Lợi nhuận khủng của Tân Thuận - IPC đến từ đâu?

Theo BCTC kiểm toán riêng năm 2018, Tân Thuận - IPC ghi nhận doanh thu chỉ 13 tỷ đồng nhưng khoản cổ tức và lợi nhuận được chia lên đến 626 tỷ đồng là yếu tố chính giúp doanh nghiệp báo lãi gần 666 tỷ
Lợi nhuận khủng của Tân Thuận - IPC đến từ đâu?

Tính tới ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) đạt 5.300 tỷ  đồng trong đó tiền gửi ngân hàng là gần 900 tỷ, đầu tư tài chính dài hạn gần 1.600 tỷ đồng, chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 1.500 tỷ phần lớn nằm ở dự án của các đơn vị thành viên, phải thu cổ tức 445 tỷ đồng từ Phú Mỹ Hưng.

Như vậy, cơ cấu tài sản của Tân Thuận chủ yếu thực hiện đầu tư tài chính. Nợ phải trả cuối năm 2018 của Tân Thuận là 967 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp này không còn bất kỳ khoản nợ vay tài chính nào (năm 2017, công ty vay ngắn hạn 100 tỷ đồng). Tân Thuận có 1.275 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.

IPC hiện có 8 khoản đầu tư vào công ty liên doanh – liên kết với giá trị thuần xấp xỉ 1.450 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư để sở hữu 30% vốn điều lệ Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng trị giá hơn 250 tỷ đồng.

Phú Mỹ Hưng là “gà đẻ trứng vàng” cho Tân Thuận khi chỉ riêng khoản cổ tức nhận về mỗi năm cũng đạt trên 400 tỷ đồng và là nguồn lợi nhuận lớn nhất của IPC.

Một khoản đầu tư đáng chú ý khác là CTCP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). Tân Thuận đầu tư gần 75 tỷ đồng vào Sadeco, tương ứng chiếm 28,77% vốn. Tuy nhiên đến đầu tháng 1/2019, cổ đông chiến lược Nguyễn Kim chấm dứt hợp tác và hoàn trả số tiền đầu tư, do vậy tỷ lệ sở hữu của IPC có thể thay đổi sau khi nhận được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Sadeco là đơn vị phát triển Khu dân cư An Phú Tây, đang là khoản mục hàng tồn kho lớn nhất của Tân Thuận với giá trị 220 tỷ (tổng tồn kho của IPC là 223 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Tân Thuận đang nắm lượng lớn cổ phần tại 2 doanh nghiệp Khu công nghiệp trên thị trường chứng khoán là CTCP Long Hậu (mã: LHG) và CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước (mã: HPI).

Phần lớn các công ty liên doanh – liên kết còn lại đều hoạt động trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp và đô thị như Sadeco, Sepzone – Linh Trung, Long Hậu... và mang về cho IPC lợi nhuận cổ tức khoảng 180 tỷ đồng.

Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2015 - 2017 cho thấy lợi nhuận trước thuế bình quân đạt 808 tỷ đồng mỗi năm. Nếu loại trừ ảnh hưởng từ cổ tức của Phú Mỹ Hưng thì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân đạt 15%.

Điểm nhấn trong chuỗi tăng trưởng của doanh nghiệp giữ vai trò tiên phong phát triển cơ sở hạ tầng phía Nam thành phố rơi vào năm 2015 khi doanh thu tăng gấp 18 lần năm trước, lên 1.138 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do công ty thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM về việc thu lợi tức 1.637 tỷ đồng từ Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho đối tác liên doanh tăng vốn điều lệ, công ty đã đề xuất và được thành phố chấp thuận chủ trương thu một phần tương ứng hơn 750 tỷ đồng.

IPC là doanh nghiệp do UBND TP HCM sở hữu 100% vốn điều lệ, được thành lập vào năm 1993 có vốn điều lệ 2.926 tỷ đồng. Ngày 14/5, Công an TP HCM đã bắt giam ông Tề Trí Dũng (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC) về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Sau đó, Cơ quan này cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc CTCP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) - công ty liên kết của IPC của để điều tra về tội danh "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".

>> Nhiều cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo Công ty Tân Thuận bị kỷ luật

Có thể bạn quan tâm