Nguyên nhân hàng đầu khiến não bộ lão hoá sớm

Nghiên cứu mới cho thấy giấc ngủ kém chất lượng có thể khiến não bộ lão hóa nhanh hơn, gia tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và các vấn đề sức khỏe thần kinh. Các chuyên gia khuyến khích mọi người xây dựng thói quen ngủ lành mạnh để bảo vệ sức khỏe…

Chúng ta đều biết chất lượng giấc ngủ là cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là sức khoẻ não bộ.

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Neurology, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người có chất lượng giấc ngủ kém có dấu hiệu não bộ lão hóa sớm hơn khi bước vào độ tuổi trung niên.

Cụ thể, trong số 589 người tham gia nghiên cứu, những người thường gặp phải 2 đến 3 vấn đề về giấc ngủ thường có độ tuổi não trung bình cao hơn 1,6 năm so với những người chỉ gặp 1 vấn đề hoặc ít hơn. Nếu có từ 3 vấn đề trở lên, độ tuổi não trung bình sẽ cao hơn 2,6 năm.

Ứng viên tham gia nghiên cứu có độ tuổi trung bình là 40 vào thời điểm bắt đầu khảo sát. Khi đó, họ hoàn thành bảng khảo sát về 6 đặc điểm giấc ngủ, bao gồm: thời gian ngủ ngắn, chất lượng giấc ngủ kém, khó ngủ, khó duy trì giấc ngủ, thức dậy quá sớm và buồn ngủ vào ban ngày. Sau 5 năm, họ tiếp tục thực hiện các bảng khảo sát tương tự và sau 15 năm các nhà nghiên cứu tiến hành quét não để đánh giá mức độ co rút của não, tương ứng với độ tuổi não cụ thể.

Các đặc điểm như chất lượng giấc ngủ kém, khó ngủ, khó duy trì giấc ngủ có liên hệ với hiện tượng não lão hóa nhanh hơn, đặc biệt khi những vấn đề này kéo dài từ 5 năm trở lên.

"Những phát hiện này cho thấy giấc ngủ đóng vai trò thiết yếu đối với não bộ, đặc biệt khi chúng ta già đi. Ngủ đủ và chất lượng giúp giữ cho tinh thần minh mẫn và duy trì sức khỏe tổng thể”, Tiến sĩ Shelby Harris, chuyên gia tâm lý học lâm sàng và giám đốc sức khỏe giấc ngủ tại Sleepopolis nhận xét.

Tình trạng não lão hoá sớm có khả năng gây suy giảm nhận thức, mất trí nhớ và tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh như sa sút trí tuệ.

Tiến sĩ Fouzia Siddiqui, giám đốc y khoa trung tâm giấc ngủ tại Sentara RMH Medical Center cho biết thêm rằng tình trạng não lão hoá sớm còn ảnh hưởng đến tâm lý và cảm xúc, khiến người ta dễ dàng cảm thấy cáu gắt, giận dữ và mất kiểm soát cảm xúc, cũng như tác động tiêu cực đến khả năng tập trung và chú ý.

Tiến sĩ Siddiqui nhấn mạnh, cách tốt nhất để cải thiện chất lượng giấc ngủ là ưu tiên các tiêu chí quan trọng cho giấc ngủ như ngủ đủ giờ theo một lịch trình nhất định, tạo môi trường ngủ thoải mái và tránh các hoạt động gây xao nhãng như xem TV hay sử dụng điện thoại trước giờ đi ngủ.

“Bạn có thể thực hiện các hoạt động thư giãn và hỗ trợ giấc ngủ như tập thở, thiền, cầu nguyện”, Tiến sĩ Siddiqui lưu ý.

Về phía mình, Tiến sĩ Shelby Harris khuyến nghị mọi người nên hạn chế tiêu thụ caffein, đường, đồ có cồn trước giờ ngủ; đồng thời tập thể dục thể thao thường xuyên.

“Những thay đổi nhỏ nhưng kiên trì có thể tạo ra sự khác biệt lớn về chất lượng giấc ngủ và cải thiện sức khoẻ tổng quát”, Tiến sĩ Harris chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm