Trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh với nhiều mã đều đã vượt xa mức giá cao nhất từng được thiết lập 3 năm trước và liên tục tạo đỉnh mới.
Về triển vọng cổ phiếu ngành ngân hàng các chuyên gia cho rằng, nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp tục là trụ cột, động lực quan trọng dẫn dắt chỉ số Vn-Index vượt qua mốc kháng cự quan trọng để chinh phục đỉnh mới như sắp tới đây là mốc 1.300 điểm.
Trong một chia sẻ mới đây, ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc môi giới hội sở Công ty chứng khoán Mirae Asset đã đưa ra 5 luận điểm cho “sức nóng” của nhóm cổ phiếu này.
Thứ nhất, sức mạnh từ nội tại
Ngành Ngân hàng đang có những chuyển biến rất tốt về nội tại của họ khi cho thấy nhiều số liệu tích cực. Tổng thể nhóm Bank hiện đang có vốn hoá lớn nhất thị trường với tính toán sơ bộ chiếm khoảng 30% vốn hóa thị trường. Mức định giá trung bình của ngành hiện khoảng 1,8x. Những Ngân hàng chiếm CASA cao nhất trong nhóm như Techcombank, MBB, Vietcombank,..đều có mức CASA 30% trở lên.
Ngoài ra, ROA trung bình của ngành hiện khoảng 1.2%, ROE cải thiện đáng kể ở khoảng 14%, NIM trung bình khoảng 0.9%, các độ bao phủ nợ xấu, tăng trưởng lợi nhuận trước dự phòng tín dụng đều có mức tăng trưởng rất tốt.
Nói về thanh khoản, gần đây những ngân hàng trụ đều có giao dịch trung bình 15-20tr cổ / phiên. Vậy nói về mức độ hút thanh khoản thì ngân hàng đang là nhóm ngành số 1 của thị trường.
Thứ hai, sức mạnh từ kết quả kinh doanh vượt trội so với các nhóm ngành còn lại
Xét về kết quả kinh doanh, có thể thấy nhóm ngân hàng gần như tương đồng với ngành vật liệu hay ngành bất động sản khi tăng trưởng 50% - 100% hoặc thậm chí 200% lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng kỳ năm ngoái chứng kiến một yếu tố mùa vụ là sự bùng nổ dịch Covid -19 và các ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng, nhờ những thông tư từ NHNN mới có thể giảm thiểu mức thua lỗ. Tới bây giờ khi bình thường trở lại thì lợi nhuận quý I năm nay "bung" mạnh và gấp lên vài lần cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Tuy nhiên, vấn đề trọng yếu cần quan tâm là tốc độ và nền tảng lợi nhuận này có bền vững không thì tôi xin trả lời là sẽ bền vững, dựa trên các số liệu thống kê trong bảng tổng quát số liệu ngân hàng bên dưới.
Thứ ba, sức mạnh cộng hưởng nhờ giai đoạn xử lý nợ xấu đã qua đi
Nếu xét trong quá khứ 10 năm trước, vào khoảng 2011 - 2012 là lúc ngành ngân hàng nằm trên bờ vực, chứng kiến sự “ngã ngựa” của những ông chủ vang bóng một thời với vòng lao lý lên đến vài chục năm, đó mới chính là giai đoạn mấu chốt, sống còn cho việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu,... Xử lý nợ xấu thực ra là câu chuyện tổng hoà nhiều yếu tố từ tái cơ cấu quản trị, sự giúp đỡ về thanh khoản của NHNN, cơ cấu vĩ mô của nền kinh tế,...và nó giúp giai đoạn tái cấu trúc đặc biệt nhất của ngành ngân hàng trong 6-7 năm qua thành công.
Tới bây giờ, khi đại dịch Covid-19 quay lại, thì sự giúp đỡ của NHNN và chính phủ rất rõ ràng. Và nợ xấu này tôi vẫn đánh giá là one-off (một lần) và kể cả khi đại dịch bùng phát lần 4 như hiện nay thì kinh nghiệm xử lý của chính phủ cũng như việc trích lập, thích nghi với tình hình này của nhóm ngân hàng đã rất tốt, nên câu chuyện nợ xấu phát sinh bởi đại dịch này sẽ không trọng yếu bằng câu chuyện nợ xấu của 10 năm trước.
"Đó là lý do tôi nói đã qua giai đoạn xử lý nợ xấu”, ông Tuấn khẳng định.
Thứ tư, sức mạnh khi hưởng lợi trực tiếp từ sự tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh trạng thái “bình thường mới” của đại dịch
Việt Nam được nhận định là thuần về sản xuất và xuất khẩu, vậy sẽ nảy sinh ra câu chuyện “nghiện vốn”. Nước ta phải vay nợ để phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, xuất khẩu,...Do đó, khi thị trường phục hồi, nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, vậy rõ ràng ngành hưởng lợi trực tiếp đầu tiên chính là ngành ngân hàng.
Đó là lý do có sự luỹ kế, khi tăng trưởng tín dụng nếu nợ xấu ít thì nó được phản ánh thẳng vào lợi nhuận. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu tín dụng tăng thì ngành ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì nền tảng thu nhập và lợi nhuận thuận lợi trong không chỉ một vài tháng vì bánh xe kinh tế vĩ mô là cả một chu kỳ 5 - 10 - 15 năm.
Mở rộng thêm ở ý thứ 4 này là sự chủ động của các ngân hàng khi các hệ số NIM vẫn cho thấy sự tăng trưởng rất rõ. Lúc lãi suất giảm, đầu vào cũng giảm rất nhanh (gửi 5-7 tỷ từ 8-9% chỉ còn 4-5%), chúng ta thấy những kỷ lục top down về huy động tiết kiệm, tuy nhiên đầu ra chỉ giảm nhỏ giọt, đây là sự chủ động khi nền kinh tế có nhu cầu vốn nhiều.
Tính đến hiện tại, lãi suất lại tăng rất rõ khi nhu cầu tín dụng tăng, có nghĩa các ngân hàng cũng chủ động cho cả chiều lên khi nhích từ từ lãi đầu vào nhưng tăng đầu ra đáng kể 0,25-0,5%. Nên NIM của nhóm ngành này nhất là những ngân hàng có lợi thế về thương hiệu, mạng lưới, hệ thống,.. vẫn sẽ duy trì ở mức rất cao.
Thứ năm, sức mạnh từ sự thu hút nhà đầu tư F0 bởi độ nhận diện thương hiệu
Hiện nay sự tăng trưởng của nhóm nhà đầu tư F0 trên thị trường đang rất rõ ràng, vậy nên sự phổ dụng và lan toả của nhóm ngân hàng chính là một lợi điểm cho nhóm này.
Nhóm nhà đầu tư F0 đang dẫn dắt cuộc chơi khi kể cả giám đốc đầu tư cao cấp của một quỹ đầu tư lớn, các bài báo từ Bloomberg,...đều khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn mà nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò then chốt. Họ cân đối, hấp thụ tất cả lực chốt lời từ ngoại khối, nội khối nhất là tổ chức tự doanh,...và thị trường duy trì thanh khoản ở mức 800 triệu - 1 tỷ đô / ngày.
Thương hiệu của các ngân hàng được lan toả tới F0 rất nhiều từ dẫn động của truyền thông, đội ngũ môi giới, đội ngũ tư vấn,...với tư duy định vị đây là “cổ phiếu vua”... không khó để dẫn đến trăm nẻo đều đổ về nhóm ngân hàng. Đồng thời cũng giải thích cho luận điểm đầu tiên là tại sao volume của nhóm này lúc nào cũng cao vượt top thị trường.
Qua 5 luận điểm trọng yếu trên, có thể thấy tính tất yếu tìm đến nhóm ngân hàng của dòng tiền thể hiện qua 2 nền tảng rất rõ là sự tăng trưởng nội tại của nhóm này khi thu nhập vẫn được duy trì tốt dù trong bối cảnh đại dịch, và thứ hai là lợi thế về thương hiệu đối với dòng tiền đặc biệt là dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư F0.