Nỗi lo 'bóng ma' lạm phát, giá bất động sản năm 2022 tăng cao

Cùng với nỗi lo “bóng ma” lạm phát, nhu cầu về bất động sản tăng cao, chuyên gia Savills nhận định rằng, giá bất động sản năm 2022 sẽ tăng đáng kể.
Lo ngại "bang ma" lạm Phát, nhiều người đổ tiền vào bất động sản dẫn đến giá tăng cao trong năm 2022.
Lo ngại "bang ma" lạm Phát, nhiều người đổ tiền vào bất động sản dẫn đến giá tăng cao trong năm 2022.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với thuonggiaonline.vn về câu chuyện nguy cơ lạm phát tác động đến giá bất động sản năm 2022.

Thưa ông, năm 2022, Quốc hội Việt Nam đặt chỉ tiêu CPI tăng khoảng 4%, thế nhưng giá cả các mặt hàng chiến lược, thiết yếu từ đầu năm đến nay đã tăng “phi mã”. Điều này có ảnh hưởng đến chỉ tiêu CPI không?

TS. Sử Ngọc Khương: Ngay trong những tháng đầu năm, áp lực kiểm soát lạm phát tại Việt Nam đã trở thành vấn đề quan trọng được đề ra trong quản lý kinh tế vĩ mô. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản tăng 0,67%.

Năm 2022, Quốc hội đặt chỉ tiêu CPI tăng khoảng 4%. Vào thời điểm tháng 1, đây được là mục tiêu được đánh giá hoàn toàn “trong tầm tay” của Việt Nam. Tuy nhiên, sau những biến động bất ngờ của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, mục tiêu này trở thành một sức ép không hề nhỏ. 

Mục tiêu duy trì lạm phát trong khoảng 4% của Quốc hội là có thể đạt được. Mặc dù vậy, bối cảnh bất ổn chính trị trên thế giới trong đó chiến tranh Nga - Ukraine đang tác động đến hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Đó là giá dầu tăng lên mốc trên 120 USD/thùng trong vòng gần 6 tháng trở lại đây. Biến động giá kim loại quý cũng tăng đáng kể. Những biến động này này dẫn đến các nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng cao và sau cùng là giá hàng hóa tăng theo. 

Dưới tác động của chiến tranh cũng như những ảnh hưởng vẫn còn tồn tại của Covid-19 khiến mục tiêu giữ lạm phát ở mức dưới 4% là rất thử thách cho nền kinh tế cũng như chính sách tài khóa.  

Tuy nhiên, việc Việt Nam có đảm bảo kiềm chế lạm phát ở mức 4% được hay không phụ thuộc vào 3 biến số chính: sự tác động của chiến tranh đến giá dầu, kim loại quý, nguyên liệu đầu vào của các lĩnh vực sản xuất, ảnh hưởng giá trị của các sản phẩm; căng thẳng thương mại giữa Nga và các nước phương Tây với những biện pháp trừng phạt tạo ra xung đột về thương mại giữa nhiều quốc gia trên thế giới; yếu tố kiểm soát dịch bệnh.  

Trước biến động của chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, theo ông, đâu là kênh trú ẩn tài sản an toàn?

TS. Sử Ngọc Khương: Một phân tích của Savills World Research đã chỉ ra nếu lạm phát xảy ra do tăng trưởng kinh tế (lạm phát cầu kéo), nhu cầu bất động sản sẽ được đẩy lên và giúp làm tăng giá trị của bất động sản. Tuy nhiên, nếu lạm phát được hình thành bởi các chi phí như nguyên vật liệu, chi phí lao động tăng (lạm phát chi phí đẩy) sẽ dẫn đến hạn chế nguồn cung bất động sản.  

Khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng do những bất ổn về chiến tranh, kinh tế - chính trị thế giới, nguồn tài chính đầu tư vào bất động sản được xem là một phương án giúp bảo toàn dòng vốn trước rủi ro. Điều này giúp họ bảo toàn giá trị tài sản, đồng thời tránh sự bất ổn định ở những kênh đầu tư khác.

Đặc biệt, tại Việt Nam, trong thời gian qua, nguồn cung bất động sản nhà ở rất hạn chế. Người dân chủ yếu đầu tư đất nền còn các sản phẩm bất động sản nhà ở bao gồm đất và các tài sản trên đất chiếm tỷ lệ thấp hơn. Chính vì vậy, trong bối cảnh bất ổn kinh tế - chính trị thế giới, lạm phát tăng nhanh và nguồn cung khan hiếm, thị trường bất động sản bao gồm cả phân khúc nhà ở và thương mại tại Việt Nam được đánh giá sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới và là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lạm phát.

Ông có những lưu ý gì cho các khách hàng đầu tư bất động sản trong thời điểm nhạy cảm này?

TS. Sử Ngọc Khương: Khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Tôi cho rằng trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, việc cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản là đặc biệt quan trọng, tránh lặp lại tình trạng “chết trên đống tài sản” đã từng xảy ra trong quá khứ.

Trong 9-12 tháng tới, việc một số các nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, tính đầu cơ của nhóm này không lớn, khó có thể thao túng thị trường, làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá. Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở tại Việt Nam trong thời gian tới còn rất hạn chế, chính vì vậy việc giảm giá bất động sản là rất khó xảy ra.

Nhìn về lịch sử cuộc khủng hoảng đầu tiên của kinh tế thế giới 1917 xuất phát từ Mỹ cho đến hiện tại, gần như chỉ có 1 đợt khủng hoảng khiến giá bất động sản giảm là vào năm 2007-2008 với mức giảm 30-40%. 

Riêng ở Việt Nam, mặc dù từ năm 1975 đến nay nền kinh tế cũng trải qua một số biến cố như cuộc khủng hoảng, riêng chỉ có giai đoạn 2011-2012 là giá bất động sản trên toàn thị trường giảm đến 30% bởi khi đó các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Còn lại, thực tế cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, bất động sản lại tăng giá. 

Do vậy, các nhà đầu tư, trước khi quyết định xuống tiền, cần chú ý về giá và pháp lý của bất động sản. Đối với những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc này, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó. Sẽ là hợp lý nếu khoản tiền này được đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch bệnh, bất ổn chính trị quốc tế.

Ở góc độ vĩ mô, giá bất động sản tăng quá cao cũng làm ảnh hưởng đến sự hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài trong việc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Khi lạm phát, phân khúc bất động sản thương mại cũng phải đẩy giá dịch vụ, trong khi khả năng chi trả của doanh nghiệp còn hạn chế sau đại dịch Covid-19.

Có thể bạn quan tâm