Một người đàn ông Trung Quốc trở thành tỷ phú đôla nhờ… nước

Đế chế nước đóng chai Nongfu Spring giúp tỷ phú Zhong Shanshan xây dựng nên khối tài sản ròng khoảng 63 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Một người đàn ông Trung Quốc trở thành tỷ phú đôla nhờ… nước

Dãy núi Wuyi phủ đầy sương mù và rừng rậm gần như không thay đổi trong suốt nhiều thiên niên kỷ nằm ở miền nam Trung Quốc. Nơi đây được công nhận là Di sản Thế giới UNESCO và hầu như không có nhiều dấu hiệu về sự định cư của con người, ngoại trừ một vài ngôi đền Đạo giáo cổ đại.

"NGƯỜI VẬN CHUYỂN" CỦA THIÊN NHIÊN

Ngoài ra, còn có một nhà máy hình chữ nhật màu vàng tươi nằm giữa khung cảnh cây xanh tươi tốt, giống như một khối Lego bị bỏ lại trên bãi cỏ. Nổi bật bên ngoài là cái tên Nongfu Spring, thương hiệu nước đóng chai dễ nhận biết nhất tại Trung Quốc. Hơn 1 triệu tấn nước ngọt được bơm từ các khu rừng nguyên sinh của Wuyi mỗi năm được chuyển đến cơ sở này, nơi nước được đóng chai, đậy nắp màu đỏ đặc trưng của công ty và vận chuyển đến các cửa hàng tiện lợi và siêu thị trong cả nước.

Mỗi chai nước nhựa rời khỏi địa điểm này và 11 điểm khai thác khác của Nongfu Spring ở Trung Quốc đều được dùng để xây dựng đế chế nước đóng chai thuộc sở hữu của người giàu nhất đất nước. Zhong Shanshan, một cựu nhà báo, người bắt đầu tích lũy tài sản từ ba thập kỷ trước nhờ bán thực phẩm bổ sung sức khỏe hiện có tài sản ròng khoảng 63 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index, vượt xa cả những người sáng lập TikTok và Alibaba Group Holding. Khối tài sản khổng lồ này được xây dựng từ việc lấy nước từ một số hồ, núi, suối và thác nước tại Trung Quốc và bán cho tầng lớp trung lưu đang phát triển của quốc gia.

Khẩu hiệu của Nongfu là “Chúng tôi không sản xuất nước, chúng tôi chỉ là người vận chuyển của thiên nhiên” cũng nổi tiếng ở Trung Quốc như những câu slogan nổi tiếng khác như “Cứ làm đi” của Nike... Tuy nhiên, việc lấy nước từ những nơi trước đây chưa bị ảnh hưởng đã gây bất bình cho người dân địa phương và thậm chí gây ra các vụ kiện tụng khi cộng đồng lo lắng về tác động môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu nhanh chóng. Năm ngoái, Trung Quốc đã trải qua mùa hè nóng nhất trong sáu thập kỷ.

1200x674.jpg
Một trong số những nhà máy nước đóng chai của Nongfu.

Ở Wuyi, những người nông dân trồng chè phải vật lộn để duy trì mùa màng, rừng tre khô cằn và khách du lịch đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của khu vực đều được chào đón bởi những dòng suối gần cạn khô nước. Tại hồ Wanlv ở tỉnh Quảng Đông ở phía nam, nơi Nongfu và các công ty nước khác đã hoạt động từ lâu, mực nước đã rút đi rất nhiều trong đợt hạn hán năm 2021 đến nỗi các di tích cổ từ triều đại nhà Minh và nhà Thanh đã được phát hiện dưới lòng hồ.

Các nhà khoa học được Liên hợp quốc hậu thuẫn đã cảnh báo rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể sẽ khiến những đợt hạn hán như ở Trung Quốc kéo dài hơn và thường xuyên hơn. Lời cảnh báo đó đã làm tăng thêm sự vội vã của các nhà đầu tư và tập đoàn trên khắp thế giới nhằm ngăn chặn việc kiếm tiền từ một trong những tài nguyên quý giá nhất của Trái đất: Nước.

Ở những nơi đã phải chịu đựng căng thẳng về nước, chẳng hạn như Wuyi, hậu quả có thể rất nặng nề. Qiang Huanrong, sống gần địa điểm khai thác nước của Nongfu bên dãy núi Wuyi, đã nhiều năm đấu tranh chống lại hoạt động của công ty. “Đây là sự độc quyền về nước”, Qiang nói. “Tại sao tài nguyên nước lại trở thành công cụ làm giàu của họ?”

Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Trung Quốc là nước tiêu thụ nước đóng chai lớn nhất thế giới và tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng dự kiến ​​sẽ vượt xa mức tăng trưởng ở Mỹ và Tây Âu trong hai năm tới. Ở hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc, nước đóng chai không chỉ đơn thuần là một cách thuận tiện để bổ sung nước khi di chuyển; đó là một điều cần thiết. Nhiều hộ gia đình được giao thùng 20 lít thường xuyên để uống và nấu ăn, do chính phủ đưa ra cảnh báo khuyến cáo không nên uống trực tiếp nước máy. Tiềm năng tăng trưởng đó đã khiến Nongfu có đợt IPO nhất trong một thập kỷ khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông vào năm 2020.

Giá cổ phiếu của công ty đã tăng hơn gấp đôi kể từ đó, đưa Zhong, người sở hữu 84% cổ phần công ty lên vị trí cao trong số những người siêu giàu trên thế giới.

Để Zhong tiếp tục gia tăng sự giàu có và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, ông sẽ phải tìm thêm nhiều nguồn nước hơn nữa. Theo dữ liệu hàng năm mới nhất của công ty, vào năm 2019, Nongfu đã khai thác 33 triệu mét khối nước - đủ để lấp đầy 13.000 bể bơi cỡ Olympic - từ 10 nguồn khác nhau. Kể từ đó, họ đã bổ sung thêm hai nguồn, với một nguồn thứ ba đang được xây dựng và đang tìm kiếm các địa điểm mới ở New Zealand và Tây Tạng.

Zhong sinh năm 1954 tại một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Chiết Giang, miền Trung Trung Quốc. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình tại một tờ báo nhà nước trong thời kỳ tự do hóa kinh tế. Năm 1985, ông viết một câu chuyện kể về hành trình của Hong Mengxue, một kỹ sư thực phẩm rời một nhà máy quốc doanh để tham gia kinh doanh nhỏ. Ba năm sau, Zhong bỏ công việc ổn định của mình và sau một số dự án kinh doanh thất bại, Zhong bắt đầu bán một sản phẩm dinh dưỡng vào năm 1993. Zhong tuyên bố thực phẩm bổ sung được làm từ thịt rùa giúp tăng cường khả năng miễn dịch và giảm bớt chứng mất ngủ.

Thành công của công ty đó đã giúp Zhong có vốn để thành lập Nongfu vào năm 1996. Thời gian làm nhà báo đã dạy cho ông một bài học quan trọng: “Danh tiếng của một công ty trong nền kinh tế thị trường lớn hơn cả tài sản cố định. Nếu danh tiếng xấu thì chẳng có gì có thể bán được”.

Khẩu hiệu của Nongfu là “Chúng tôi không sản xuất nước, chúng tôi chỉ là phu vác của thiên nhiên”.

Nỗi ám ảnh về hình ảnh đó vẫn tồn tại khi Nongfu khẳng định được tên tuổi của mình. Các chai nước của hãng, được bán với giá 2 nhân dân tệ mỗi chai, đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Khi công ty mở rộng sang các sản phẩm cao cấp hơn, Zhong đã dành ba năm làm việc với năm nhà thiết kế để tạo ra một loạt chai thủy tinh đựng nước suối cao cấp từ những khu rừng nguyên sinh của dãy núi Trường Bạch. Cuối năm đó, những chiếc chai này xuất hiện trong các bức ảnh từ bữa tối cấp nhà nước do Chủ tịch Tập Cận Bình tổ chức dành cho các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh G20.

Theo một nhân viên thường xuyên tham dự các cuộc họp với ông, Zhong vẫn tham gia sâu vào các quyết định tiếp thị cho nước đóng chai của Nongfu và ông luôn quan niệm sản phẩm phải “hoàn hảo”. Họ nhớ lại thời điểm Zhong yêu cầu mọi người bắt đầu lại chiến dịch vào phút cuối vì ông “không hài lòng 100%”. Dưới sự giám sát của Zhong, Nongfu đã giới thiệu các sản phẩm mới lạ đắt tiền bao gồm nước cho trẻ sơ sinh (từ “dây chuyền sản xuất tiệt trùng”) và nước pha trà (với “độ axit tối ưu”). Công ty cũng đã chuyển sang các loại đồ uống khác, chẳng hạn như trà phương Đông, nước tăng lực và nước trái cây được sản xuất từ ​​chính vườn cây ăn trái của mình.

TỶ PHÚ KÍN TIẾNG

Sự thống trị của Nongfu bắt nguồn từ một quyết định quan trọng cách đây hai thập kỷ là bán nước chỉ lấy trực tiếp từ nguồn. Công ty đã tuyên bố trong một chiến dịch toàn quốc rằng nước này mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn nước được lọc trong nhà máy. Hơn 60 công ty đối thủ, dẫn đầu là Tập đoàn Wahaha Hàng Châu, đã kháng cáo lên các cơ quan quản lý Trung Quốc vào thời điểm đó, cáo buộc Nongfu phỉ báng và quảng cáo sai sự thật. Zhong bị phạt 200.000 nhân dân tệ, nhưng ông đã giành được thứ lớn hơn nhiều: Chiếm được thị phần lớn trong thị trường nước đóng chai đang nở rộ của cả nước khi hàng loạt người tiêu dùng chuyển sang uống nước suối của Nongfu.

Kể từ đó, Nongfu đã tập trung thông điệp vào nguồn gốc tự nhiên của nước và cảnh quan tuyệt đẹp xung quanh chúng. Một quảng cáo thương mại vào năm 2019 của các nhà làm phim về động vật hoang dã từng đoạt giải Emmy có cảnh những chú hổ con hoang dã đang chơi đùa giữa những tán cây gần Dãy núi Trường Bạch. Một công ty kiến ​​trúc Na Uy đã giúp thiết kế một con đường đi bộ được đóng khung bằng gỗ sáng màu xuyên qua khu vực khai thác nước để du khách có thể trải nghiệm cận cảnh khu rừng cổ thụ.

Trong khi đó, Zhong đã xây dựng hình ảnh của mình như một doanh nhân khiêm tốn chỉ quan tâm đến sự xuất sắc của sản phẩm. Trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, ông thường được gọi là “con sói đơn độc”, một danh hiệu mà ông vui vẻ đón nhận vì thích đưa ra quyết định một mình và hiếm khi xuất hiện trước công chúng.

1200x533.jpg
Nước đóng chai Nongfu phổ biến khắp Trung Quốc.

Những người đã gặp Zhong đều mô tả ông là người trầm tính và thực tế. Ông ăn một mình trong căng tin của công ty - không có đoàn tùy tùng nào xuất hiện - và ăn mặc đơn giản với áo phông và giày thể thao. Xiaoyi Gu, giám đốc dự án tại Atelier Brückner, đơn vị thiết kế không gian triển lãm tại nhà máy Trường Bạch của Nongfu cho biết: “Ông ấy trông rất bình thường. Tôi không cảm thấy ông ấy giàu đến thế”.

Một trong số ít lần giới truyền thông kích động phản ứng của Zhong là vào năm 2013, khi một tờ báo ở Bắc Kinh đặt câu hỏi về chất lượng sản phẩm của Nongfu. Zhong chuẩn bị bài thuyết trình dài 100 slide để phản hồi và liên tục uống nước Nongfu trong suốt cuộc họp báo kéo dài ba giờ. Ông đóng cửa nhà máy của Nongfu ở Bắc Kinh, kiện tờ báo vì tội phỉ báng và đăng quảng cáo trên hàng trăm cơ quan báo chí khắp cả nước chào mời kết quả từ các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm do công ty tổ chức.

Việc luôn kín tiếng cũng giúp ích cho Zhong, vì các tỷ phú Trung Quốc khác, bao gồm cả người đồng sáng lập Alibaba Jack Ma, đã phải đối mặt với hậu quả khủng khiếp vì phô trương sự giàu có của họ. Zhong cũng đã đưa ra lựa chọn sáng suốt là tránh xa lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực mang lại vận may cho nhiều đồng nghiệp của ông. “Bong bóng này sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc phải chịu gánh nặng đáng kể trong tương lai”, ông nói trong cuộc phỏng vấn năm 2015, một cảnh báo gần như đúng 100% khi mà Trung Quốc đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản toàn nền kinh tế do các nhà phát triển có đòn bẩy tài chính quá cao gây ra.

Nongfu cũng vẫn là một doanh nghiệp kinh doanh truyền thống trong bối cảnh sự bùng nổ internet đang tái tạo nền kinh tế Trung Quốc. Zhong cho biết ông ngưỡng mộ người sáng lập Apple là Steve Jobs và Giám đốc điều hành Huawei Technologies Co. Ren Zhengfei, những công ty tập trung vào phát triển các sản phẩm tiêu dùng và chuỗi cung ứng cao cấp hơn là nền tảng truyền thông xã hội hoặc thương mại điện tử.

“Công ty internet lớn nhất thế giới không phải là một công ty internet của Trung Quốc”, Zhong nói với Phoenix TV. “Hãy nhìn những gì Apple đang làm. Họ đã mở nhiều cửa hàng vật lý hơn để gần gũi với người tiêu dùng”.

Xem thêm

Tài sản ròng của nữ ca sĩ Taylor Swift hiện ở mức 1,1 tỷ USD

Taylor Swift chính thức gia nhập hàng ngũ tỷ phú USD

Bloomberg Billionaires Index cho biết tổng giá trị tài sản ròng của Taylor Swift đã được nâng lên mức 1,1 tỷ USD nhờ chuyến lưu diễn bùng nổ “The Eras Tour” đã giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ thời gian vừa qua…

Có thể bạn quan tâm

Doanh nhân Võ Thành Đàng: Đường Quảng Ngãi tăng sức cạnh tranh nhờ chuyển đổi số

Doanh nhân Võ Thành Đàng: Đường Quảng Ngãi tăng sức cạnh tranh nhờ chuyển đổi số

Là một trong những nhà máy sản xuất đường lớn nhất Việt Nam, trong những năm qua, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) đã tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản trị điều hành cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp tăng hiệu quả, giảm kinh phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm...

Kamala Harris: Người phụ nữ da màu quyền lực nhất nước Mỹ

Kamala Harris: Người phụ nữ da màu quyền lực nhất nước Mỹ

Bà Kamala Harris, Phó Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, đã trở thành biểu tượng của sự bình đẳng, công lý và tiến bộ. Trong bối cảnh chính trị hiện nay, bà Harris không chỉ là người kế thừa vị trí của Tổng thống Joe Biden mà còn là niềm hy vọng mới cho tương lai của nước Mỹ…

Soi lương các CFO hàng đầu thế giới

Soi lương các CFO hàng đầu thế giới

Lương trung bình của các Giám đốc Tài chính (CFO) đã tăng gần 8,5% vào 2023 khi các ưu đãi dựa trên cổ phiếu được các tập đoàn sử dụng nhiều hơn để giữ người thay vì một mức lương cứng cụ thể...

Sếp Amazon: Để Việt Nam bước ra toàn cầu cần có kiềng 3 chân

Sếp Amazon: Để Việt Nam bước ra toàn cầu cần có kiềng 3 chân

Để Việt Nam bước ra toàn cầu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới cần kiềng 3 chân: Năng lực sản xuất, dựa trên lợi thế các sản vật, nguyên vật liệu địa phương; kết hợp và thấm nhuần các kỹ năng online để vận hành doanh nghiệp trên môi trường TMĐT và làm thương hiệu...