Nguy cơ tắc tín dụng tại dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt

Dù đã đến thời hạn phải huy động vốn theo hợp đồng những dự án xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt theo hình thức PPP, chưa được thu xếp khoản tín dụng trị giá hơn 4.000 tỷ đồng.
Nguy cơ tắc tín dụng tại dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt

Hôm 13/11, đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho hay, hiện nay đã đến thời hạn 2 dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Nha Trang - Cam Lâm phải ký hợp đồng huy động vốn, song mới có dự án Nha Trang - Cam Lâm được đảm bảo. Với dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, Bộ GTVT và nhà đầu tư đang nỗ lực tìm giải pháp, thuyết phục ngân hàng cho vay trong tuần tới.

"Nếu nhà đầu tư Diễn Châu - Bãi Vọt không huy động được vốn tín dụng, Bộ GTVT đành thu hồi dự án theo quy định và báo cáo Chính phủ hướng giải quyết", đại diện Bộ GTVT nói.

Dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt được Bộ GTVT ký hợp đồng BOT ngày 13/5 với nhà đầu tư (Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP tập đoàn Cienco4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty CP đầu tư và xây dựng Vina2) và doanh nghiệp dự án (Công ty cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng). Sau khi ký hợp đồng, để đảm bảo tiến độ, dự án đã được khởi công ngày 22/5.

Tổng vốn đầu tư dự án này là hơn 11.157 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư trên 6.000 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn huy động. Ngoài vốn chủ sở hữu chiếm 20%, nhà đầu tư cần ký kết hợp đồng vay vốn với bên cho vay hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để huy động khoảng 4.067 tỷ đồng thực hiện dự án.

Dự án này gặp khó khăn huy động vốn do trong quá trình đàm phán, phía ngân hàng đã yêu cầu doanh nghiệp trao đổi với Bộ GTVT đưa điều khoản chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82, Luật Đầu tư theo phương thức PPP vào hợp đồng dự án. Mục đích của yêu cầu là Nhà nước phải chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư trong trường hợp dự án bị giảm doanh thu.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, điều khoản này không áp dụng với các dự án được chấp thuận đầu tư trước khi luật PPP có hiệu lực. Do các dự án cao tốc Bắc - Nam được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2017, trong khi luật có hiệu lực từ năm 2021.

Do pháp luật không quy định cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu đối với 3 dự án cao tốc Bắc Nam nên trong chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu trước đó đều không có cơ chế này.

Theo đại diện Bộ GTVT, nhà nước đã chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư bằng cơ chế hỗ trợ vốn trực tiếp từ ngân sách, cả 3 dự án PPP đều có phần vốn nhà nước tham gia trên 50% tổng vốn đầu tư, trong khi theo Luật PPP sau đó thì vốn nhà nước hỗ trợ dưới 50%.

Ngoài ra, 3 dự án này đều đã được tính toán về lưu lượng phương tiện, khả năng thu hồi vốn cao trong số 11 dự án cao tốc Bắc Nam.

Có thể bạn quan tâm