Nhóm cổ đông liên quan ông Phương Hữu Việt nắm giữ 18,6% vốn điều lệ VietABank

Ông Phương Hữu Việt, cựu Chủ tịch VietABank và người có liên quan chiếm 18,6% vốn điều lệ tại ngân hàng này, tương đương với hơn 100 triệu cổ phiếu VAB...

Nhóm cổ đông liên quan ông Phương Hữu Việt nắm giữ 18,6% vốn điều lệ VietABank

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VietABank – mã chứng khoán: VAB) vừa công bố danh sách các cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2024. VietABank cho biết danh sách này bao gồm 8 cổ đông, trong đó có 4 tổ chức và 4 cá nhân.

Trong số các cổ đông tổ chức, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (Việt Phương Group) nắm giữ số cổ phần lớn nhất tại VietABank, với gần 66 triệu cổ phần, tương đương 12,21% vốn điều lệ của ngân hàng. Ngoài ra, người có liên quan đến cổ đông này cũng sở hữu 7,63% vốn điều lệ, tương đương 41,1 triệu cổ phần.

Đáng chú ý, người đại diện pháp luật của Việt Phương Group là ông Phương Thành Long - con trai ông Phương Hữu Lĩnh (anh trai của ông Phương Hữu Việt, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị VietABank).

Đồng thời, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Thương mại Củ Chi hiện đang sở hữu hơn 6,4 triệu cổ phần tại ngân hàng VietABank, chiếm tỷ lệ 1,2% vốn điều lệ. Công ty này có liên quan đến ông Phan Văn Tới, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VietABank, và ông Tới đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Thương mại Củ Chi.

Trong danh sách cổ đông, Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC cũng là cổ đông lớn, sở hữu gần 15 triệu cổ phiếu, chiếm 2,77% vốn điều lệ của VietABank. Tuy nhiên, không có thông tin về sở hữu cổ phần của người có liên quan đến hai cổ đông này.

Ngoài ra, Văn phòng Thành ủy TP.HCM là một cổ đông tổ chức khác, nắm giữ gần 27 triệu cổ phiếu, tương đương 4,97% vốn điều lệ của ngân hàng.

Bên cạnh 4 cổ đông tổ chức lớn, ngân hàng VietABank còn có 4 cổ đông cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ, với tổng tỷ lệ nắm giữ là 7,91% vốn điều lệ của ngân hàng.

Cụ thể, cổ đông Lê Thị Lan đang nắm giữ 7,1 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 1,32% vốn điều lệ của VietABank. Ngoài ra, người có liên quan với cổ đông này cũng đang sở hữu 24,5 triệu cổ phiếu, chiếm 4,55% vốn ngân hàng.

Cổ đông Đỗ Thị Ngọc Hà nắm giữ hơn 5,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,02% vốn điều lệ, và người có liên quan với cổ đông này nắm hơn 72,7 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 13,47%.

Ngoài ra, ông Trần Tiến Dũng, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc VietABank cũng sở hữu hơn 5,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,02% vốn điều lệ của ngân hàng. Đối với ông Dũng, không ghi nhận thông tin về cổ đông có liên quan sở hữu cổ phiếu tại ngân hàng.

Phương Hữu Việt là một cổ đông cá nhân quan trọng, sở hữu 4,55% vốn điều lệ của VietABank. Người có liên quan đến ông Việt cũng nắm giữ tới 14,05% vốn ngân hàng. Được biết, ông Phương Hữu Việt sinh năm 1964, quê ở Bắc Ninh. Ông là tiến sỹ kinh tế, đã có gần 30 năm kinh nghiệm trong quản lý kinh tế.

Ông cũng từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của VietABank từ tháng 8/2011 cho đến tháng 9/2021. Khi ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch VietABank, ông cũng đồng thời giữ chức Chủ tịch của Việt Phương Group.

Sau khi ông Việt từ nhiệm, VietABank đã bầu ông Phương Thành Long, con trai của ông Việt, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018-2023. Tuy nhiên, trong báo cáo quản trị bán niên 2024, không ghi nhận việc ông Long nắm giữ cổ phiếu nào tại VietABank.

Quay lại với Việt Phương Group, doanh nghiệp này tiền thân là Công ty TNHH Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Phương, được thành lập vào ngày 5/1/1996 với các ngành nghề chính ban đầu như thương mại, dịch vụ, vận chuyển hành khách công cộng bằng taxi, và phân phối độc quyền thép không gỉ của Tập đoàn NEUMO (Cộng hòa Liên bang Đức).

Từ năm 2001 đến 2006, Việt Phương Group mở rộng hoạt động ra quốc tế, đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất như nhà máy chế biến gỗ tại tỉnh Khăm-Muộn, Lào, và lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô. Trong giai đoạn này, công ty cũng bắt đầu đầu tư mạnh vào bất động sản.

Vào tháng 3/2007, Việt Phương Group chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần. Từ năm 2010 đến 2015, công ty mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng, xây dựng và năng lượng. Đặc biệt, Việt Phương Group trở thành cổ đông lớn nhất của VietABank, với hơn 54,3 triệu cổ phiếu, tương đương 12,21% vốn điều lệ ngân hàng, theo báo cáo quản trị năm 2021.

Từ 2016 đến 2020, Việt Phương Group đẩy mạnh đầu tư vào khai khoáng (như khai thác mỏ Silica ở tỉnh Thừa Thiên Huế) và tham gia lĩnh vực dược phẩm y tế, trở thành cổ đông chiến lược của Vinapharm. Đến nay, công ty phục vụ hơn 20.000 khách hàng và đã triển khai thành công hơn 369 dự án, với doanh thu hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Về quy mô vốn điều lệ, trong tháng 12/2019, vốn điều lệ của Việt Phương Group tăng từ 1.400 tỷ lên 2.000 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên 3.000 tỷ đồng vào tháng 12/2020. Điều này đánh dấu mức tăng trưởng 114% chỉ trong vòng 2 năm.

Như vậy, tổng tỷ lệ sở hữu của 8 cổ đông lớn tại ngân hàng VietABank chiếm 29,06% vốn điều lệ, tương đương hơn 156,8 triệu cổ phần. Trong đó, 4 cổ đông tổ chức nắm giữ 21,15% vốn điều lệ của ngân hàng.

Đến tháng 12/2022, Việt Phương Group tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 6.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, danh tính của các cổ đông góp vốn trong đợt tăng vốn này không được tiết lộ. Đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc của công ty hiện là bà Phương Minh Huệ, sinh năm 1971.

Bà Phương Minh Huệ từng có mặt trong Hội đồng quản trị của VietABank, được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị vào ngày 20/6/2020. Tuy nhiên, đến ngày 24/4/2021, bà Huệ không còn đảm nhiệm vị trí này tại ngân hàng.

Đến nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đã công bố thông tin về cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, các ngân hàng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ; danh sách người có liên quan cũng được mở rộng nhiều so với trước. Luật mới cũng giảm giới hạn tỉ lệ sở hữu của cổ đông là tổ chức từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Kể từ ngày 1/7/2024, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thiệt hại từ bão Yagi, Bảo hiểm Agribank báo lỗ hơn 20 tỷ đồng

Thiệt hại từ bão Yagi, Bảo hiểm Agribank báo lỗ hơn 20 tỷ đồng

Nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ 20 tỷ đồng trong quý 3 của ABIC là do thiệt hại từ cơn bão số Yagi. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty đã chịu tác động nặng nề khi lãi thuần từ hoạt động này giảm tới 57%, chỉ còn 73,1 tỷ đồng...