề không chỉ với phạm vi trong nội bộ đất nước mà mang tính phạm vi toàn cầu. Chia sẻ tại toạ đàm "Lỗ hổng an toàn hàng không: Xử lý thế nào?", ông Tô Tử Hùng, Trưởng Phòng An ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, một chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội có thể kết nối ngay sau đó đến Paris (Pháp), ở đây tính kết nối quốc tế rất cao nên các quy định pháp luật tại Việt Nam thể hiện những tiêu chuẩn chung của quốc tế.

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đưa ra các quy chuẩn chặt chẽ và những khuyến cáo thực hành. Trong đó, các tiêu chuẩn bắt buộc chính phủ Việt Nam phải thực hiện và khuyến cáo thực hành phải được thực hiện ở mức cao nhất có thể. Trong đó, việc quy định về các giấy tờ khi bay đã được thể hiện rất nhiều vụ việc trên thế giới. Vấn đề này không an toàn, khiến con người đã phải trả giá bằng rất nhiều sinh mạng và thiệt hại với ngành hàng không dân dụng.

Vào năm 1976, chuyến bay của hãng hàng không Cuba có 2 kẻ khủng bố đã lên tàu bay, sử dụng nhân thân giả, giấy tờ giả, đặt bom trên chuyến bay 73 hành khách.

Năm 1985, vụ đánh bom nổi tiếng của hãng hàng không Ấn Độ, dùng tên giả và tìm cách xuống khỏi máy bay, 329 người bị tài sát. Gần đây nhất, năm 2014 có vụ mất tích máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia, trong đó có 2 cuốn hộ chiếu nằm trong danh sách hộ chiếu mất cắp. Tuy nhiên phía Malaysia đã không phát hiện được và có 2 hành khách đã mua 2 cuốn hộ chiếu đó để lên máy bay với mục đích tìm kiếm tị nạn.

"Hội đồng điều hành ICAO đã ra những nghị quyết để yêu cầu các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam làm đúng các tiêu chuẩn. Về tiêu chuẩn quốc tế, chúng ta có sử dụng hộ chiếu, trên đó có một dãy mã đọc được bằng máy. Tương lai gần sẽ có hộ chiếu gắn chip với các sinh trắc học", ông Hùng cho biết.

Để phục vụ ngành hàng không dân dụng, rất quan trọng về những người được huấn luyện, đào tạo về chuyên ngành này. Hiện nay, trong quy định pháp luật có 16 loại nhân viên hàng không. Có nhiều người phục vụ công tác này mà khách hàng thấy thường xuyên, nhưng cũng có người phục vụ âm thầm, không nhìn thấy.

Những nhân viên hàng không dân dụng sẽ yêu cầu được huấn luyện trong các cơ sở đào tạo, tham gia các kì thi chính thức để có thể tác nghiệp. Định kì hàng năm hoặc 2 năm, họ phải thực hiện sát hạch để kiểm tra năng lực.

"Công tác đạo đức nghề nghiệp trong ngành này rất quan trọng bằng một “trái tim nóng, cái đầu lạnh”. Đây là ngành làm dâu trăm họ khi phải phục vụ rất nhiều hành khách", Trưởng phòng an ninh hàng không chia sẻ thêm.

Các nhân viên hàng không cần hành xử về mặt đạo đức, văn hoá thông tin. Một số người làm công tác an toàn bay thì đạo đức nghề nghiệp là quan trọng nhất để đảm bảo sự an toàn như những người làm công tác soi chiếu, kiểm soát hàng không dân dụng.

Giấy tờ tuỳ thân - mảnh đất để trục lợi

Năm 2022, Hàng không Việt Nam vừa có một đợt thanh sát của ICAO trong đánh việc tuân thủ các tiêu chuẩn hàng không dân dụng quốc tế, khiến ai đi tàu bay cũng đều có những lo lắng.

ngành hàng không
Ông Tô Tử Hùng, Trưởng Phòng An ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam

Tuy nhiên, ông Tô Tử Hùng khẳng định, khách hàng có thể an tâm vì tính từ vụ tai nạn hàng không cuối cùng, tại Việt Nam hơn 20 năm trở lại đây không có vụ tai nạn hàng không gây chết người.

Hiện nay, vấn đề giấy tờ nhân thân rất quan trọng khi sử dụng dịch vụ hàng không, mang tính bắt buộc về mặt pháp luật. Người dân bắt buộc phải tìm hiểu kĩ các quy định pháp luật trước khi bay.

Tại Việt Nam cũng có những quy định rất rõ ràng về việc mang giấy tờ tuỳ thân khi lên tàu bay, trong đó có khoảng 14 loại giấy tờ chứng minh nhân thân khi bay trong nước.

Khi đi quốc tế, bắt buộc phải có giấy tờ nhận dạng ảnh… Các loại giấy tờ này giúp các nhân viên hàng không đánh giá về mặt tiêu chí của những hành khách đi tàu bay có đúng người đó hay không.

Việc xác thực nhân thân rất quan trọng, giấy tờ tuỳ thân còn liên quan đến việc bồi thường nếu tàu bay có sự cố. Bên cạnh đó, giấy tờ tuỳ thân còn liên quan đến việc đảm bảo an toàn bay. Khi xử lí các tình huống xảy ra như hành khách không có đủ các giấy tờ yêu cầu, có rất nhiều cách ở sân bay cũng như hãng hàng không và nhiều cơ quan cũng có thể tham gia xác minh.

"Tôi khẳng định, không có sự trục lợi từ hệ thống “làm ngơ” của các cấp lãnh đạo.  Quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam là chúng tôi không ngừng, không nghỉ, kiên quyết, kiên trì, không vùng cấm, thể hiện trong hàng loạt văn bản chúng tôi đã nêu", vị trưởng phòng nhấn mạnh. 

Dẫu hàng không Việt Nam có làm rất tốt nhưng những yếu tố tạo thuận lợi cho người làm sai vẫn tồn tại đâu đó. Trong năm nay, đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cho thấy, lượng hành khách toàn cầu tăng 88% so với trước đại dịch. Việc đi lại sau đại dịch cũng tăng lên rất nhiều.

ngành hàng không
Sự thiếu hiểu biết là mảnh đất sinh sôi cho các trường hợp bị lợi dụng, trục lợi. Ảnh minh hoạ

Trong nội địa, để tạo điều kiện cho hành khách, ngành hàng không có rất nhiều loại giấy tờ để chứng minh nhân thân hành khách. Tuy nhiên sự thiếu hiểu biết là mảnh đất sinh sôi cho các trường hợp bị lợi dụng, trục lợi.

"Do đó, chúng tôi cũng có đường dây nóng để bất cứ hành khách và người dân nào đều có thể phản ánh trên website của Cục Hàng không Việt Nam", ông Hùng cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm