Mỗi tuần một cổ phiếu: Đã đến lúc "xuống tiền" vào AGG của Bất động sản An Gia?

Dựa trên triển vọng phân khúc nhà trung cấp của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia, Chứng khoán Mirea Asset khuyến nghị mua cổ phiếu AGG với giá mục tiêu 33.250 đồng/cp. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn còn nhiều băn khoăn với mã cổ phiếu này.
Mỗi tuần một cổ phiếu: Đã đến lúc "xuống tiền" vào AGG của Bất động sản An Gia?

Theo Mirea Asset, các dự án của An Gia đều có tốc độ bán hàng cao (trên 80% trong vòng 1 năm) do công ty đã dần tạo thương hiệu uy tín trên thị trường, ngoài ra tốc độ xây dựng và bàn giao nhà nhanh (nhanh hơn từ 6 tháng đến 1 năm so với mặt bằng chung) do tập trung vào các khu vực vùng ven cũng góp phần giúp An Gia có lợi thế, tạo giá trị cho người mua nhà.

Tiềm năng hiện hữu

Trong năm 2020, Mirea Asset dự đoán phân khúc trung cấp (nhu cầu nhà ở cho người thu nhập trung bình) sẽ tiếp tục thu hút thị trường, chiếm khoảng 70% tổng lượng cung của TPHCM. Do đó những dự án AGG vốn tập trung ở khu vực vùng ven có giá chỉ từ 30 - 40 triệu đồng /m2 được Mirae Asset dự đoán sẽ được thị trường săn đón trong năm 2020 và 2021.

Bên cạnh đó, An Gia còn hưởng lợi lớn từ nghị định mới về Condotel với việc loại hình condotel được cấp “sổ đỏ” theo văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ khiến thị trường của loại hình bất động sản này minh bạch hơn và tạo ra cú kích thích lớn đối với nhu cầu của nhà đầu tư thứ cấp.

Một số dự án của An Gia có loại hình condotel này, điển hình như dự án The Sóng tại Vũng Tàu, và động thái này của nhà nước sẽ giúp An Gia thu hút thêm khách hàng tới các sản phẩm condotel của công ty.

Ngoài ra, An Gia còn có chỉ số lợi nhuận cao với sự hỗ trợ tài chính từ các đối tác như Creed, Hoosier, Ricons; tốc độ xây dựng và bàn giao nhà nhanh, cùng giá tiền phù hợp khiến các chỉ số tài chính của AGG đều rất tốt so với trung bình ngành, cụ thể tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 235% trong 5 năm qua (và mục tiêu 89% trong 5 năm tới), ROE và ROA đạt lần lượt đạt 28,4% và 8,5%, cao hơn các công ty cạnh tranh. Đặc biệt tỷ suất thu nhập nội bộ của các dự án của Bất động sản An Gia đạt trung bình 70%, cá biệt có dự án lên đến 170%.

Với sự trợ giúp lớn về mặt tài chính từ 2 đối tác là Hoosiers và Creed Investment, An Gia trong các năm qua gần như hiện nay ngoài những dự án đã mở bán và sẽ bàn giao trong năm 2020 như River Panorama 1&2 thì An Gia cũng còn gần 9.000 căn hộ chuẩn bị được chào bán, trong đó chủ yếu ở dự án D7 và dự án West Gate Park. Đặc biệt dự án D7 được dự tính là dự án lớn nhất của An Gia tính đến thời điểm hiện tại, hứa hẹn đóng góp doanh thu hơn 9.100 tỷ đồng và sẽ hoàn thành bàn giao vào năm 2025.

Bên cạnh đó An Gia cũng tích cực mở rộng quỹ đất bằng các khoản vay dài hạn, dự tính trong 3 năm tiếp theo An Gia sẽ thâu tóm thêm 32.000 căn hộ nữa, chủ yếu tập trung ở khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Nhưng cũng không ít rủi ro

Ngày 9/1/2020, cổ phiếu AGG chính thức giao dịch trên HoSE với tổng số lượng là 75 triệu cổ phiếu có giá tham chiếu là 25.000 đồng/cp, vốn hóa thị trường của An Gia đạt 2.250 tỷ đồng,vượt qua nhiều đại gia trong ngành bất động sản như Sacomreal, Đức Long Gia Lai, Bất động sản Thế Kỷ, bằng 2/3 vốn hóa của FLC…

Sau khi tăng mạnh vượt mức giá 30.000 đồng/cp trong những phiên đầu tiên, hiện AGG đã điều chỉnh về mức 27.100 đồng/cp, cách khá xa mức giá mục tiêu mà Mirae Asset đưa ra.

Dù tiềm năng của An Gia đã được chỉ rõ nhưng cần phải nhắc lại thời điểm mà AGG chuẩn bị lên sàn, nhiều ý kiến đã tỏ ra lo ngại với sự "lớn nhanh như thổi" của doanh nghiệp này. Thực tế, chỉ sau khoảng thời gian ngắn từ một công ty môi giới bất động sản không tên tuổi trên thị trường bất động sản, An Gia đã vượt mặt nhiều "đàn anh" trở thành một ông lớn.

Và chính sự hỗ trợ quá lớn của các đối tác chiến lược cũng là một điểm khiến nhiều nhà đầu tư "lăn tăn" bởi một doanh nghiệp có mức vốn chủ sở hữu khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng vẫn tham gia phát triển các dự án có tổng quy mô đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Có một "hồ sơ đẹp" trước khi lên sàn là điều mà doanh nghiệp nào cũng mong muốn có được nhưng đã có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết cũng có một quá khứ “hoành tráng” nhưng rồi “lụn bại” dần sau khi niêm yết và hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn hoặc kết quả không thành công như mong đợi.

Có thể kể đến như Địa ốc Hoàng Quân (mã: HQC), Quốc Cường Gia Lai (mã: QCG), Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG), Đức Long Gia Lai (mã: DLG), Itaco (mã: ITA), FLC (mã: FLC), An Dương Thảo Điền (mã: HAR)… 

Đây đều là những "ông kẹ" trên sàn chứng khoán một thời nhưng đang rơi vào tình cảnh lụi bại theo năm tháng. Những doanh nghiệp bất động sàn này đã không thể vực dậy được dù đang có quỹ đất lớn và thị trường bất động sản khởi sắc thời gian qua.

Đặc biệt, việc An Gia đang sử dụng đòn bẩy tài chính cao để đầu tư các dự án có nguy cơ dẫn đến những rủi ro rất lớn. Những rủi ro này càng tăng lên khi mà rất có thể trình độ quản lý của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp xuất thân từ môi giới này có thể không thể theo kịp với tốc độ phát triển và quy mô của công ty.

An Gia hiện đã có hàng chục công ty con và công ty liên kết. Chỉ riêng ông Nguyễn Bá Sáng đang làm Chủ tịch HĐQT của 5 Công ty và Tổng Giám đốc của 9 công ty cho thấy một mô hình quản trị chứa đựng rất nhiều rủi ro.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm