Nghị quyết 98 với TP.HCM: Cơ chế “tự quyết” cần lãnh đạo “dám quyết”

Nghị quyết 98 được xem là chìa khóa mở ra cơ hội phát triển mới mang tính đột phá cho TP.HCM. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
tphcm-1-6906.jpg
Mục tiêu của Nghị quyết 98 là đưa TP.HCM trở lại quỹ đạo phát triển với tư cách đầu tàu kinh tế của cả nước

Để khơi thông nguồn lực cho phát triển, mang đến làn gió tươi mới, thành phố lớn nhất cả nước phải chủ động hơn nữa, trong đó không thể thiếu là tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, thậm chí là “xé rào”, hành động táo bạo đã từng giúp thành phố trẻ vượt khó.

Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Mục tiêu của Nghị quyết 98 là đưa TP.HCM trở lại quỹ đạo phát triển với tư cách đầu tàu kinh tế của cả nước.

TĂNG TRƯỞNG NHƯNG KHÔNG ĐỘT PHÁ

Cơn bạo bệnh mang tên “Covid-19” đã kéo kinh tế TP.HCM xuống đáy vào năm 2021 với mức tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) âm 6,78% lần đầu tiên trong lịch sử kể từ giai đoạn đổi mới. Năm 2022, kinh tế TP.HCM phục hồi ngoạn mục với mức tăng trưởng hơn 9%, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước.

Dù lạc quan với mức tăng trưởng cao đã đạt được của năm 2022 nhưng trước những bất ổn đến từ tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới và những thách thức đến từ nội tại của nền kinh tế, TP.HCM đã chủ động hạ mục tiêu tăng trưởng năm 2023 thấp hơn, ở mức từ 7,5% đến 8%.

Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng chỉ 0,7% trong quý 1/2023 đã gây sốc cho nhiều người. 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm, nặng nhất là ngành bất động sản. Đến giờ, ngành này vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề khi hầu hết các chủ đầu tư, sàn giao dịch, nhà đầu tư đều rơi vào tình trạng khát vốn, buôn bán ế ẩm, nợ như chúa Chổm, phải bán tháo tài sản để trả nợ…

TS.Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, nhận định, kinh tế quý 1 chính là đáy của sự suy giảm và sẽ không có đáy thứ hai sâu hơn.

Quả thực, sau quý 1 đáng thất vọng, TP.HCM đã nỗ lực, ngăn chặn được đà suy giảm, kéo tăng trưởng tăng dần đều qua các quý, dù mức tăng trưởng còn khá khiêm tốn: Quý 2 tăng 5,8%, quý 3 tăng 6,7%, quý 4 bứt phá hơn với 9,6% và cả năm ước tăng 5,8%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 7,5% - 8% đã đặt ra.

Không có sự đột phá nào trong tăng trưởng kinh tế của thành phố trong năm 2023 như kỳ vọng nhưng theo TS.Trần Du Lịch, TP.HCM đã “lội ngược dòng”, đưa GRDP từ chỗ “rơi tự do” trong quý 1 vào quỹ đạo tăng trưởng, đạt đỉnh vào quý 4 dù tình hình rất khó khăn. Điều này cho thấy tiềm lực nội sinh và sức chống chịu mạnh mẽ của nền kinh tế thành phố.

tphcm-2-5571.jpg
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của TP.HCM năm 2024 là 7,5% đến 8%

Thu ngân sách năm 2023 của TP.HCM tính đến 29/12 cũng chỉ đạt 446.545 tỷ đồng, bằng 95,07% dự toán và 94,69% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu thu của thành phố gồm: Thu nội địa (gồm cả dầu thô) là 325.963 tỷ đồng, đạt 100,74% dự toán; Thu từ khu vực kinh tế đạt 190.703 tỷ đồng, đạt 98,22% dự toán và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 120.555 tỷ đồng, đạt 82,69% dự toán, có thể thấy, ảnh hưởng lớn nhất khiến thành phố không đạt mục tiêu ngân sách là hoạt động xuất nhập khẩu với những diễn biến bất ngờ và khó lường của tình hình thế giới.

Riêng ngành thuế, theo ông Nguyễn Nam Bình, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, dù trong bối cảnh hết sức khó khăn, thu thuế của thành phố vẫn cán đích với 323.670 tỷ đồng nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong kê khai, nộp thuế, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý thuế, chống thất thu ngân sách, đẩy mạnh quản lý và thu thuế trên các nền tảng số, thương mại điện tử…

Năm 2024, dự toán thu ngân sách trên địa bàn thành phố là 482.851 tỷ đồng, tăng 2,8% so với dự toán năm 2023. Trong đó, ngành thuế được giao là 351.860 tỷ đồng. “Đây là nhiệm vụ được đặt ra trong bối cảnh rất khó khăn”, ông Nguyễn Nam Bình nhấn mạnh.

LÃNH ĐẠO KHÔNG DÁM QUYẾT, DỰ ÁN "ĐỨNG HÌNH"

Tổng giám đốc một công ty bất động sản có tiếng tại TP.HCM (xin giấu tên) cho biết: Doanh nghiệp của ông có dự án tại TP.Thủ Đức với diện tích 2,7ha, gồm đất ở và đất nông nghiệp, đã hoàn tất đền bù giải phóng mặt bằng 100%; các chỉ tiêu của dự án đều phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, từ ngày nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đến nay đã hơn 4 năm nhưng hồ sơ vẫn chưa được trình lên thành phố mà cứ loanh quanh ở các sở ngành, TP.Thủ Đức chờ ý kiến. Dù lãnh đạo thành phố đã có văn bản chỉ đạo, Sở Kế hoạch Đầu tư cũng đã nhiều lần có văn bản nhắc nhưng UBND TP.Thủ Đức vẫn “bặt vô âm tín”.

“Dự án đã có quỹ đất sạch, các chỉ tiêu xin đầu tư đều phù hợp nhưng chúng tôi không hiểu, lãnh đạo TP.Thủ Đức vì quá nhiều việc hay dự án có vướng mắc gì mà chưa có văn bản trả lời hay yêu cầu gì đối với dự án khiến chúng tôi không biết đường nào mà lần, chỉ biết ngồi chờ”, vị Tổng giám đốc bức xúc và bày tỏ, mong muốn: Nếu dự án có vướng mắc gì thì đề nghị có văn bản để doanh nghiệp hiểu, giải trình, bổ sung…

tphcm-3a-8794.jpg
TP.HCM cần đội ngũ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để triển khai Nghị quyết 98 một cách hiệu quả

Đây là thực trạng của không chỉ một vài mà rất nhiều dự án tại TP.HCM. Doanh nghiệp thì sốt ruột, còn chính quyền thì lại tỏ ra thờ ơ, né tránh, sợ trách nhiệm… Nhìn rộng ra, tình trạng này đang xảy ra ở nhiều nơi, mà vụ việc ông Đỗ Đình Quế, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Đông Dương, chủ đầu tư dự án Vườn Xuân, phải bật khóc một cách tức tưởi khi đối thoại với chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là một điển hình. Doanh nghiệp này cũng không hiểu vì sao, dự án đã qua nhiều lần thanh tra kết luận không sai phạm, cơ sở pháp lý rõ ràng, 6 sở ngành chuyên môn của tỉnh đều đã đồng thuận nhưng UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn không… dám quyết (!?).

Nghị quyết 98 là nghị quyết mới nhất và đầy đủ, toàn diện nhất, với 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực khác nhau, trong đó có đến 6 cơ chế đang trong quá trình trao đổi, thông qua nhưng TP.HCM được đi trước; 27 cơ chế, chính sách chỉ dành riêng cho TP.HCM, chỉ TP.HCM mới có.

“Đó là cơ hội được trao cho TP.HCM với kỳ vọng “đầu tàu” kinh tế của cả nước sẽ trở lại một cách mạnh mẽ”, vị Tổng giám đốc chia sẻ và cho rằng, quyền “tự quyết” phải gắn liền với đội ngũ lãnh đạo “dám quyết”. Đây là điều mà TP.HCM đã thiếu vắng trong thời gian qua, khiến cho “đầu tàu” mất lực, doanh nghiệp mất đi niềm hứng khởi trong sản xuất, kinh doanh.

Hồi tháng 4/2023, trong buổi làm việc giữa đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ và TP.HCM, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết năm 2022: TP.HCM có 584 văn bản hỏi ý kiến và bộ này đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của thành phố.

“Đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy cho nhau”, ông Dũng nói và chỉ thẳng ra rằng: Ngoài các nguyên nhân khách quan thì tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ đợi, thiếu chủ động, sáng tạo, quyết liệt là một trong những lý do khiến kinh tế của TPHCM sụt giảm. Nếu không giải quyết vấn đề này, TP.HCM khó tạo những đột phá về tăng trưởng trong thời gian tới.

CÁCH NÀO KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC?

Khi bàn luận về Nghị quyết 98, TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng nhận ra điểm mấu chốt mang tính quyết định đến sự bứt phá của TP.HCM và cũng là một trong những cơ chế vượt trội của Nghị quyết này. Đó là cho phép TP.HCM có cơ quan chức năng phù hợp với mình; cho phép chủ động biên chế cấp cơ sở…

Chính vì vậy, theo TS.Trần Đình Thiên, TP.HCM cần đẩy mạnh việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức hiệu quả, chịu trách nhiệm cá nhân, công việc có đầu mối rõ ràng… “Đây chính là điều kiện hàng đầu để hiện thực hóa nghị quyết này”, TS.Thiên nhấn mạnh.

TS.Trần Du Lịch cũng đồng quan điểm khi cho rằng để Nghị quyết 98 nhanh chóng đi vào cuộc sống, thành phố cần sớm có dự thảo các nội dung phân cấp, phân quyền rõ ràng, tránh tình trạng có cơ chế đặc thù nhưng vẫn làm theo quy trình cũ. Việc này để bộ máy thấy rõ được việc của mình, không thể hỏi ai khác.

Theo người đứng đầu Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, hiện nay thành phố đang tồn đọng nhiều cái cũ vướng mắc, chưa được xử lý, mà một khi cứ lo cho cái cũ thì làm sao làm được cái mới. Chính vì vậy, ông đề nghị, ngay từ đầu năm phải tháo gỡ một số dự án bất động sản để sớm khởi công, tạo sức bật…

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của TP.HCM năm 2024 là 7,5% đến 8%. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, không dễ để thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng này vì thực tế cho thấy khó khăn đang nhiều hơn thuận lợi.

Theo tham vấn của các chuyên gia, 3 trụ cột chính có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP.HCM là tiêu dùng nội địa, đầu tư công và xuất khẩu. Thành phố cần có những giải pháp phù hợp cho từng yếu tố này. Chẳng hạn, ở trụ cột đầu tư công, điểm nghẽn này cần được khơi thông bằng cách gỡ ngay các vướng mắc pháp lý. Tính đến 5/1/2024, giải ngân đầu tư công của thành phố mới chỉ đạt gần 44.000 tỷ đồng, tương đương 64%, quá thấp so với mục tiêu 68.600 tỷ đồng. Rõ ràng, nếu lượng tiền bị tắc này được khơi thông thì sẽ là một trợ lực lớn cho tổng cầu, thúc đẩy tiêu dùng sôi động…

Trong phiên thảo luận gần đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: Thành phố sẽ tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển theo Nghị quyết 98, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược... để đạt được mục tiêu tăng trưởng, tạo tiền đề để sau 2025, TP.HCM sẽ đạt mức tăng trưởng cao 2 con số.

Tuy nhiên, Nghị quyết 98, theo nhiều chuyên gia kinh tế, có nhiều điểm vượt trội nhưng cần thời gian để “ngấm” từ cơ chế, chính sách đến thực tiễn, tốc độ “ngấm” phụ thuộc vào giải pháp và sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố.

ong-nguyen-van-nen-3270.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định: "Thành phố sẽ thưởng, phạt nghiêm minh, chính xác và kịp thời"

Năm 2023 đã qua đi, nói như Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên là một năm “đầy cảm xúc”. Thành phố được ví như con cá hồi, phải lội ngược dòng. Kinh tế thành phố nhìn vào những con số thì vẫn “tăng đều”, “quý sau cao hơn quý trước” nhưng nhìn vào thực tiễn, bao bộn bề vẫn còn đó. Chủ doanh nghiệp tất tả ngược xuôi lo tiền trả nợ, đảo nợ, buôn bán ế ẩm, hàng quán đóng cửa, trả mặt bằng hàng loạt, ai nấy đều ngược xuôi, vật lộn mưu sinh một cách nhọc nhằn…

“Mình chưa bằng lòng với nhau thì chắc chắn người dân và doanh nghiệp cũng chưa bằng lòng”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói và khẳng định: “Thành phố sẽ thưởng, phạt nghiêm minh, chính xác và kịp thời. Tinh thần là mỗi cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu phải làm đúng và làm tốt việc của mình. Ai làm sai, rủi ro do khách quan, chưa lường hết được thì lãnh đạo thành phố đứng ra chịu trách nhiệm. Còn ai có động cơ cá nhân, vụ lợi, tham nhũng, hối lộ thì phải chịu trách nhiệm cá nhân của mình như những trường hợp đã từng xảy ra”.

Có thể bạn quan tâm