Vào chiều ngày 2/4, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra thông báo về việc áp dụng chính sách thuế đối ứng với tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ, trong đó, nhắm mục tiêu vào các đối tác thương mại lớn như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, EU…
Động thái này được cho là sẽ tác động sâu rộng đến nền kinh tế, gây tổn thất lớn đối với nông dân, công nhân ngành ô tô và các chủ doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ.
Ông John Boyd Jr., một nông dân thế hệ thứ tư ở Virginia và Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Da đen Mỹ (National Black Farmers Association) cho biết nhu cầu đối với ngô, lúa mì và đậu nành đều đã lao dốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người nông dân.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định chuyên gia đã sai lầm về thuế quan của ông ngay từ đầu và những lo ngại hiện tại là không có cơ sở. Ông tin rằng đây là cách bảo vệ người nông dân và chủ trang trại Mỹ trước tình trạng thuế nhập khẩu cao từ các đối tác như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Da đen Mỹ John Boyd Jr. lại tỏ ra thất vọng vì những người nông dân từng giúp Tổng thống đắc cử nay lại là nhóm chịu thiệt thòi nhất. Ông lo rằng các quốc gia khác sẽ tìm kiếm nguồn cung thay thế, ví dụ như Brazil, một đối thủ cạnh tranh lớn của Mỹ trong ngành nông sản.
Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng vào tuần trước, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Brooke Rollins thừa nhận rằng người nông dân và chủ trang trại sẽ phải đối mặt với một giai đoạn bất ổn ngắn hạn. Trước mắt, chính phủ Mỹ đang chuẩn bị các chương trình hỗ trợ để giảm thiểu tác động kinh tế. Dù vậy, có ý kiến cho rằng ngay cả khi có viện trợ, nhiều nông dân vẫn đứng trước nguy cơ phải đóng cửa trang trại của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) cảnh báo các chính sách sẽ gây thêm lo lắng và bất ổn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Họ nhấn mạnh, thuế quan thường không do các quốc gia hay nhà cung cấp nước ngoài chi trả, mà là do các nhà nhập khẩu Mỹ gánh chịu. “Việc áp thuế là một quyết định lớn, đòi hỏi phải có thông báo trước và sự chuẩn bị đáng kể. Hàng triệu doanh nghiệp Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp”, NRF bình luận.
Ông David Mauro, nhà sáng lập công ty đồ chơi Jesusdoll.com, tiết lộ rằng ông đang phải đối mặt với khoản thuế 38.000 USD cho lô hàng trị giá 60.000 USD từ Trung Quốc về Mỹ. "Điều này rất khó khăn với doanh nghiệp nhỏ. Chúng tôi có thể phải vay tiền, thậm chí là sử dụng tiền tiết kiệm để dành cho con cái, nhưng vẫn phải tăng giá bán để bù lỗ. Giá tăng thì doanh số giảm”, ông David Mauro chia sẻ.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia Mỹ (NAM), họ vẫn đang phân tích thêm về tác động cụ thể từ các mức thuế này. Chủ tịch Jay Timmons quan sát thấy chi phí tăng cao từ thuế quan mới có thể đe dọa đến đầu tư, việc làm, chuỗi cung ứng và rộng hơn là khả năng cạnh tranh của Mỹ trên toàn cầu, cũng như vị thế siêu cường sản xuất hàng đầu thế giới.

Ngành công nghiệp ô tô Mỹ cũng không tránh khỏi hệ luỵ. Bà Mira Zeigler-Moore, một công nhân tại Stellantis, tập đoàn sở hữu thương hiệu Chrysler, Dodge, Jeep, đã bị sa thải trong đợt cắt giảm lao động gần đây. Khi Mỹ áp thuế 25% lên xe hơi và linh kiện nhập khẩu, Stellantis tuyên bố sẽ tiếp tục đánh giá tác động dài hạn và buộc phải sa thải tạm thời 900 nhân viên tại 5 nhà máy ở Mỹ.
“Đây là một thảm họa đối với các gia đình Mỹ,” ông Matt Priest, Chủ tịch kiêm CEO của Hiệp hội các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ, nhận định. “Chúng tôi hy vọng tổng thống sẽ có cách tiếp cận có mục tiêu hơn, nhưng các mức thuế diện rộng này chỉ khiến chi phí tăng cao, giảm chất lượng sản phẩm và làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng.”
Mặt khác, một số phản ứng khác có phần ôn hòa hơn, thậm chí mang tính tích cực, điển hình như tại ngành công nghiệp tôm của Mỹ. Liên minh Tôm miền Nam, đại diện cho các doanh nghiệp tôm tại nhiều bang như Alabama, Florida, Georgia và Texas, cho rằng động thái này giúp ngành tôm nội địa đối phó với tình trạng cạnh tranh không công bằng từ Ấn Độ, Ecuador và Indonesia.
Bà Leann Bosarge, thành viên hội đồng quản trị của liên minh nhấn mạnh, ngành tôm Mỹ đã đấu tranh suốt hai thập kỷ để chống lại thương mại bất công và đây là lần đầu tiên họ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền.