Những tác động tích cực của các FTA đối với Việt Nam trong bối cảnh đại dịch

Việc tham gia các FTA đã từng bước góp phần hạ thấp hàng rào thuế quan, bãi bỏ hàng rào phi thuế quan trong xuất nhập khẩu(XNK) hàng hóa và dịch vụ, đây rõ ràng là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh XNK, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những tác động tích cực của các FTA đối với Việt Nam trong bối cảnh đại dịch

Để cộng đồng doanh nghiệp cũng như bạn đọc hiểu rõ hơn về những vấn đề trên Phóng viên Tạp chí Thương gia đã có cuộc trao đổi với PGS - TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính.

Những tác động tích cực và thách thức đối với Việt Nam

Phóng viên: Xin ông cho biết những tác động tích cực đến hoạt động XNK đối với các doanh nghiệp Việt Nam từ khi tham gia các FTA?

PGS - TS. Đinh Trọng Thịnh: Có thể nói các FTA đã tạo nhiều cơ hội cho các DN trong quá trình hoạt động sản xuất và XNK.

Thứ nhất, các DN sẽ có cơ hội phát triển bình đẳng với các DN khác trong nền kinh tế, dù đó là các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, DN lớn hay DN nhỏ. Đồng thời, hoạt động XNK của các DN sẽ được mở rộng khi mức thuế suất được giảm về bằng hoặc gần bằng 0% và các hàng rào phi thuế quan được dỡ bỏ.

Bên cạnh đó, các DN có cơ hội tiếp cận với các thị trường lớn trong thương mại, dịch vụ và đầu tư, ít rào cản hơn. Đặc biệt các DN có điều kiện tiếp cận dễ dàng với các thị trường thiết bị, máy móc có trình độ khoa học công nghệ cao của các quốc gia hàng đầu trên thế giới, có thể sản xuất các hàng hóa có chất lượng hàng đầu với năng suất và hiệu quả cao, có thể đáp ứng các đòi hỏi khắt khe của thị trường các nước phát triển.

Các DN cũng mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn dồi dào, giá rẻ từ thị trường các quốc gia tham gia các FTA.

Đặc biệt, các DN có thể tiếp cận nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu từ các nước ký kết FTA với chi phí thấp, đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa nội khối FTA để được hưởng các ưu đãi quy định trong các Hiệp định.

Từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đến các FTA khác, theo ông, đâu là những thách thức trong XNK đối với các DN Việt Nam?

Việc thực hiện các FTA cũng tạo ra những thách thức lớn cho cả các cơ quan quản lý và các DN Việt Nam. Cụ thể, thực hiện các FTA, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các hàng hóa đa dạng, chất lượng cao, giá cả phù hợp hơn, nhưng các DN Việt Nam sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa của các DN trong các quốc gia có ký kết các FTA tràn vào thị trường do thuế quan thấp và sự xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan, thị phần hàng hóa của DN Việt Nam sẽ bị thu hẹp lại, thậm chí là nguy cơ mất thị phần nội địa.

Việc tham gia các FTA cũng đồng nghĩa với việc mở cửa thị trường dịch vụ, là mảng hoạt động thương mại mà mức độ mở cửa của Việt Nam là hạn chế và dè dặt nhất từ trước đến nay. Các DN dịch vụ Việt Nam chưa thực sự phát triển sẽ đối mặt nguy cơ cạnh tranh khốc liệt, thậm chí bị thôn tính hay phá sản. Cán cân thương mại dịch vụ sẽ tiếp tục thâm hụt ngày càng lớn.

PGS - TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính
PGS - TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính

Song song đó, thách thức từ việc thực thi các yêu cầu cao về môi trường, lao động, cạnh tranh… và các ràng buộc mang tính thủ tục trong các quy định liên quan đến rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ. Đây là đòi hỏi làm chi phí sản xuất kinh doanh của các DN Việt Nam tăng cao, gây khó khăn trong cạnh tranh về giá.

Một thách thức không nhỏ nữa là, thách thức từ việc chứng minh xuất xứ của nguyên liệu đầu vào để được hưởng các ưu đãi của các quốc gia trong FTA. Mỗi FTA đều có đòi hỏi chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các nguyên vật liệu và bộ phận, linh phụ kiện cấu thành đạt tỷ lệ nội khối mới được hưởng ưu đãi.

Những con số ấn tượng về xuất khẩu trong đại dịch Covid-19

Xin ông cho biết đánh giá của cá nhân ông khi trong đại dịch Covid-19 nhiều nước bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng?

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị tác động nặng nề bởi chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19, với việc kiềm chế được sự bùng phát của đại dịch Covid-19, việc thực hiện các FTA đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm nhỏ các nền kinh tế thành công trong việc duy trì mức tăng trưởng dương. Năm 2020, xuất khẩu đạt 281 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, trong đó có phần đóng góp quan trọng của thương mại với các thị trường FTA mới ký kết; 15 FTA được thực thi cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường ở trên 50 quốc gia, bao gồm hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo các số liệu từ Bộ Công Thương, với Hiệp định CPTPP, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng cao. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng gần 12%; xuất khẩu sang Mexico ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12%so với năm 2019. Với Hiệp định EVFTA sau 5 tháng thực thi (từ 01/08-31/12/2020), tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 3,8% so với cùng kỳ 2019.Kim ngạch XK của Việt Nam sang EU trong 2 tháng đầu năm 2021, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh GDP của EU vẫn đang tăng trưởng âm và tiếp tục đối mặt với khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Sang năm 2021, theo số liệu củaTổng cục Thống kê, hoạt động xuất, nhập khẩu của DN Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Về hàng hóa xuất khẩu: Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 25,76 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 78,14 tỷ USD, tăng 34,4%, chiếm 75,2%. Trong 4 tháng, có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kết quả khả quan này có thể coi là đóng góp lớn của việc thực thi các FTA, đặc biệt là các Hiệp định mới ký kết và có hiệu lực gần đây như CPTPP, EVFTA, RCEP,…

Có thể bạn quan tâm