Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ước tính năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục với khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 (8,89 tỷ USD), tăng 22,2% so với kế hoạch (9 tỷ USD). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 4,1- 4,2 tỷ USD (tăng khoảng 13% so với năm 2021); cá tra đạt 2,35 tỷ USD (tăng khoảng 70% so với năm 2021).
Giá trị sản xuất thủy sản cũng có tốc độ tăng trưởng nhẹ. Cụ thể, sản xuất thủy sản tăng 3% so với năm 2021, tổng sản lượng đạt 9,06 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn; nuôi trồng đạt 5,19 triệu tấn.
Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản – đánh giá, trong năm 2022, ngành thủy sản đã xử lý tốt những vấn đề mang tính phát sinh, nhất là về thị trường. Trong đó, khi tình hình dịch Covid-19 có dấu hiệu lắng xuống, ngành thủy sản đã nhanh chóng tiếp cận thị trường ngoài nước, đồng thời, thúc đẩy thị trường trong nước.
Với kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới và cũng là mốc xuất khẩu cao nhất lịch sử.
Tuy nhiên, trong năm 2023, ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đơn cử như tháo gỡ thẻ vàng IUU. Đồng thời, Việt Nam sẽ phải nỗ lực tận dụng để chuẩn hóa quá trình sản xuất trong nước, nhất là về phần dữ liệu để phục vụ cho sản xuất.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho rằng, tốc độ xuất khẩu trong quý I/2023 sẽ bị sụt giảm. Các doanh nghiệp hiện chưa có thêm đơn hàng trong I/2023. Các doanh nghiệp rất hy vọng sẽ có đơn hàng quý II/2023 hoặc ít nhất là nửa cuối năm 2023 nhu cầu thị trường sẽ hồi phục.
Chính vì vậy, năm 2023, ngành thủy sản chỉ đặt mục tiêu tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,3 triệu ha; tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,74 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 10 tỷ USD.